Đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt NamPhạm Minh Chính

Hà Nội (TTXVN 29/6/2024) Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nhất trí nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Do đó, chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, mở ra trang mới cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc vốn đã thiết lập từ hơn 30 năm qua và không ngừng phát triển.

 

  * Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992. Quan hệ giữa hai nước có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.

Trong hơn 30 năm qua, mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển thành mối quan hệ hợp tác mẫu mực vào loại hàng đầu thế giới.

Trước đó, vào tháng 8/2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myeong Bak. Gần đây, quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới khi hai nước nâng quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 12/2022). Đây là bước phát triển mới, tạo khuôn khổ mới cho việc nâng tầm hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như hình thành nên các chuỗi cung ứng và mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản, quốc phòng an ninh, văn hóa…

Kể từ khi nâng cấp quan hệ tháng 12/2022 đến nay, các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã rất tích cực và chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác. Chỉ trong chưa đầy 2 năm qua, đã có tới 6 chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, 7 đoàn cấp Bộ trưởng và hơn 80 đoàn từ các địa phương khác nhau của hai nước. Những hoạt động này giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đặc biệt hơn cả là sự tin cậy chính trị giữa hai nước được nâng tầm đáng kể.

Gần đây, nhằm tăng cường và phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (tháng 6/2023), hai nước đã nhất trí ký kết và thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai nước hiện đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Hai bên hiện duy trì kênh trao đổi theo cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao-An ninh-Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt-Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt-Hàn cấp Thứ trưởng”...

Trên diễn đàn đa phương, Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ và có những đóng góp tích cực tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như Mekong-Hàn Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)... Đặc biệt, trong 3 năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò đi đầu trong việc tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN với tư cách là điều phối viên đối thoại Hàn Quốc-ASEAN.

   * Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột trong quan hệ hai nước

Ông PARK MINSU, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Hana Micron Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc (Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang) trao đổi công việc với người lao động Việt Nam. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột chính trong quan hệ hai nước, cũng là điểm sáng trong hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau hơn 30 năm giao thương, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp; đứng thứ 2 về hợp tác phát triển (ODA), du lịch; đứng thứ 3 về lao động, thương mại. Trong khi Việt Nam là một trong 3 đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 500 triệu USD năm 1992 lên tới 87 tỷ USD năm 2022; 76,1 tỷ năm 2023; và 4 tháng đầu năm 2024 đạt 25,5 tỷ USD. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 4/2024, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt trên 87 tỷ USD với 9.957 dự án đầu tư, tiếp tục duy trì vị trí số 1. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc có 118 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới là 856 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới và tăng vốn (sau Trung Quốc và Singapore).

Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Thời gian gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD, trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc được ưu tiên cho các lĩnh vực: hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục-đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin…

Theo Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, Hàn Quốc và Việt Nam là đối tác hợp tác không thể tách rời trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là phải mở rộng và tăng cường hợp tác giữa hai nước từ mối quan hệ hợp tác hiện có lấy sản xuất làm trung tâm sang các lĩnh vực khác nhau như an ninh kinh tế, khoa học-công nghệ, kỹ thuật số và biến đổi khí hậu. Trong tương lai, sẽ có thêm những trao đổi trong lĩnh vực công nghệ, hợp tác đào tạo nhân lực, văn hóa giữa hai nước. Tuy nhiên, hợp tác thương mại và đầu tư nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế sẽ tiếp tục được chú trọng.

Trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng có bước phát triển lớn trên cơ sở hai bên có nền tảng văn hóa và lịch sử tương đồng. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh, ẩm thực, thời trang của Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại Việt Nam; ngược lại, văn hóa, ẩm thực Việt Nam cũng ngày càng được phổ biến hơn tại Hàn Quốc.

Giao lưu nhân dân giữa hai nước căn bản đã phục hồi sau dịch COVID-19. Hiện nay, hơn 230.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hàn Quốc. Trong số đó, có hơn 80.000 người Việt Nam đã kết hôn với người Hàn Quốc cho thấy sợi dây kết nối giữa người dân hai nước ngày càng bền chặt và sâu rộng.

Trong năm 2023, gần 11.000 lao động Việt Nam tới Hàn Quốc và dự kiến có khoảng 13.000 lao động Việt Nam tiếp tục tham gia thị trường này trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, 4 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam, đứng thứ nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam, và dự kiến con số này tăng lên tới 4,5 triệu lượt trong 2024. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ, những con số này cho thấy mối quan tâm lớn từ phía Hàn Quốc với Việt Nam đồng thời đây cũng là chỉ dấu về niềm tin của cộng đồng người dân và doanh nghiệp hai nước dành cho nhau.

   * Gắn kết hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nhất trí nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện tháng 12/2022.

Theo Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này là cơ hội để củng cố hơn nữa lòng tin chính trị và làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Việt Nam với tư cách là đối tác hợp tác hàng đầu trong khu vực. Đây được coi là cơ hội để hai bên đánh giá cụ thể thực trạng triển khai Kế hoạch hành động tầm mức quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” thời gian qua.

Nhân chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo (16/1/2024). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ, chuyến thăm này là sự kiện bao hàm nhiều ý nghĩa trọng đại, mở ra trang mới cho quan hệ Việt-Hàn vốn đã khởi động từ hơn 30 năm qua và đang trên đà khởi sắc. Kết quả của chuyến thăm là động lực cho quan hệ hai nước, tạo tiền đề cho những phát triển mới cao hơn, sâu hơn và rộng hơn trong những năm tiếp theo. Với chuyến thăm này, các bên sẽ có cơ hội cùng nhìn lại, cùng đánh giá và cùng kiến nghị những bước đi tiếp theo trong tổng thể mối quan hệ Việt-Hàn. 

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Trường Giang – PV TTXVN tại Hàn Quốc

Theo Đại sứ Vũ Hồ, thông qua chuyến thăm, lòng tin giữa hai quốc gia được nâng lên tầm cao mới, mở ra những cơ hội giao thương mới giữa hai nước, và người dân cũng sẽ có thêm cơ hội để giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, với những hoạt động  phong phú, đa dạng được tổ chức tại Hàn Quốc, chuyến thăm này còn là dịp để lãnh đạo các cấp ngành lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng cũng như từ các bạn bè Hàn Quốc với Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyến thăm chính thức lần này đến Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn truyền thông điệp tới cộng đồng khu vực và quốc tế về quyết tâm của hai nước tăng cường giao lưu, đẩy mạnh hợp tác, nâng cao kết nối giữa khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của cả châu Á-Thái Bình Dương./.

 Trọng Đức (tổng hợp)