Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hà Nội (TTXVN 6/12/2013) Tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku (Azerbaijan) vào ngày 5/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 * Loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc của các tỉnh Nam Trung Bộ.

- Lịch sử hình thành

 Vào cuối thế kỷ XIX, các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế vào vùng Nam Bộ. Trên đường đi, các nhạc sĩ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã tiếp tục thay đổi, một số bài bản tuy cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa so với ban đầu.

 Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không y khuôn bản gốc. Người đàn, người ca cũng không muốn giữ nguyên như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác do lòng luôn luôn nhớ thương cội nguồn nên các điệu của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.

 Đến đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử trở thành một phong trào ca nhạc phổ thông tại miền Nam, nhất là tại các địa phương như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Mỹ Tho, Sài Gòn… Các nhóm tài tử khối miền Đông (vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và phụ cận) cùng với nhóm tài tử khối miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc) cũng được hình thành. Đứng đầu nhóm tài tử khối miền Đông là ông Nguyễn Quang Đợi - một nhạc sư từ Triều đình Huế vào sống ở Cần Đước cùng với các nghệ sĩ khác như Cao Huỳnh Cư và Cao Huỳnh Điểu. Nhóm tài tử khối miền Tây có ông Trần Quang Quờn người Huế vào sống ở Vĩnh Long đứng đầu nhóm cùng với các nghệ nhân Trần Quang Nhiệm, Nguyễn Liên Phong và Nguyễn Tư Ba. Các nghệ nhân này chính là những nhà tiên phong trong việc cố gắng, biên soạn, sáng tác và giảng dạy nhạc tài tử theo phong cách riêng, nền tảng cho Đờn ca tài tử hiện nay.

 - Nghệ thuật biểu diễn

 Là một dòng nhạc thính phòng của Việt Nam, cách thức biểu diễn của Đờn ca tài tử khá đặc biệt. Cùng được coi là dòng nhạc thính phòng nhưng trong ca trù và Nhã nhạc Huế người hát chính thường là phụ nữ. Trong Đờn ca tài tử nghệ sĩ nam và nữ đều có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau.

 Dàn nhạc của Đờn ca tài tử có nhiều nhạc cụ hơn dàn nhạc của Ca trù và ca Huế. Trước đây, dàn nhạc Đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm (đàn ghi ta), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc.

 Khi biểu diễn nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của nhạc cụ có âm sắc khác nhau, ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Thường thấy nhất là song tấu đàn kìm và đàn tranh, là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, mà theo các chuyên gia thì được gọi là sắt cầm hảo hiệp. Cũng có khi là tam tấu đàn kìm-tranh-cò, kìm-tranh-độc huyền, tranh-cò-độc huyền mà giới  chuyên gia gọi là tam chi liên hoàn pháp.

 Đặc biệt, Đờn ca tài tử thường được biểu diễn ngẫu hứng. Dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Chính vì sự khác biệt này mà mỗi lần nghe dù cùng một bài, người nghe vẫn luôn thấy mới lạ và hài hòa.

 Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và nói lối của người ca. Người đàn dùng rao - người ca dùng lối nói - để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn. Chính vì vậy mà nhạc tài tử luôn luôn sinh động và hấp dẫn người nghe.

 Đờn ca tài tử có một số lượng bài bản rất phong phú và đa dạng. Ngoài việc sử dụng một số bài bản trong nhạc lễ, còn có các bài từ ca Huế, dân ca miền Trung, miền Nam, và một số lượng lớn do các nghệ nhân bậc thầy sáng tác và cải biên. Do đặc tính ngôn ngữ và sinh hoạt riêng của người miền Nam mà nhạc miền Trung được phát triển đặc biệt trong nhạc tài tử. Một số bài nổi tiếng được nhiều người biết đến như: bài Bình Đán của ca Huế được phát triển thành Bình Đán Văn trong nhạc tài tử, Lưu Thủy của Huế được cải biên thành Lưu Thủy Đoàn, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản…

 Tuy số lượng bài bản phong phú và đa dạng, nhưng nhưng đa số các bậc thầy của đờn ca và các chuyên gia cho rằng đờn ca có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” thuộc hai điệu Bắc và điệu Nam. Trong 20 bản tổ có 6 Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán, Xuân tình), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 Oán (Tứ đại, Giang Nam, Phụng hoàng, Phụng cầu) và 7 bài nhạc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc). Đây thường là những bài lớn rất dài và phức tạp (có khi hơn 10 phút mới chơi hết một bài) và đạt trình độ “cổ điển” về nhạc lý. Tương truyền rằng các bài bản này do ông bà Ba Đợi đúc kết và được xem như là những bài căn bản cho những người bắt đầu bước vào nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ năm 1945, ông Nguyễn Văn Thịnh thường được gọi là ông Giáo Thịnh - một nhạc sư có uy tín tại Sài Gòn đã đúc kết và phổ biến một hệ thống mới gọi là 72 bài bản cổ nhạc miền Nam được gọi là thất thập nhị huyền công. Theo đó một nghệ nhân sẽ được coi là bậc thầy nếu biết hết 20 bài bản tổ và để đạt được mức cao hơn nghệ nhân đó cần biết hết 72 bài bản cổ miền Nam.

 * Con đường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể

 Sớm nhận thức được sức sống mạnh mẽ của đờn ca tài tử trong đời sống người dân Nam Bộ, năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị 19 tỉnh, thành phố trong đó có Thành phố  Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Phước, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau,… nhanh chóng có kế hoạch điều tra, nghiên cứu kiểm kê về di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử ở địa phương để chuẩn bị cho việc lập hồ sơ trình UNESCO.

 Cùng với đó, Bộ cùng chính quyền địa phương các tỉnh đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng”,  buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca Tài tử”, các liên hoan, giao lưu đờn ca cấp tỉnh hoặc liên tỉnh,… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở các tính miền Nam đã tích cực mở các lớp dạy nhằm phổ biến nghệ thuật đờn ca. Đặc biệt, năm 2012, Đờn ca tài tử đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Ngày 5/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được cả 5 tiêu chí đặt ra để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó nỏi bật là các tiêu chí: được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, Đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc,…

Thanh Phương (tổng hợp)