Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người tiếp thu và thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 27/05/2015)

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những ủy viên Trung ương lâm thời đầu tiên của Đảng, người lãnh đạo lâu năm của giai cấp công nhân và phong trào Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam... Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

* Người tiếp thu và thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 trong một gia đình công nhân lao động tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1925, chàng trai Kinh Bắc đang học năm thứ ba trường kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, nhưng vì “tội” tham gia những hoạt động yêu nước, Hạ Bá Cang bị chính quyền thực dân đuổi học. Nhưng cũng chính qua những hoạt động đấu tranh yêu nước đó, anh đã tìm thấy tiếng nói chung, tình cảm của những thanh niên có cùng chí hướng. Anh đã được biết về Nguyễn Ái Quốc, được đọc báo Le Paria do những thủy thủ người Việt yêu nước bí mật chuyển tới Hải Phòng theo đường biển.

Hạ Bá Cang tìm gặp và nhanh chóng kết bạn với Ngô Gia Tự và không lâu sau hai người bạn đã trở thành đồng chí. Hạ Bá Cang được tiếp xúc với tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và năm 1928 chính thức trở thành thành viên của tổ chức cách mạng này do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Hạ Bá Cang đã nhanh chóng tiếp thu được ánh sáng cách mạng. Đồng chí đã tích cực hoạt động gây mầm cách mạng tại những cơ sở tập trung đông công nhân: mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ Mạo Khê (Quảng Yên), làm thợ nguội ở nhà máy Ca rông (Hải Phòng), rồi vào Sài Gòn hoạt động cùng với Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 1930, dù vắng mặt, Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng.

Tháng 5-1930, khi mới từ Sài Gòn tới Hải Phòng, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị mật thám bắt tại nhà số 6 phố Tua-ran. Các thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù không khuất phục được đồng chí. Ngày 26-1-1931, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương xử đồng chí trong một phiên tòa đặc biệt ở thị xã Kiến An. Hạ Bá Cang nhận án khổ sai chung thân, được xếp vào những “phần tử nguy hiểm”. Cuối mùa hè 1931, đồng chí bị đày đi Côn Đảo. Những năm tháng chịu đựng đủ thứ đòn tra tấn ở Hải Phòng, ở Côn Đảo (1930-1936), rèn luyện, đấu tranh trong ngục tù của đế quốc càng làm tăng thêm ý chí kiên cường, bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh của người chiến sĩ cách mạng. Được trả tự do, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ những năm 1936-1939. Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, cùng đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách các tờ báo của Đảng.

Tháng 5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 lịch sử tại Pác Bó (Hà Quảng-Cao Bằng). Đồng chí Hoàng Quốc Việt dự Hội nghị cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí đại biểu cho các Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ…

Hội nghị Trung ương 8 đã trực tiếp soi rọi con đường đi tới khởi nghĩa, giành độc lập tự do cho dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là lần đầu tiên Hoàng Quốc Việt được gặp Nguyễn Ái Quốc và như sau này đồng chí nhớ lại: “Đến khi Bác kết thúc Hội nghị, nhận thức của tôi lại càng có nắng mới ùa vào. Nghe Bác nói, từ núi rừng Pác bó âm u, tôi nhìn thấy rất rõ tiền đồ tươi tắn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới…”.

Tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Thực hiện những chủ trương chiến lược đã được Hội nghị Trung ương 8 chỉ rõ, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành Trung ương đã ngày đêm lăn lộn với phong trào, vượt qua sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, bám sát tình hình, đưa ra những chủ trương chỉ đạo kịp thời, xây dựng Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, đưa phong trào kháng Nhật cứu nước phát triển dần thành cao trào, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Trong những chặng đường cách mạng sau này, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận kiêm Trưởng ban Công vận Trung ương, Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng tận tụy, liêm khiết, chân thành, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc, của nhân dân.

* Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đầu tiên

Ngoài những công lao, đóng góp to lớn cho tiến trình cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn là người có công trong việc xây dựng Công đoàn lao động nước ta. Đồng chí Hoàng Quốc Việt từng làm công nhân mỏ than Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nhà máy cơ khí Carông, đoàn viên Công đoàn Hàng hải Marsaille (Mác xây, Pháp), do vậy đồng chí hiểu rất rõ nguồn sức mạnh của giai cấp công nhân nói chung và giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong việc tuyên truyền và đấu tranh cách mạng.

Đồng chí liên tục có những hoạt động thiết thực và cụ thể góp công đưa phong trào công nhân Việt Nam ngày càng tiến bộ, trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ ngày 1 đến 15-1-1950, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất họp, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Liên tiếp các Đại hội II, III, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Với 26 năm liên tục ở cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam và hơn chục năm là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ chế làm chủ của công nhân viên chức Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

 Vừa là Chủ tịch Tổng Công đoàn, vừa là Trưởng ban Mặt trận, Trưởng ban Dân vận-Mặt trận của Đảng, rồi Chủ tịch Mặt trận và sau đó là Chủ tịch danh dự của Mặt trận, đồng chí đã có những cống hiến to lớn vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc.

* Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong suốt 16 năm (từ năm 1960 đến 1976). Đồng chí đã góp phần quyết định trong việc xác lập vị trí của tổ chức rất mới này trong thể chế Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Những năm 60 của thế kỷ XX, công tác kiểm sát còn mới mẻ, đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát chưa quen chức năng, nhiệm vụ, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo ngành có những chủ trương công tác đúng đắn, với tính định hướng quan trọng và ý nghĩa quyết định đối với công tác kiểm sát.

Đồng chí dành nhiều tâm huyết đối với công tác xây dựng và thực thi pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm "Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác quản lý xí nghiệp" (NXB Sự thật, Hà Nội, năm 1973), của đồng chí Hoàng Quốc Việt đề cập những vấn đề quan trọng và vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt: Pháp chế xã hội chủ nghĩa là sự tự giác tuân theo và nghiêm chỉnh chấp hành của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, của những người có trách nhiệm và mọi công dân đối với pháp luật nhà nước... Phát huy vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa, không phải chỉ có tác dụng phát huy vai trò quản lý của chính quyền, của giám đốc, mà chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng và vai trò của quần chúng.

Ðồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt coi trọng sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác pháp chế, hướng công tác kiểm sát phải góp phần xây dựng Ðảng. Theo đồng chí, Ðiều lệ Ðảng là pháp chế cao nhất của đảng viên. Muốn thực hiện tốt pháp chế nhà nước, thì mọi cán bộ, đảng viên trước hết phải thực hiện tốt pháp chế của Ðảng, tức là Ðiều lệ Ðảng. Lịch sử cách mạng Việt Nam và nhân dân ta trân trọng và tự hào về đồng chí Hoàng Quốc Việt - một tấm gương sáng, một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị; người tiếp thu và thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh./.