Dư luận quốc tế kêu gọi ngăn chặn xung đột Israel-Iran leo thang

Hà Nội (TTXVN 15/4/2024) Sau sự kiện tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria bị tấn công ngày 1/4/2024 khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có một tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Iran đã cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công trên và tiến hành trả đũa bằng việc tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa về phía Israel vào rạng sáng ngày 14/4. Hành động này là bước leo thang căng thẳng nguy hiểm trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời đẩy khu vực Trung Đông càng thêm bất ổn.

* Iran không kích đáp trả Israel

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Quan hệ giữa hai Iran và Israel leo thang căng thẳng gần đây kể từ khi bùng nổ xung đột ở Dải Gaza ngày 7/10/2023. Israel đã nhiều lần tấn công các mục tiêu của Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở Syria nhằm chống lại các tay súng của Hezbollah và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khiến căng thẳng hai bên gia tăng nghiêm trọng. Đây là những lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên  các cuộc tấn công của Israel chủ yếu tập trung vào hoạt động chuyển giao vũ khí. Mới đây, căng thẳng đã bị đẩy lên cao sau khi Iran cáo buộc Israel không kích tên lửa, phá hủy tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) hôm 1/4/2024. Vụ tập kích khiến 2 tướng Iran cùng 5 sĩ quan thiệt mạng.  Sau vụ việc trên, Iran tuyên bố đáp trả cứng rắn Israel.

Ngày 14/4, quân đội Israel cho biết Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel trong đêm ngày 13/4 (rạng sáng 14/4 theo giờ Việt Nam), 99% số vũ khí này đã bị bắn hạ. Quân đội Israel cũng nhấn mạnh các lực lượng vũ trang Israel vẫn hoạt động hết khả năng và đang thảo luận về các phương án tiếp theo.

Các cơ quan chức năng của Israel thông báo thiệt hại do cuộc tấn công của Iran gây ra là không lớn, khi chỉ có một căn cứ quân sự bị ảnh hưởng và một người dân bị thương nặng. Các thành phố lớn và các cơ sở hạ tầng quan trọng đều không xảy ra thiệt hại nào.

Ngay sau sự việc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tổ chức cuộc họp nội các an ninh để thảo luận về cuộc tấn công "đang diễn ra" do Iran triển khai từ lãnh thổ của nước này nhằm vào Israel.

Israel triệu tập Nội các chiến tranh ngày 14/4/2024. Ảnh: TTXVN phát

Kênh truyền hình Channel 12 đưa tin Nội các Chiến tranh của Israel ngày 14/4 đã được Nội các An ninh nước này trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc Nội các Chiến tranh - bao gồm 3 thành viên: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Benny Gantz - không cần hỏi ý kiến Nội các An ninh trước khi đưa ra các hành động đáp trả nhằm vào Iran. Hiện quân đội Israel vẫn duy trì cảnh giác cao sau vụ tấn công quy mô lớn của Iran nhằm vào quốc gia này.

Về phía Iran, truyền thông nước này cho biết đã có khoảng 50 UAV được phóng đi trong đêm ngày 13/4. Phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc ngày 14/4 nêu lý do cho biết hành động quân sự của nước này chống lại Israel dựa trên Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, để đáp trả vụ tấn công đẫm máu gần đây của Tel Aviv vào cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus, Syria.

Phái đoàn Iran thông báo cuộc tấn công nhằm vào Israel “có thể được coi là đã kết thúc”. Tuy nhiên, phía Iran tuyên bố nếu chính quyền Israel phạm một sai lầm khác, phản ứng của Iran sẽ nghiêm khắc hơn nhiều.

Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc cũng cho rằng nếu Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Syria và sau đó truy tố thủ phạm, thì có lẽ đã tránh được việc Iran trả đũa Israel. Tuyên bố đề cập đến việc ba nước Mỹ, Anh và Pháp cũng như các đồng minh không những không lên án vụ Israel tấn công tòa nhà lãnh sự của Iran ở Syria mà còn ngăn cản việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố về vụ tấn công này.

* Các nước kêu gọi hai bên kiềm chế

Toàn cảnh phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Trung Đông tại New York (Mỹ) ngày 14/4/2024. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về vụ tấn công của Iran vào Israel, đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt hành động thù địch cũng như kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 14/4 (theo giờ Mỹ) để thảo luận về hành động quân sự mới đây của Iran nhằm vào Israel. Trước đó Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc cho biết đã yêu cầu Hội đồng Bảo an tiến hành cuộc họp bất thường để thảo luận về vụ việc trên, đồng thời gửi thư cho Đại sứ Malta tại Liên hợp quốc Vanessa Frazier. Malta là quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/4 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong khuôn khổ điện đàm, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Washington phản đối bất kỳ động thái trả đũa nào của Israel nhằm vào Iran. Trước đó vài giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Tại cuộc điện đàm, ông Gallant “đã thông báo cho Bộ trưởng Austin về các hành động phòng thủ của Israel trong cuộc tấn công của Iran”. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã yêu cầu người đồng cấp Israel báo trước cho Washington nếu định có bất kỳ phản ứng nào nhằm đáp trả Iran sau cuộc tấn công.

Ngay sau sự việc Iran không kích Israel ngày 14/4, Mỹ đã cử một tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và 2.500 lính thủy đánh bộ tới Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ của Mỹ tại Iraq cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao và sẽ bắn hạ tên lửa và UAV nhằm vào Israel. Ngoài ra, Mỹ còn có 2 tàu khu trục và một tàu tuần dương ở Biển Đỏ được trang bị đầy đủ vũ khí chống tên lửa đều đã được lệnh bắn hạ mọi tên lửa hoặc UAV trên đường hướng tới Israel. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nhắc lại sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với an ninh của Israel, khẳng định Washington hỗ trợ đồng minh Israel trước những mối đe dọa từ Iran và cho biết ông Biden được cập nhật thường xuyên về tình hình chiến sự.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo nhấn mạnh nước này "quan ngại sâu sắc" về tình hình leo thang sau hành động quân sự trên của Iran nhằm vào Israel.

Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky ngày 14/4 cảnh báo căng thẳng giữa Israel và Iran có nguy cơ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới dữ dội tại Trung Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo nêu rõ Tokyo phản đối cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, gọi đây là diễn biến leo thang và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình này.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo cả khu vực sẽ rơi vào hỗn loạn. Trong khi Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng đây là “cấp độ mới” về căng thẳng an ninh, cho rằng "Iran đang liều lĩnh trong hành động leo thang quân sự”. Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 8/4/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng đây là “sự leo thang chưa từng có” và "đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực”. Ông  Josep Borrell xác nhận đã triệu tập Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU tham dự hội nghị trực tuyến bất thường vào ngày 16/4 để thảo luận về những diễn biến ở Trung Đông và góp phần hạ nhiệt leo thang xung đột trong khu vực.

Italy, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo nhóm này nhằm thảo luận về vụ việc Iran tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Israel. Theo đó, các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm căng thẳng và kiềm chế hành động của mình. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh "sự cần thiết phải tránh leo thang hơn nữa, kêu gọi các bên kiềm chế các hành động mà có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực".

Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ duy trì ổn định khu vực và toàn cầu, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những nỗ lực ngoại giao chung để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chiều hướng leo thang quân sự gần đây ở Trung Đông sau cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có của Iran vào lãnh thổ Israel đêm ngày 13/4. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước sự leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế tối đa". Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 14/4  đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao thông qua các cuộc điện đàm với những người đồng cấp từ Mỹ, Iran và Israel nhằm giảm căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế để hạn chế nguy cơ dẫn đến chiến tranh khu vực.

Trước đó trong bối cảnh căng thẳng khu vực tăng vọt sau khi Iran đe dọa trả đũa Israel vì cuộc không kích vào tòa nhà lãnh sự của Iran ở Damascus (Syria), Jordan-quốc gia nằm giữa Israel và Iraq, giáp ranh với Iran-đã đóng cửa không phận của mình bắt đầu từ tối ngày 13/4 đối với tất cả các máy bay đến, đi và quá cảnh…

Hiện nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Hà Lan… đã khuyến cáo công dân không đến Iran và Israel; nhiều hãng hàng không nước ngoài của UAE, Ấn Độ, Đức… đã hủy chuyến hoặc tránh không phận Iran, Israel.

Cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt Nam tại Israel, gồm khoảng 700 người, trong đó có 500 kiều bào cùng gần 200 tu nghiệp sinh, không bị ảnh hưởng. Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết Đại sứ quán đang tiếp tục rà soát, hỏi thăm đầu mối các cộng đồng để cập nhật tình hình.

* Nguy cơ khiến xung đột ở Trung Đông càng lan rộng

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt tại Tel Aviv để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran sáng 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nhà phân tích, việc Iran phóng hàng chục máy bay không người (UAV) sang lãnh thổ Israel rạng sáng 14/4 để đáp trả vụ việc mà Tehran cho rằng Israel tấn công tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria ngày 1/4 vừa qua đánh dấu sự leo thang nguy hiểm mới tại Trung Đông, nhất là trong bối cảnh chảo lửa này vẫn nóng lên từng ngày.

Giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công trên đang đẩy Iran và Israel vào thế đối đầu. Trong khi cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, những diễn biến nguy hiểm giữa Israel và Iran càng khiến nguy cơ về một cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông trở nên cận kề hơn dù Iran tuyên bố "cuộc tấn công đã kết thúc".

Các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh Israel đang vướng vào cuộc xung đột kéo dài ở Gaza gây ra làn sóng phản đối ở trong nước và quốc tế, việc leo thang quân sự giữa Israel-Iran vào thời điểm hiện nay chắc chắn sẽ không có lợi cho Israel. Còn đối với Iran, việc có các động thái quân sự với Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực cũng được nhận định là một hành động nguy hiểm. Do đó, giới quan sát nhận định vụ tấn công UAV của Iran ngày 14/4 có thể được coi là lời nhắc nhở nghiêm khắc của nước này rằng Israel cần thận trọng hơn trong mỗi bước đi tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh của mình.

Trong lúc này, cộng đồng quốc tế cần có hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn xung đột leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực; cần có các bước đi khẩn cấp để hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tiến hành hòa đàm…/.

Trọng Đức (tổng hợp)