Đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sang giai đoạn phát triển mới

Hà Nội (TTXVN 23/6/2023) Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 đến ngày 28/6/2023. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (6/2023). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

         * Quan hệ chính trị ổn định, tích cực

          Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Trong chặng đường 73 năm qua, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

          Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung. Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

          Những năm gần đây, trong bối cảnh môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, song những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam-Trung Quốc vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt đã giúp thúc đẩy tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nhà nước.

          Trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 4 lần điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 1/2020, tháng 9/2020, tháng 2/2021, tháng 9/2021), thăm chính thức Trung Quốc (tháng 10/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 5/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính 4 lần điện đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường (tháng 6/2021, tháng 1/2022, tháng 9/2022, tháng 4/2023); Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại-Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư (tháng 6/2021)... Ngoài ra, nhân các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, như dịp Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), đồng chí Tập Cận Bình tái cử Tổng Bí thư khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022)…, hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

          Đặc biệt, gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022. Chuyến thăm đã góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời đại mới. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến lễ ký kết 13 văn kiện giữa các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của hai nước…

          Những hoạt động này đã góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và đảm bảo chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Ngoài ra, lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương cũng duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức linh hoạt. Bên cạnh đó, hai bên đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020. Tháng 4/2022, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025.

          Hai bên cũng thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 17 cuộc Hội thảo lý luận (trong đó lần thứ 17 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 29/3/2023).

          Trên kênh Nhà nước, hai nước tiếp tục hợp tác hiệu quả, thực chất. Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Ðại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các Bộ, ngành như ngoại giao, quốc phòng, công an không ngừng được tăng cường. Trên tinh thần tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, các phiên họp hằng năm của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (thành lập vào tháng 11/2006) đã phát huy hiệu quả trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định, cân bằng, bền vững.

          Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc.

           * Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư liên tục phát triển

          Việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định, góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển thương mại song phương. Việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

          Trong những năm qua, hợp tác thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 133,09 tỷ USD, năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 175 tỷ USD, 5 tháng đầu năm 2023 đạt 61,54 tỷ USD.

          Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới của Trung Quốc; quy mô thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/4 kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

          Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các nhóm xuất khẩu chính là hàng chế biến, chế tạo và nông, thủy sản. Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

          Trong số đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

          Về đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 24,877 tỷ USD và 3.720 dự án còn hiệu lực.

          Về du lịch, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới và du lịch từ ngày 8/1/2023 và đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn kể từ ngày 15/3/2023 đã mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam. Đây là một thị trường lớn đối với du lịch Việt Nam và thế giới trong việc thúc đẩy các hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc, góp phần ổn định dòng khách quốc tế, gia tăng doanh thu du lịch từ thị trường này.

          Ngoài ra, hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc, ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

           * Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

          Những thành quả trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 73 năm qua là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, giúp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

          Chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn phát triển quan hệ lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn, các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

          Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hội kiến với nhiều lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc hồi cuối năm 2022.

          Chuyến thăm nhằm thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc tháng 10/2022, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

          Trong chuyến thăm lần này, hai bên cũng trao đổi các biện pháp để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Diễn đàn Việt Nam-Trung Quốc, gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Trung Quốc…

          Liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và WEF, thời gian qua quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hợp tác giữa hai bên ngày càng thực chất, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số…

          Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu”, hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) sẽ tập trung vào các nội dung về điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên, khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể; dự và phát biểu tại phiên làm việc của các lãnh đạo; gặp nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab; tiếp xúc song phương với lãnh đạo chính phủ một số nước và lãnh đạo các doanh nghiệp…/.

Trọng Đức (tổng hợp)