Đường dây 500 kV mạch 1 - mở đầu cho hiện đại hóa hệ thống điện nước ta

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa V, VI, VII, VIII; Thủ tướng Chính phủ; nước CHXHCN Việt Nam (8/1991 - 9/1997)Võ Văn Kiệt

Hà Nội (TTXVN 2/7/2024) Cách đây 30 năm, vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994, hệ thống 500kV chính thức đưa vào vận hành. Đây là công trình giúp thống nhất hệ thống điện 3 miền đất nước, trở thành bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

* Quyết định lịch sử

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà máy điện ở miền Bắc, đặc biệt là Thủy điện Hòa Bình không phát huy được tối đa công suất, trong khi khu vực miền Nam với một nền kinh tế năng động thì nhu cầu điện rất lớn dẫn đến mất cân bằng cung cầu, phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên.

Trước tình hình đó, trên cơ sở định hướng xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện Bắc-Nam đã được đề cập đến trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981-1985) của Việt Nam được xây dựng với sự hợp tác của Liên Xô và quá trình nghiên cứu tâm huyết của đội ngũ cán bộ tư vấn trong nước, tới năm 1990 đã hoàn thành khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 dài 1.487 km, được khởi công xây dựng tháng 4/1992 và hoàn thành đóng điện ngày 27/5/1994, sau 25 năm đi vào vận hành, hiện vẫn giữ vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả kinh tế trong hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Cuối năm 1991 đầu năm 1992 triển khai khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật. Với các kết quả nghiên cứu khoa học và xét đến nhiều yếu tố kỹ thuật, chính trị, an ninh năng lượng, tháng 1/1992, công trình được Bộ Chính trị thông qua và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt Luận chứng kinh tế-kỹ thuật với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm, cho phép thực hiện song song công tác khảo sát, thiết kế, nhập vật tư-thiết bị và thi công để đảm bảo tiến độ dự án.

Quyết định mang tính lịch sử này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.  Bởi, công trình chỉ có ý nghĩa nếu hoàn thành trong thời gian là 2 năm, vì nếu kéo dài 3-4 năm thì không thể so sánh với phương án xây dựng nhà máy điện tại chỗ.

Với tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rằng việc xây dựng đường dây 500kV sẽ kết nối các vùng miền trong cả nước, tạo điều kiện phát triển vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

"Trong tương lai không thể không có một chiến lược như xương sống của quốc gia để có thể điều hòa giữa các miền, đặc biệt lúc bấy giờ tỷ trọng thủy điện lại là lớn nhất, cho nên cơ cấu của điện có sự không hợp lý. Nhưng bởi vì đất nước mình dài, cho nên có những vùng thừa nước và có vùng lại nắng hạn liên tiếp, mình phần lớn là thủy điện cho nên muốn có sự điều hòa để đảm bảo cho yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và đời sống của dân thì không thể không xây dựng đường dây 500kV, điều hòa phân phối nhu cầu của cả nước một cách tương đối đồng đều".

Với quyết tâm đó, ngày 5/4/1992, Thủ tướng đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình và  đặt ra yêu cầu phải hoàn thành bằng được trong khoảng thời gian chỉ bằng 1/4 thời gian mà các nước trên thế giới vẫn làm…

Đúng 2 năm sau ngày khởi công, ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1.

Công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam là kỳ tích của thế kỷ 20, bởi nó đã xác lập những kỷ lục chưa từng có như quy mô xây dựng công trình rất lớn tới gần 1500 km, công nghệ phức tạp, vừa thiết kế vừa thi công chỉ vỏn vẹn 2 năm.

Có được kỳ tích này là nhờ quyết tâm chính trị rất cao của lực lượng tham gia dự án cũng như sự giúp đỡ mọi mặt của chính quyền 17 tỉnh, thành phố và người dân vùng dự án.

* Công trình đặt nền móng cho những bước phát triển lâu dài của ngành điện

Ngay sau khi đi vào vận hành, Đường dây 500kv mạch 1 đã phát huy vai trò trong hệ thống điện quốc gia. Một lượng điện năng rất lớn từ miền Bắc được truyền tải qua Đường dây 500kv mạch 1 cung cấp cho miền Nam và miền Trung (năm 1994 là 988 triệu kWh và năm 1995 lên 2.813 triệu kWh…).

Không chỉ giải quyết tình trạng thừa điện ở miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, Đường dây 500kv mạch 1 còn giúp điều hòa lưới điện của cả nước một cách hợp lý, khoa học, linh hoạt. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12%-14% trong giai đoạn 1990-1995.

Đặc biệt, đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam đã trở thành “sợi dây vô hình” nhưng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam-Bắc. “Một đất nước thống nhất không chỉ biểu hiện bằng thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ... mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng với đó là một lưới điện thống nhất” (1).

Như vậy, hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc-Nam mạch 1 là bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Điện lực Việt Nam, tạo cơ sở hình thành hệ thống điện thống nhất toàn quốc; đồng thời, đặt nền móng cho công trình truyền tải điện 500kV mạch 2, mạch 3 và các công trình truyền tải 500kV sau này.

* Một số thông tin về côn trình đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1

- Tổng vốn đầu tư: 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu đô la Mỹ).

- Khối lượng khảo sát: 2.000 km đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500km lập mặt cắt dọc pha; 200 ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5.200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá...

- Tổng chiều dài đường dây: 1.487 km đường dây, 5 trạm biến áp.

- Khối lượng thi công:

+ Đường dây: đào đúc, lắp dựng 3.437 cột tháp sắt; căng 1.487km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

+ Trạm biến áp: xây dựng 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm./.

Phương Duyên (tổng hợp)

[Nguồn: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)]

(1) Trích ấn phẩm “Đường dây 500kV Bắc- Nam: Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam”, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia phát hành năm 2018.