Giải Nobel Văn học 2023 và các giải Nobel Văn học trong 10 năm gần đây
Hà Nội (TTXVN 5/10/2023) Tối ngày 5/10/2023, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học năm 2023 thuộc về nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse với những sáng tác văn xuôi và kịch đầy sáng tạo.
* Tôn vinh nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse
Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy Jon Fosse được trao giải Nobel Văn học 2023, vì "những vở kịch và tác phẩm văn xuôi mang tính sáng tạo, lên tiếng cho những điều không thể nói thành lời".
Jon Fosse, 64 tuổi, nổi tiếng với số lượng đồ sộ các tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ Nynorsk của Na Uy thuộc nhiều thể loại như kịch, tiểu thuyết, tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều bản dịch. Ngày nay, ông là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới, đồng thời các tác phẩm văn xuôi của ông cũng ngày càng được đánh giá cao. Trong sự nghiệp của mình, ông Fosse là tác giả của khoảng 40 vở kịch cũng như tiểu thuyết và các thể loại văn học khác. Một số ý kiến đánh giá các tác phẩm của ông bắt nguồn từ ngôn ngữ và bản chất của con người Na Uy trong ông.
Nhà văn Fosse sẽ nhận phần thưởng trị giá 11 triệu crown Thụy Điển (986.000 USD).
Đây là giải Nobel thứ tư được công bố trong mùa giải Nobel năm 2023. Các giải thưởng còn lại của mùa Nobel 2023 là Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố vào các ngày 6 và 9/10 tới.
Bắt đầu được tổ chức từ năm 1901, đến nay giải Nobel Văn học đã được trao 116 lần nhưng có đến 120 tác giả nhận giải, do có 4 lần có hai người đồng đoạt giải. Trong số này, có 17 tác giả được vinh danh là nữ. Giải Nobel Văn học đầu tiên được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901. Người đoạt giải Nobel Văn học trẻ tuổi nhất cho đến nay là nhà báo - nhà văn Rudyard Kipling (người Anh) - được vinh danh vào năm 1907, ở tuổi 41. Trong khi đó, người cao tuổi nhất từng nhận giải thưởng này là tiểu thuyết gia Doris Lessing, ở tuổi 88 (năm 2007).
* Các giải Nobel Văn học trong 10 năm gần đây:
- Năm 2022: Giải thưởng Nobel Văn học năm 2022 thuộc về nữ nhà văn người Pháp Annie Ernaux, với các tác phẩm tự truyện phản ánh cuộc đời cá nhân dưới góc nhìn xã hội học. Bà được trao Giải Nobel Văn học 2022 vì “lòng can đảm, sự nhạy bén sắc lạnh mà bà sử dụng để khám phá căn nguyên, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân". Bà Ernaux được ví như một “biên niên sử” về cuộc sống hằng ngày ở Pháp, và là một trong những nhà văn còn sống vĩ đại nhất của nước Pháp. Tác phẩm nổi bật nhất của bà phải kể đến là “Les Années” do Nhà xuất bản Gallimard phát hành năm 2008. Song song với sự nghiệp sáng tác văn chương, Annie Ernaux là người đấu tranh không mệt mỏi chống lại phân biệt và bất công xã hội, bà đặc biệt tiên phong trong phong trào chống lại nạn bất bình đẳng giới.
- Năm 2021: Giải thưởng Nobel Văn học năm 2021 thuộc về tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah. Nhà văn Abdulrazak Gurnah được vinh danh bởi "sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa". Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm: tiểu thuyết "Paradise" (phát hành năm 1994) - lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của hai giải thưởng danh giá là giải Booker và Whitbread Prize, "Desertion" (2005) và "By the Sea" (2001) - lọt vào danh sách rút gọn của giải Los Angeles Times Book Award. Các nhân vật trong tác phẩm của Gurnah bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa, và luôn sống trong trạng thái không an toàn mà họ không bao giờ có thể giải quyết được, phải liên tục thay đổi để thích nghi với môi trường mới, dung hòa giữa cuộc sống mới và quá khứ.
- Năm 2020: Giải thưởng Nobel Văn học năm 2020 thuộc về nữ nhà thơ người Mỹ Louise Gluck. Bà được vinh danh vì giọng thơ mang bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp đơn sơ, khắc khổ, khiến sự tồn tại của cá nhân trở nên phổ biến. Thi ca của bà đậm cảm xúc, thường dựa vào lịch sử, hay tự nhiên để truyền tải những trải nghiệm cá nhân và đời sống hiện tại. Thơ của Gluck còn mô tả bản thể, sự khát khao, với đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắn nỗi buồn và sự cô độc. Trước khi nhận giải Nobel Văn học 2020, nữ thi sỹ Gluck đã sở hữu 12 tuyển tập thơ và giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn quốc gia, Giải Pulitzer, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia, và Giải Bollingen.
- Năm 2019: Giải Nobel Văn học 2019 thuộc về Peter Handke, một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và dịch giả người Áo. Ông được trao giải vì những tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng với sự tinh tế của ngôn ngữ, khám phá ngoại vi và tính đặc thù của kinh nghiệm con người. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim, trong đó có “The Goalie’s Anxiety At the Penalty Kick” của nhà làm phim Đức Wim Wenders. Năm 2009, ông từng được trao giải Franz Kafka, dành cho những tác giả có sáng tác độc đáo, khiến độc giả không còn bận tâm đến nguồn gốc xuất thân, bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời. Nhà văn Peter Handke còn tham gia viết nhiều kịch bản phim, làm đạo diễn tác phẩm “The Left- Handed Woman” ra mắt năm 1978 và được đề cử giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes năm đó.
- Năm 2018: Giải Nobel Văn học 2018 thuộc về nhà văn Olga Tokarczuk, người Ba Lan, với những cuốn tiểu thuyết luôn đề cập đến những nền văn hóa, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí, thân thuộc và xa lạ. Bà được đánh giá là nhà văn "có trí tưởng tượng độc đáo với niềm đam mê đầy uyên bác, vượt khỏi mọi rào cản của cuộc sống". Văn chương của bà bắt đầu đột phá từ tiểu thuyết “Prawiek i inne czasy” (tạm dịch: Thời nguyên thủy và những thời đại khác), xuất bản năm 1996. Bà còn vinh dự nhận giải Văn học danh tiếng Man Booker năm 2018 với tiểu thuyết "Flights".
- Năm 2017: Giải Nobel Văn học 2017 thuộc về nhà văn người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro với những cuốn tiểu thuyết "đầy sức mạnh cảm xúc, đã mở ra một biển cả sâu thẳm nằm bên dưới những cảm nhận mơ hồ của chúng ta về sự kết nối trong thế giới". Ông cũng được đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia hiện đại nổi tiếng nhất trong nền văn chương Anh ngữ hiện nay với 4 lần được đề cử giải Man Booker. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông gồm “Never let me go” (Mãi đừng xa tôi), “The Remains of the Day” (tạm dịch: Điều còn lại trong ngày).
- Năm 2016: Giải thưởng Nobel Văn học 2016 thuộc về nhà thơ, nhà văn, huyền thoại âm nhạc nổi tiếng người Mỹ Bob Dylan. Ông được coi là tượng đài văn hóa của thế kỷ XX và từng được mệnh danh là "lãng tử du ca". Theo đánh giá của Hội đồng Nobel, ông Bob Dylan xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Văn học vì đã "sáng tạo ra những cách thể hiện mới đầy chất thơ trong nền âm nhạc truyền thống vĩ đại của Mỹ".
- Năm 2015: Nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich giành giải Nobel Văn học 2015 vì có những tác phẩm văn học "mang đầy âm sắc, tiêu biểu cho sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại". Trong sự nghiệp viết văn của mình, nữ nhà văn Alexievich đã tập trung mô tả con người trong xã hội Liên Xô cũ. Thông qua những sự kiện lịch sử, bà mô tả về con người bằng hàng ngàn cuộc phỏng vấn với trẻ em, phụ nữ và nam giới, và bằng cách này bà đã cung cấp cho người đọc lịch sử sinh động của con người, của cảm xúc, của tâm hồn trong chiến tranh. Các tác phẩm của bà được xem là những tác phẩm cảm động và rất gần gũi với mọi người.
- Năm 2014: Tiểu thuyết gia người Pháp Patrick Modiano giành giải Nobel Văn học 2014 nhờ nghệ thuật hồi tưởng. Ông đã gợi tả số phận nghiệt ngã của những con người và lột tả đời sống của người dân Pháp dưới ách chiếm đóng của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, từ năm 1940-1944. Patrick Modiano là nhà văn người Pháp thứ 11 đoạt giải thưởng Văn học danh giá này.
- Năm 2013: Nữ nhà văn nổi tiếng người Canada Alice Ann Munro vinh dự nhận giải thưởng Nobel Văn học 2013, trở thành nữ nhà văn thứ 13 và là người Canada đầu tiên giành giải thưởng này. Bà Alice Munro được ca ngợi là "bậc thầy về truyện ngắn đương đại bởi lối kể chuyện tinh tế, đặc trưng, rõ ràng và trung thành với chủ nghĩa hiện thực”. Phần lớn các tác phẩm của bà lấy bối cảnh ở vùng nông thôn bang Ontario của Canada, nơi bà sinh ra và lớn lên, nơi các nhân vật chính phải vật lộn, đấu tranh để được xã hội chấp nhận, dẫn tới những mối quan hệ đổ vỡ, những xung đột đạo đức giằng xé…/.
An Ngọc (tổng hợp)