Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – nhà khoa học anh hùng

Hà Nội (TTXVN 13/09/2018) Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Trong thời gian ở đây, với sự hấp dẫn diệu kỳ và sức hút cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo kiều bào ta về nước phục vụ kháng chiến. Trong số đó có người trí thức trẻ, sau này được mệnh danh là “ông Phật làm súng”. Ông là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động, Bộ trưởng Trần Đại Nghĩa.

 

* Cuộc gặp gỡ định mệnh

Trong thời gian ở Pháp, với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Người đã kêu gọi, động viên và khuyến khích những nhân tài, trí thức, những nhà khoa học, Việt kiều yêu nước tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trong đó cuộc gặp giữa nhà trí thức trẻ Phạm Quang Lễ với Bác Hồ đã trở thành định mệnh, làm thay đổi cuộc đời chàng trai này. Sau này, nói về sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho biết: “Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài mới về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu vào tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, ở cách mạng nhất định thắng lợi... Lời nói thân yêu của Bác đã cảm hóa và chinh phục trái tim chúng tôi”. 

Phạm Quang Lễ sinh ngày 13-9-1913, trong một gia đình nhà giáo nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 22 tuổi, sau khi đỗ đầu hai bằng tú tài Việt và Tú tài Tây, ông lên đường sang Pháp du học. Chỉ trong vài năm, ông tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán tại 5 trường đại học tại Pháp, rồi làm việc tại Viện Nghiên cứu máy bay Pháp, sau đó là xưởng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu vũ khí của Đức. Với tư chất thông minh, nghị lực và ham học hỏi, trong thời gian ở đây, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ chế tạo vũ khí - một ngành học cấm đối với các du học sinh từ thuộc địa.

Rời Thủ đô Paris hoa lệ, Phạm Quang Lễ trở về Tổ quốc mang theo tâm nguyện phụng sự đất nước. Về nước, ông được Bác giao làm Cục trưởng Cục Quân giới, với trọng trách nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho quân đội ta. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa”.

* Đến những phát minh lay chuyển cục diện chiến trường

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, sự hy sinh của những chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch như lời thôi thúc ông phải nhanh chóng nghiên cứu, hoàn chỉnh loại vũ khí chống xe chiến đấu cho quân ta.

Và ngày 3-3-1947 đã trở thành một mốc son sáng chói của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Đó là ngày chiếc Bazoka do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa chế tạo, lần đầu tiên ra trận và đánh thắng, tiêu diệt ngay 2 xe tăng địch sau hai phát đạn đầu tiên. Bazoka do ông chế tạo có tầm bắn xa tới 600m, mức xuyên đạt 75cm trên tường gạch, tương đương với sức nổ xuyên của đạn Bazoka do Mỹ chế tạo ở Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Bazoca trở thành thứ vũ khí đáng sợ đối với quân viễn chinh Pháp.

Tuy nhiên, dã tâm của thực dân Pháp không dễ thay đổi. Chúng tiếp tục dốc thêm người và của vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Hơn lúc nào hết, chiến trường cần thêm nhiều vũ khí hạng nặng để đối phó với kẻ thù được trang bị hiện đại hơn. Sau nhiều trăn trở suy nghĩ, Trần Đại Nghĩa, lúc này đã được phong quân hàm Thiếu tướng, quyết định nghiên cứu và chế tạo súng không giật SKZ - một loại súng trọng lượng nhẹ có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác và bom bay. Kiểu đầu tiên trong hệ thống SKZ là SKZ 60 cm, sau khi chế thử thành công đã được chuyển ngay cho các đơn vị sử dụng trong các chiến dịch năm 1949. SKZ đã khiến quân địch hoảng sợ, buộc chúng phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt. Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương”, Lucien Bodard (Luy-xiêng Bô-đa) đã viết: “Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi. Dưới tác dụng của các quả đạn lõm, tất cả đều sụp đổ”.

Sau SKZ, ông tiếp tục nghiên cứu và chế tạo đạn bay và đã thành công với loại tên lửa nặng 30kg, có thể đánh phá các mục tiêu cách xa 4km. Tất cả những nghiên cứu đó của ông đã góp phần làm nên thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đồng thời đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học thế giới, một kỳ tích phi thường của quân và dân ta trong điều kiện khó khăn thiếu thốn lúc bấy giờ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm; đặc biệt là những cải tiến trên pháo phản lực ĐKB-H12 của Liên Xô.

Dù trong chiến tranh hay khi hòa bình, với tinh thần phấn đấu và những cống hiến xuất sắc, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng. Tên ông đã gắn liền với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động, lôi cuốn và thôi thúc lòng người, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới.

Nếu cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được ví như những trang sách, có thể trang cuối còn đang dang dở, nhưng nó đã và sẽ được các thế hệ mai sau truyền nhau viết tiếp, bởi ông là một tấm gương sáng, là người truyền cảm hứng về quyết tâm gắn khoa học với những yêu cầu cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.


                                                                    Thu Hạnh (tổng hợp)