Góp phần phát triển tư tưởng tiến bộ trong nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và vận động trí thức

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
    • Nhà báo, học giả, dịch giảPhan Kế Bính
    • Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1/1946 - 11/1946); Đại biểu Quốc hội: Khóa INguyễn Văn Tố

Trong những năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã áp đặt nhiều chính sách hà khắc, trong đó có chính sách “ngu dân”, làm cho 95% người dân Việt Nam không biết chữ. Trước thực tế đó, ngày 25/5/1938, Hội Truyền bá quốc ngữ chính thức được thành lập, nhằm mục đích xóa nạn mù chữ, dạy cho người dân Việt Nam biết đọc, biết viết. Hội truyền bá quốc ngữ đã tạo nên một sinh hoạt văn hoá có giá trị trong đời sống xã hội, góp phần phát triển tư tưởng tiến bộ trong nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và vận động trí thức.

* "Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình"
Đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thống của Việt Nam, nhưng phải đến năm 1917, chữ quốc ngữ mới giành được thắng lợi hoàn toàn với chữ Hán và chữ Nôm, phát huy mạnh mẽ tác dụng tới mọi lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… và ảnh hưởng to lớn đến văn hóa nước nhà. Mặc dù vậy, chữ quốc ngữ vẫn không được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, bởi 95% dân số nước ta khi đó còn mù chữ.
Trước tình hình đó, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ quốc ngữ, mang ánh sáng văn hóa đến với người nghèo. Thực hiện chủ trương của Đảng, các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, cùng một số nhân sĩ và trí thức tiến bộ (như: Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Tố...) đứng ra vận động, thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ.
Ngày 25/5/1938, tại phố Khúc Hạo, Hà Nội, Hội Truyền bá quốc ngữ chính thức được thành lập. Mục đích của Hội là “Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để đọc được những điều thường thức cần dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ quốc ngữ giống nhau” và như học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã nói “chữ Việt còn thì nước ta còn”. Hội đã bầu ông Nguyễn Văn Tố, một trí thức tiến bộ và có uy tín, làm Hội trưởng; ông Bùi Kỷ làm Phó Hội trưởng; ông Phan Thanh là Thư ký và ông Đặng Thai Mai là thủ quỹ.
Chương trình của Hội là mở lớp học cho tất cả mọi người không biết chữ, không thu học phí, in sách giáo khoa phát không cho người học. Chương trình gồm hai bậc: bậc sơ đẳng dạy vỡ lòng cho học viên đọc, viết chữ quốc ngữ và làm được hai phép tính cộng, trừ; bậc cao đẳng luyện cho học viên đọc, viết thông chữ quốc ngữ và dạy thêm ít điều thường thức và bốn phép tính. Kinh phí hoạt động của Hội do nhân dân ủng hộ.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, lúc ấy đang giảng dạy tại Trường Bưởi, được Hội Truyền bá quốc ngữ mời làm cố vấn tham gia Ban Tu thư. Giáo sư chính là người soạn quyển sách học vần nổi tiếng cho Hội, với những câu như: “I tờ hai móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu” và “huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn; hỏi lom khom đứng, ngã buồn... nằm ngang”. Những câu học vần này vô cùng đơn giản, dễ nhớ, chỉ nghe qua đôi lần là thuộc. Quyển học vần này được sử dụng cả trong phong trào Bình dân học vụ năm 1945. Sách được Hội in và phát không cho giáo viên.
Hàng nghìn trí thức thuộc đủ các ngành nghề, như: nhà giáo, kế toán, thư ký, thợ máy, nhiếp ảnh, thợ may… cũng sẵn sàng đồng hành cùng Hội Truyền bá quốc ngữ, đứng lớp giảng dạy. Ban ngày, họ làm việc để kiếm sống nhưng tối đến, họ lại trở thành những người “chia chữ”, cùng truyền bá chữ quốc ngữ, xoá mù chữ cho những người nông dân, công nhân và cho chính con em của họ.

* Góp phần phát triển tư tưởng tiến bộ trong nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và vận động trí thức
Ngay sau khi thành lập, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn, bị thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn cản, nhưng Hội Truyền bá quốc ngữ đã bắt tay ngay vào việc vận động mở các lớp học ở Hà Nội và các tỉnh thuộc Bắc Kỳ. Ngày 9/9/1938, tại Hà Nội, Hội đã khai giảng khóa học đầu tiên ở hai khu trường Trí Tri và Thăng Long. Sau đó, Hội tiếp tục mở các lớp học lan dần về các phủ, huyện rồi đến các làng, xóm ở nhiều địa phương. Trong 7 năm hoạt động (1938-1945), Hội Truyền bá quốc ngữ Bắc Kỳ đã thành lập 20 chi hội ở các tỉnh; tổ chức 820 lớp học, với 41.118 học viên và 2.908 giáo viên tình nguyện. Hội đã hoạt động đến ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.
Hội Truyền bá quốc ngữ Trung Kỳ thành lập ngày 5/1/1939. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các chi hội tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Thuận An, Đà Lạt... vẫn tìm mọi cách duy trì hoạt động. Trong 6 năm (1939-1945), Hội Truyền bá quốc ngữ Trung Kỳ  thành lập được 11 chi hội và giúp khoảng 10.000 người thoát mù chữ.
Ở Nam Kỳ, việc thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ hơi muộn. Khi chưa thành lập Hội, nhiều học sinh, sinh viên tiến bộ đã tổ chức các lớp học cho đồng bào bị thất học. Mãi đến ngày 5/11/1944, nhờ sự giúp đỡ của Kỳ bộ Việt Minh ở Nam Kỳ, các nhân sĩ trí thức mới tổ chức Đại hội thành lập Hội và ra mắt tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Chỉ trong 1 năm (1944-1945), Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ thành lập được 8 chi hội.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tập trung tuyên truyền và vận động người dân đi học, qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ - một trong những hoạt động quần chúng sâu rộng nhất thời kỳ đó. Hội cũng biên soạn và xuất bản nhiều loại sách thường thức phổ thông về sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học; đồng thời mở các thư viện bình dân… để phổ biến rộng rãi kiến thức đến nhân dân.
Trong 7 năm hoạt động (từ ngày 25/5/1938 đến 15/8/1945), Hội Truyền bá quốc ngữ đã dạy chữ cho hơn 70.000 người. Tuy các con số trên không phải là nhiều so với hàng chục triệu đồng bào ta còn mù chữ, và còn xa với lòng mong mỏi của cách mạng, nhưng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đã phát triển mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống hiếu học sẵn có trong mỗi con người Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội đã tìm ra phương pháp dạy vần quốc ngữ; đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ có năng lực, trình độ; xây dựng, phát triển phong trào học tập trong quần chúng. Nhiều người tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ đã trở thành cán bộ trung kiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như cán bộ nòng cốt của phong trào Bình dân học vụ sau này và bộ máy chính quyền cách mạng mới. Đây là những đóng góp to lớn, có ý nghĩa cho tiến bộ xã hội và cách mạng nước ta.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hội Truyền bá quốc ngữ trở thành nòng cốt của cuộc vận động “Diệt giặc dốt” và phong trào Bình dân học vụ, do chính phủ lâm thời phát động. Khi phong trào Bình dân học vụ ra đời, Hội Truyền bá quốc ngữ đã giao cho Bình dân học vụ nhiều sách và học vụ còn lưu giữ.
Kế tục sự nghiệp của Hội Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ đến Bổ túc văn hóa và ngày nay là Giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ chỗ đầu thế kỷ XX, 95% số dân không biết chữ, đến đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học với 94% số người biết chữ (năm 2000). Một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh đã được Việt Nam thiết lập, từ giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục chuyên nghiệp đến giáo dục đại học và sau đại học. Công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục hoàn thiện này đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội./.

Hoàng Yến (tổng hợp)