Hà Nội - Thủ đô anh hùng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước
Hà Nội (TTXVN 19/12/2022) Với vị trí đặc biệt quan trọng, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đối mặt với biết bao kẻ thù, nhưng mảnh đất ấy không chịu khuất phục, nhất tề “vùng đứng lên” chiến đấu và chiến thắng. Hà Nội hôm nay đang ngày một phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa hàng đầu của cả nước.
* Biểu trưng sáng ngời về ý chí quật cường của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Trong lịch sử dân tộc, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tổng kết, trong tám cuộc kháng chiến chống ngoại xâm diễn ra trên đất kinh thành, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, thì có ba trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò định đoạt trên chiến trường. Đó là, trận Đông Bộ Đầu, đầu năm 1258; trận Ngọc Hồi-Đống Đa, đầu năm 1789 và trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
Trong đó, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18 đến 29/12/1972) là sự tiếp nối truyền thống và là một sự kiện biểu trưng cho ý chí quật cường của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong 12 ngày đêm đánh phá, đế quốc Mỹ đã trút xuống miền Bắc hơn 100 nghìn tấn bom đạn (riêng Hà Nội là hơn 10 nghìn tấn) với sức công phá bằng hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Tổng thống Níchxơn đã ra lệnh cho B-52 rải thảm phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 m, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, hàng trăm người chết và người bị thương. Máy bay B-52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương... làm hơn 1.000 người thương vong.
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cùng với sự chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, lực lượng và phương tiện, cùng với lực lượng toàn miền Bắc, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng… đã đáp trả địch những đòn đích đáng ngay từ những trận đầu và đã đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ. Trong toàn bộ cuộc chiến đấu đập tan cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111), bắt sống 44 giặc lái, bắn chìm và bắn hỏng 9 tàu chiến. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 máy bay B-52 và 2 máy bay F111).
Chiến công này chính là biểu hiện của hào khí Thăng Long-Đông Đô, biểu hiện khí phách người Hà Nội; là kết quả kế thừa, phát huy, đồng thời góp phần làm tỏa sáng, nâng giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội lên tầm cao mới. Chiến thắng đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối. Sức mạnh ấy là tầm cao của thời đại, là những dấu mốc không bao giờ phai mờ; làm cho Hà Nội thành một Thủ đô văn hiến, Thành phố vì hòa bình.
* Xứng đáng Thủ đô anh hùng, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa hàng đầu của cả nước
50 năm đã trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong tình hình mới, Hà Nội đã và đang tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” về bám sát thực tiễn, luôn chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Gánh trên vai sứ mệnh là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế hàng đầu đất nước, chính quyền và nhân dân thành phố luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng tốt. Bình quân 5 năm 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,73%, gấp 1,12 lần mức tăng cả nước (5,99%). Trong đó, đóng góp nhiều nhất là ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng... Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, khoảng 43,9 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.325 USD, gấp 1,29 lần so với năm 2015, gấp 92 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.
Năm 2021 là một năm đầy thử thách với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Song với sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng. Kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, cân đối thu-chi ngân sách được đảm bảo; GRDP ước tăng 2,92%, tổng thu ngân sách ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát giữ ở mức 2,67%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thành phố đã hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,204 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 6.275 tỷ đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng…
Sang đến năm 2022, kinh tế thành phố Hà Nội phục hồi nhanh, tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao tăng 6,8% so với dự toán. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, thu hút 1.540 triệu USD vốn FDI trong 11 tháng. Thành phố tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật trong suốt quá trình phát triển, thành phố Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, ba lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”./.
Trịnh Minh Duyên