Hậu phương, hậu cần - một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ
Hà Nội (TTXVN 06/05/2023) Một trong những bài học lớn nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học về xây dựng và huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ, dồn sức vì Điện Biên Phủ.
Để đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, phá thế bao vây của địch, xây dựng hậu phương cho kháng chiến ngày càng vững mạnh. Hậu phương chính là chỗ dựa, là nguồn chi viện nhân lực, vật lực và nguồn cổ vũ về tinh thần cho tiền tuyến đánh giặc. Cùng với hậu phương, hậu cần là khâu nối liền hậu phương với tiền tuyến, đưa sức mạnh của hậu phương tới mặt trận, bảo đảm cho quân đội nhân dân, cho lực lượng vũ trang tác chiến giành thắng lợi. Hậu phương và hậu cần là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh nói chung và của chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.
* Hậu phương - chỗ dựa, nguồn chi viện nhân vật lực và nguồn cổ vũ về tinh thần cho tiền tuyến:
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã chứng minh một luận điểm cơ bản là: Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng phải có hậu phương. Ai có hậu phương vững chắc và hùng hậu người đó sẽ thắng. Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất (khoá II) của Đảng tháng 11-1953 thông qua Cương lĩnh ruộng đất. Thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng, cải thiện đời sống cho nông dân, bồi dưỡng lực lượng nông dân, đẩy mạnh sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến”. Ngày 4-12-1953, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kỳ họp thứ ba, biểu quyết thông qua Luật Cải cách ruộng đất và ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành Luật Cải cách ruộng đất nhằm thực hiện triệt để khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Đại bộ phận bộ đội và dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là nông dân. Thực hiện Luật Cải cách ruộng đất, quyền làm chủ của người nông dân trên ruộng đất mà họ đang canh tác được xác nhận về mặt pháp lý. Nguyện vọng hàng nghìn năm của nông dân là có mảnh ruộng của riêng mình được thoả mãn đã tạo ra sự chuyển biến to lớn ở các vùng nông thôn, vùng tự do và cả vùng địch tạm chiếm; tinh thần và lực lượng kháng chiến của hàng chục triệu nông dân được động viên mạnh mẽ. Nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, hăng hái đóng thuế nông nghiệp, xung phong tòng quân và đi dân công phục vụ chiến dịch. Tin tức giảm tô và cải cách ruộng đất đem lại một không khí hừng hực cho bộ đội trên chiến trường. Sức mạnh tinh thần chuyển hoá thành sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất này đã góp phần làm nên chiến thắng.
*Hậu cần - nối liền hậu phương với tiền tuyến
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (13-1 đến 24-1-1953) phân tích rõ âm mưu kẻ địch và quyết định tập trung hơn nữa khả năng đẩy mạnh kháng chiến. Hội nghị thống nhất chủ trương thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận và triển khai ngay hai nhiệm vụ lớn khó khăn nhất là mở đường vào đến Điện Biên Phủ và đưa gạo, đạn đến khu vực chiến đấu. Ngày 27-7-1953, Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập ở Trung ương và các khu, tỉnh cần thiết để huy động nhân lực, vật lực cho tiền tuyến. Hội đồng cung cấp Mặt trận là một nhân tố quyết định của chiến dịch.
Cùng với sự phát triển của hậu phương kháng chiến, đến lúc này hậu cần quân đội cũng được kiện toàn, được tổ chức chặt chẽ và thống nhất. Công tác vận tải tiếp tế là một mặt trận nóng bỏng, quyết liệt giữa ta và địch. Chỉ riêng tại ngã ba Cò Nòi, mỗi ngày địch trút xuống 60 tấn bom đạn làm cho địa hình ở đây biến dạng từng ngày.
Do yêu cầu rất lớn của Chiến dịch và điều kiện đảm bảo hậu cần rất khó khăn nên ngay từ lúc chuẩn bị, ngành hậu cần quân đội đã phải giải quyết một loạt vấn đề liên quan nhằm đảm bảo cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn. Trong hoàn cảnh kháng chiến, khả năng kinh tế của ta có hạn, công tác hậu cần phải dựa vào nhiều nguồn cung cấp, sử dụng mọi lực lượng có thể sử dụng được, đồng thời lại luôn có dự trữ mới bảo đảm được nhu cầu.
Để giành toàn thắng cho chiến dịch, ta phải bố trí một lực lượng đủ mạnh, lúc cao nhất lên tới 86.800 người. Ở tuyến chiến dịch, yêu cầu lương thực bình quân phải đáp ứng lên tới 90 tấn/ngày. Ngay tại Điện Biên Phủ phải có 50 tấn/ngày; tức là mỗi ngày phải có 3.000 dân công hoả tuyến leo núi, luồn rừng đưa vật phẩm tới các trận địa ở Điện Biên Phủ. Theo số liệu tổng kết của Tổng cục Hậu cần thì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Các địa phương đã huy động 261.453 dân công (khoảng 18.301.570 ngày công) với 20.991 chiếc xe đạp thồ, 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 11.800 bè mảng... Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn hai vạn tấn; trong đó có 14.950 tấn gạo, 256 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Muốn vận chuyển số lương thực này ra mặt trận phải huy động một lực lượng dân công khổng lồ. Để giải bài toán hóc búa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp mang tính khoa học và cách mạng cao: Đó là động viên nhân dân hai tỉnh Sơn La và Lai Châu ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ vì nếu đưa từ xa tới cần phải huy động một khối lượng gấp 3-4 lần. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng nhân dân Tây Bắc đã cung cấp cho tiền tuyến 7.310 tấn gạo (47% nhu cầu gạo), 389 tấn thịt (43%), 700-800 tấn rau tươi (100%), 31.818 dân công (khoảng 1.296.078 ngày công) và 100% thuyền và ngựa.
Việc cải thiện bữa ăn cho bộ đội được tất cả các cấp quan tâm. Hậu phương tổ chức ướp thịt, muối rau, đưa ra mặt trận cùng các loại thực phẩm khô và hạt giống rau cho bộ đội gieo trồng ở phía sau đơn vị. Với sự chi viện của hậu phương và những cố gắng cải thiện điều kiện sinh hoạt ở trận địa, sức khoẻ bộ đội được khôi phục, bảo đảm chiến đấu lâu dài.
Do chiến đấu liên tục, dài ngày nên để đảm bảo sức khỏe của bộ đội và dân công đòi hỏi ngành hậu cần phải cố gắng lớn, nhất là khi bộ đội tiến hành vây lấn dần vào khu trung tâm, trời bắt đầu có mưa, chiến hào lầy lội, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của bộ đội. Thực hiện Chỉ thị của Bộ chỉ huy mặt trận: “Tăng cường phòng bệnh và cải thiện sinh hoạt để giữ vững sức khỏe bộ đội”, hậu cần chiến dịch đã đề ra phong trào bình thường hoá sinh hoạt ở trận địa, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh. Các đơn vị đào “bếp hầm Hoàng Cầm” ở ngay trận địa, không để lộ khói lửa, bảo đảm cho bộ đội được ăn nóng, uống nóng. Nhiều hầm sinh hoạt của bộ đội được tu sửa lại, lót vách gỗ, căng dù, giữ khô ráo không để nước tràn vào. Hầm vệ sinh cũng được đào ở nơi cuối gió ngay tại trận địa.
Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn cho nên quân Pháp cũng không bao giờ tưởng tượng được chúng ta sẽ giải quyết khó khăn này như thế nào vì chúng không đánh giá hết được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của hậu phương kháng chiến mà Đảng, Chính phủ cùng toàn dân đã dày công xây đắp.
*Vận tải - công tác trung tâm của ngành hậu cần chiến dich:
Mở đường cho xe kéo pháo cơ động, cho vận tải cơ giới vào tới Điện Biên Phủ, cho pháo vào tới trận địa lúc bấy giờ là một kỳ công của quân đội và nhân dân Việt Nam. Giao thông vận tải nối liền hậu phương với chiến trường và đây thật sự là cơ sở hạ tầng của chiến tranh, nhất là của tác chiến lớn hiệp đồng binh chủng. Đường giao thông bị phá hoại trong những năm đầu kháng chiến để ngăn chặn xe tăng và cơ giới địch, từ năm 1950 được sửa chữa và mở thêm để phục vụ vận tải cơ giới những năm cuối kháng chiến. Trong hơn 4 năm, từ 1950 đến 1954, chúng ta đã khôi phục và mở rộng 3.670km đường cũ, làm 505km đường mới; trong đó có 2.080km đường giao thông vận tải chiến lược từ biên giới Việt Trung xuyên qua Việt Bắc sang Tây Bắc, xuống Liên khu 3, vào Liên khu 4.
Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm của hơn 251.500 dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh ngày đêm lao động khẩn trương nên chỉ trong hơn 3 tháng (từ 12-1953 đến tháng 3-1954) ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở mới khoảng 300 km các trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới: Đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ. Từ 17 đến 24-1-1954, một công trường lao động hùng tráng hiếm có trong lịch sử đã hình thành trên hướng Tây Bắc Điện Biên Phủ dài 15 km. Bằng sức lao động của hàng vạn con người, có các tời quay tay hỗ trợ, bộ đội ta đã kéo 24 khẩu pháo 105mm qua sườn núi cheo leo dốc đứng vào trận địa bí mật, an toàn.
Tuyến vận tải của ta quá dài (từ Điện Biên Phủ tới căn cứ địa Việt Bắc dài 400 km) và thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Có ngày địch đã huy động tới 250 lần chiếc máy bay ném bom tuyến giao thông vận tải của ta. Ở tuyến hậu phương, máy bay địch đã tập trung khống chế, ngăn chặn bằng bom, đạn ở đèo Giàng, đèo Khế. Riêng khu vực ở đèo Cà, máy bay và pháo binh địch đã đánh phá liên tục 40 ngày đêm hòng chặt đứt con đường từ Lạng Sơn xuống. Trên tuyến chiến dịch, các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo đều trở thành trọng điểm ác liệt.
Dù địch đánh phá ngăn chặn nhưng lực lượng vận tải phục vụ chiến dịch vẫn liên tục hoạt động ở cả hai tuyến hậu phương và chiến dịch với tổng số xe ô tô được huy động là 628 xe và hơn 800 lái xe (cả quân đội và dân chính). Phong trào vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt diễn ra sôi nổi ở các đơn vị.
Việc cung cấp cho bộ đội tác chiến hình thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu Việt Bắc, liên khu 3, 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục cung cấp tiền phương, Hội đồng cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc phụ trách và được tổ chức thành bốn binh trạm, mỗi binh trạm gồm đủ các lực lượng vận tải, kho, quân y, vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân, vừa tiếp chuyển vật chất lên phía trước. Phương châm vận tải được xác định là: “Cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ”.
* Các phương tiện vận tải thô sơ:
Cùng với vận tải cơ giới, nhiều tuyến vận tải bộ bằng dân công và phương tiện thô sơ đã được tổ chức từ hậu phương lên mặt trận. Hơn 21.000 xe đạp thồ (tuyến hậu phương 18.491, tuyến chiến dịch 1.509 chiếc) và một số lớn thuyền, mảng, lừa, ngựa đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế cho mặt trận. Để tăng năng suất, các chiến sĩ dân công đã không ngừng cải tiến tổ chức các chuyến xe thồ. Mặc dù đèo cao, đường xa, các đoàn dân công xe thồ đã thi đua nâng năng suất lên không ngừng. Lúc đầu mỗi xe chở được 200 rồi 250 kg và cuối cùng mức kỷ lục là 370 kg cho mỗi chuyến (chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng, Phú Thọ).
Cùng với lực lượng vận tải tiếp tế theo đường bộ, Bộ chỉ huy Mặt trận chủ trương khơi luồng sông Nậm Na để chuyển gạo từ Ba Nậm Cúm (biên giới Việt Trung) về thị xã Lai Châu. Sông Nậm Na có tới 103 thác, trong đó có nhiều thác hung dữ nên thuyền, mảng qua lại rất khó khăn, có chuyến chở 30 tấn gạo về đến Lai Châu chỉ còn 10 tấn. Thác dữ bị phá, sông Nậm Na trở nên hiền dịu. Hàng trăm bè mảng xuôi dòng chở trên 2.000 tấn gạo về Lai Châu, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho chiến dịch.
Đánh giá về vận tải, trong cuốn JulesRoy – LaBataille de Điện Biên Phủ của Guyn Roa, nguyên Đại tá trong quân đội Pháp, có đoạn viết: “Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các tuyến giao thông, đường tiếp tế cho quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ bị cắt đứt. Và không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm nilông trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.
* Lực lượng công binh tham gia chiến dịch:
Căn cứ vào Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch là phải đánh chắc thắng, Bộ Chỉ huy Mặt trận ra lệnh: Đình chỉ cuộc tiến công dự định diễn ra trong 2, 3 ngày, bắt đầu vào chiều 25-1-1954; rút bộ đội và dân công kéo pháo ra; chuyển phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Trong số những công việc to lớn phải chuẩn bị, có một việc rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn về chiến thuật, góp phần quyết định vào chiến thắng; đó là việc cấu trúc trận địa tiến công và bao vây, tạo thành một thiên la địa võng vít chặt lấy tập đoàn cứ điểm địch. Một mạng nhện khổng lồ trận địa đã được hình thành từ chính những cái cuốc, cái xẻng. Trận địa công sự xưa nay vốn là phương tiện phòng ngự, đã trở thành phương tiện tiến công, đẩy quân địch vào một tình thế tuyệt vọng, đặc biệt là lúc sân bay của địch bị ta đào cắt đứt làm đôi. Phương pháp vây hãm quân địch bằng hệ thống chiến hào quả là độc đáo. Cái cuốc cái xẻng đơn sơ trong tay các chiến sĩ đã tỏ ra vô cùng lợi hại. Giặc Pháp đã phải thú nhận: “Bộ chỉ huy của ta (tức quân Pháp) phát hiện rằng cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng” (Pie Lăngle - Điện Biên Phủ).
Chỉ sau một tháng lao động căng thẳng, công binh và pháo binh đã làm được 11 trận địa pháo lựu, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu.
Sản xuất cuốc, xẻng tại chiến trường: Tại nơi hẻo lánh xa xôi, bản Nà Lằng, Bắc Cạn, vào khoảng giữa tháng 10-1951, dòng thép từ lò điện hồ quang chảy ra vừa đủ đúc một chiếc cuốc chim. Nghiên cứu sản xuất thép lúc đó quả là khó khăn. Phòng kim loại có 17 người được giao nhiệm vụ tính toán thiết kế lò, hệ thống cáp điện, điều chỉnh dòng điện, hệ thống nghiền vật liệu, tẩy sạch phế thải sắt vụn để nấu luyện nhằm thực hiện hai đề tài lớn: luyện gang từ quặng sắt, luyện thép bằng lò điện. Vùng đất mỏ Bản Ty, Bắc Cạn, thuộc vùng ATK (an toàn khu) là nơi được chọn đặt những cơ sở sản xuất quan trọng vào bậc nhất thời đó. Bản Ty có sẵn đường goòng vận tải dài 20 km đến sát bờ sông Lô, là nơi duy nhất có nguồn thủy điện lớn với tổng công suất 200 kVA. Tại đây, những mẻ thép đang sản xuất thử thì máy bay đến bắn phá, trút bom đạn. Thực dân Pháp tưởng rằng đã xoá sổ các cơ sở này nhưng giặc phá thì ta lại làm lại. Nhiệm vụ khẩn trương là di chuyển lò bệ, máy móc vào rừng sâu đồng thời tiến hành ngay việc sửa chữa đập thuỷ điện. Sau hai tháng xây dựng, cơ sở sản xuất mới hoàn thành, phân xưởng đúc thép, phân xưởng rèn quân cụ đặt sâu trong lòng đất, tiếp tục sản xuất. Hơn một năm sản xuất, riêng thép đúc được hơn mười nghìn chiếc cuốc chim và hàng nghìn chiếc búa tạ.
* Ngành quân y tận tâm phục vụ chiến dịch:
Ngày 15-8-1953 Bộ trưởng Y tế ký quyết định thành lập Ban Y tế dân công Trung ương. Ngành Quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của bảy đội điều trị thuộc Quân y và bốn đội điều trị đại đoàn, trong đó năm đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, ba đội triển khai ở tuyến hậu cần hỏa tuyến. Ban Y tế đã điều động nhiều giáo viên và sinh viên trường Đại học Y Dược đi phục vụ mặt trận. Đã có 3.650 thương bệnh binh phải điều trị dài ngày được chuyển về các bệnh viện hậu phương. Khi kết thúc chiến dịch, ngành Quân y còn phải chuyển thêm 6.044 thương bệnh binh nữa. Ngoài ra Quân y còn tổ chức cứu chữa 1.487 sĩ quan và binh sĩ địch bị thương là tù binh.
Sau 56 ngày đêm chiến dịch, đến 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ngành hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thắng lợi của Chiến dịch đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò to lớn của hậu phương và công tác hậu cần. Tại đây, hậu phương, hậu cần, nòng cốt là hậu cần Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều bài học thực tiễn quý báu và tiếp tục được phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.
- Từ khóa:
- điện biên phủ