Hiểu biết sâu - Hành động đúng

Hà Nội (TTXVN 8/6/2024) Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất, được coi là "lá phổi" của Hành tinh Xanh, nguồn cung cấp thực phẩm, dược phẩm cho con người và là một phần quan trọng của sinh quyển.

Đại dương cũng là "chìa khóa" cho nền kinh tế với ước tính khoảng 40 triệu người sẽ làm việc trong các ngành dựa trên đại dương vào năm 2030. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Khoảng 90% quần thể cá lớn cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy, 14 triệu tấn vi hạt nhựa đang nằm sâu dưới đáy các đại dương. Liên hợp quốc (LHQ) đã lấy chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” (Awaken new depths) cho Ngày Đại dương Thế giới 2024, với mong muốn khẩn trương tạo sự thay đổi từ nhận thức tới hành động.

Một trong những bước ngoặt mà thế giới đã vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được là Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) hay còn gọi là Hiệp định về Biển cả, được chính thức thông qua tại khóa họp thứ năm Hội nghị Liên chính phủ của LHQ tháng 6/2023  và được gần 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký kết vào tháng 9/2023. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại; điều chỉnh toàn diện việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gene biển tại các vùng biển quốc tế.

Hướng tới mục tiêu đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển cho hiện tại và trong dài hạn, hiệp định được đánh giá có ý nghĩa quan trọng góp phần đạt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030 (còn gọi là mục tiêu “30 × 30” về bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu theo Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal). BBNJ cũng sẽ củng cố hơn nữa Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của Đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển. Hiệp định có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được ít nhất 60 quốc gia tham gia ký kết phê chuẩn, mục tiêu mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng có thể đạt được vào năm 2025.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiến trình phê chuẩn hiệp định khá chậm chạp. Tính đến nay mới chỉ có 6 nước phê chuẩn (gồm Belize, Chile, Mauritius, Monaco, Palau, Seychelles). Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn BBNJ, mở đường cho các quốc gia thành viên nhanh chóng thúc đẩy các quy trình quốc gia.

Các chuyên gia LHQ đã nêu ra một số vướng mắc khiến các nước chậm trễ trong việc phê chuẩn BBNJ. Thứ nhất, một số quốc gia lo ngại rằng hiệp định có thể mở rộng phạm vi quá mức, dẫn đến việc quản lý quá nhiều hoạt động trên biển. Vấn đề về phân bổ trách nhiệm cho việc quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học biển cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Thứ hai là những lo ngại về tác động kinh tế. Các nước lo ngại rằng BBNJ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên biển và đánh bắt cá. Cơ quan chức năng các nước có thể cần thời gian để đánh giá tác động tiềm tàng của hiệp ước đối với nền kinh tế của họ và đưa ra các biện pháp giảm thiểu cần thiết. Lý do thứ ba được đề cập đến là quy trình phê chuẩn nội bộ. Việc phê chuẩn Hiệp định về Biển cả đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp trong nước. Quy trình này có thể mất nhiều thời gian, đặc biệt là ở các quốc gia có hệ thống chính trị phức tạp. Ngoài ra, còn có lý do xuất phát từ việc một số nước có thể chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của BBNJ và những lợi ích tiềm tàng mà thỏa thuận này mang lại. Việc nâng cao nhận thức về hiệp ước là cần thiết để thúc đẩy các quốc gia phê chuẩn. Và cuối cùng là các yếu tố địa chính trị có thể ảnh hưởng đến quyết định của các quốc gia về việc phê chuẩn BBNJ.

Hiệp định về Biển cả là một tín hiệu đáng hoan nghênh về khả năng hợp tác và xây dựng sự đồng thuận để đạt được những kết quả đầy tham vọng. Nhưng hiện giờ rõ ràng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để văn kiện này được phê chuẩn trên toàn thế giới và sau đó đảm bảo việc thực thi đầy đủ. Những nỗ lực hướng tới việc hiệp định có hiệu lực và việc triển khai tiếp theo đòi hỏi sự hợp tác phối hợp toàn cầu. LHQ đang thúc đẩy các cuộc họp và hội thảo để nâng cao nhận thức về hiệp định và hỗ trợ các quốc gia trong quá trình phê chuẩn. Hội nghị Đại dương của LHQ dự kiến diễn ra vào năm 2025 là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu này.

Mục tiêu phát triển bền vững số 14 đã được LHQ thông qua năm 2015 kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. LHQ nhấn mạnh rằng thế giới chỉ còn hơn 5 năm để thực hiện Chương trình phát triển bền vững năm 2030. Đây cũng là năm hoàn thành mục tiêu “30x30” theo Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, được thông qua tháng 12/2022 tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15) tại Montreal, Canada. Nhân Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay, LHQ chuyển đi thông điệp rằng cộng đồng quốc tế không chỉ cần hiểu biết sâu sắc hơn về sự rộng lớn, bao la của đại dương, mà còn phải nhận thức sâu sắc rằng chúng ta đang lấy đi nhiều thứ từ đại dương hơn mức được bổ sung. Từ hiểu biết sâu sắc đến nhận thức và hành động đúng, thế giới cần cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương./.

BẠCH  DƯƠNG