Hội nghị An ninh Munich 2024: Biến “cùng thua” thành “cùng thắng”

Hà Nội (TTXVN 19/2/2024) Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 đã kết thúc sau 3 ngày họp (từ 16 đến 18/2/2024) tại thành phố Munich thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Đây là hội nghị thường niên quốc tế tập trung thảo luận chính sách quốc phòng và ngoại giao. Hội nghị đã khép lại với quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trước các bất ổn hiện nay trên toàn cầu.

 

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Munich, Đức ngày 18/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

* Diễn đàn hàng đầu về an ninh thế giới

Trên thực tế, không có bất cứ tài liệu nào được ký kết trong khuôn khổ của Hội nghị An ninh Munich, song hoạt động này luôn được coi là một trong những sự kiện an ninh quốc tế quan trọng. Hội nghị An ninh lần đầu tiên được tổ chức tại Munich vào năm 1962 theo sáng kiến của Ewald von Kleist, một nhà báo, nhà quân sự, một sử gia nổi tiếng, vốn là thành viên của một tổ chức chống phát xít ở Đức. Kể từ khi được hình thành đến nay, Hội nghị An ninh Munich luôn là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách nhất của thế giới.

Từ năm 1963, Hội nghị An ninh Munich được tổ chức thường niên. Tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng Hội nghị An ninh Munich vẫn luôn được coi là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18/2/2024, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 (MSC 60) quy tụ hơn hơn 900 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hơn 100 bộ trưởng cũng như đại diện của các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, giới nghiên cứu và xã hội dân sự… để cùng tham gia tranh luận chuyên sâu về chính sách an ninh toàn cầu.

Trọng tâm trong chương trình của hội nghị MSC 60 này là các cuộc thảo luận về thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có tương lai của quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, an ninh khí hậu, an ninh hạt nhân, di cư và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI); Các vấn đề về trật tự quốc tế cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực-từ Ukraine đến Sudan và Trung Đông; Vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác.

Bên lề các phiên hội nghị chính thức, Hội nghị An ninh Munich 2024 còn có khoảng 200 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức bởi các tổ chức nghiên cứu hàng đầu và các đối tác khác từ khắp nơi trên thế giới và hàng chục sự kiện tiếp cận cộng đồng.

Ngoài sự kiện quan trọng nhất là hội nghị thường niên, Hội nghị An ninh Munich còn tổ chức các sự kiện cấp cao về các chủ đề và khu vực cụ thể, đồng thời xuất bản Báo cáo An ninh Munich hằng năm, tập hợp các số liệu và nghiên cứu liên quan về những thách thức an ninh quan trọng.

* Cần hợp tác để “cùng thắng”

Với chủ đề “Cùng thua” (Lose-Lose), hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 dựa trên quan điểm không nên có "người thắng" hay "kẻ thua" giữa các quốc gia trên thế giới mà thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế.

Trước thềm hội nghị, ban tổ chức đã công bố báo cáo thường niên cũng với tiêu đề “Cùng thua” (Lose-Lose), trong đó các tác giả quan ngại do căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, theo quan điểm của nhóm tác giả, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 ở Munich, Đức ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới mới vì tất cả mọi người dân. Tổng Thư ký António Guterres cho rằng cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Người đứng đầu Liên hợp quốc đã nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”. Đây là ý tưởng đã được Liên hợp quốc công bố hồi tháng 7/2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua điều mà Tổng thư ký Guterres gọi là "một chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm". Chương trình nghị sự mới này dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến diễn ra tháng 9 tới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Đề cập đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây thực sự gây choáng váng. Trong khi đó, chiến tranh cũng đang lan rộng ra toàn bộ khu vực và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Đề cập tới xung đột giữa Nga và Ukraine, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nhấn mạnh “cần một nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine, cho Nga và thế giới. Đó là một nền hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó thiết lập nghĩa vụ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền”…

Có thể thấy rõ, cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza, cùng những tác động của chúng đối với toàn cầu, đã chi phối hầu hết các phiên thảo luận tại Hôi nghị an ninh Munich lần này. Tại hội nghị, các nước phương Tây đã đưa ra nhiều cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, như Đức, Pháp, Italy, Đan Mạch, Australia...

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định, những gì mà phương Tây đang hỗ trợ Ukraine là chưa đủ cho một chiến thắng. Trong khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết rằng Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine. Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Đức Olaf Scholz đã kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và đảm bảo viện trợ cho Ukraine. Đức hiện là nhà tài trợ hàng đầu ở châu Âu cho Ukraine và Chính phủ Đức mong muốn các nước châu Âu khác cùng hành động. Ông Scholz tuyên bố Berlin sẽ cung cấp cho Kiev thêm 7 tỷ euro viện trợ quân sự trong năm nay.

Vấn đề tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu cũng là một nội dung quan trọng tại Hội nghị An ninh Munich lần này. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết châu Âu cần củng cố nền tảng ngành công nghiệp quốc phòng đồng thời cần xây dựng một châu Âu hùng mạnh. Bà Ursula von der Leyen cho biết trong vòng 3 tuần tới EC sẽ đưa ra đề xuất chiến lược công nghiệp quốc phòng, đồng thời sẽ mở một văn phòng ở Ukraine phụ trách vấn đề đổi mới quốc phòng. Theo bà von der Leyen, đề xuất của EC nhằm tăng chi tiêu quốc phòng theo cách hiệu quả hơn trong các thỏa thuận quốc phòng và hợp đồng mua sắm chung, nhằm tăng cường khả năng dự đoán của các tập đoàn trong ngành cũng như tăng cường khả năng phối hợp và tương tác giữa các lực lượng vũ trang của các nước thành viên.

Ngoài Ukraine, cuộc xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, cũng như những căng thẳng kéo theo ở khu vực Trung Đông cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Tại hội nghị, Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani thừa nhận, các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin lại lâm vào “bế tắc” trong những ngày gần đây.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich 2024 ở thành phố Munich, Đức ngày 17/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Điểm sáng khác biệt của Hội nghị An ninh Munich năm nay đó là có sự tham gia các nước Nam bán cầu, từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ, thay vì chủ yếu là các nước phương Tây như trước đây. Một trong những khẩu hiệu của hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 này là “Tầm nhìn và ý tưởng mới cho trật tự toàn cầu” dựa trên quan điểm không nên có "người thắng" hay "kẻ thua" giữa các quốc gia trên thế giới mà thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế. Do đó, Hội nghị An ninh Munich 2024 đã mời đại diện từ các quốc gia Nam bán cầu, vốn là các nước thuộc địa cũ và đang phát triển, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây. Các đại biểu đến từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn.

Tại đây, các bên tham dự cũng đã nhấn mạnh rằng, ngoài các cuộc xung đột thì mối đe dọa khác đối với an ninh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu và di cư do môi trường sống bị hủy hoại. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến Nam bán cầu…/.

         Trọng Đức (tổng hợp)