Hội nghị Chính trị Đặc Biệt (27-28/3/1964)

Bước vào năm 1964, sự nghiệp Cách Mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng trong công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn thử thách. Mĩ và các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu xâm lược, tiếp tục phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn phá hoại công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Để huy động sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng do Đại hội Đảng III (5-10.9.1960) đề ra, căn cứ vào Điều 67 Hiến pháp năm 1959 quy định triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt để xét những vấn đề lớn của nước nhà, trong các ngày 27-28.3.1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Chính trị Đặc Biệt tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Tham dự Hội nghị có 327 đại biểu chính thức đại diện cho các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, các giới, các ngành, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc và kiều bào hồi hương về nước; ngoài ra còn có hơn 500 đại biểu dự thính đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị quan trọng tổng kết những thắng lợi to lớn của Cách Mạng Việt Nam trong 10 năm trên cả hai miền Nam - Bắc, đồng thời nêu rõ những khó khăn, khuyết điểm và hạn chế, từ đó đề ra 5 nhiệm vụ trước mắt của nhân dân cả nước, đó là: 1) Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, phát huy ý thức làm chù tập thể, dám nghĩ dám làm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; 2) Làm tốt cuộc vận động “cải tiến quản lí, cải tiến kĩ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp”, cuộc vận động “3 xây, 3 chống” trong công nghiệp và các thành phần kinh tế quốc dân, đẩy mạnh phong trào đưa nhân dân miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi, phát triển tốt các tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa và hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến; 3) Xây dựng chính quyền dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù, chuẩn bị tốt bầu cử Quốc hội khoá III, củng cố quốc phòng, giữ gìn trị an, sẵn sàng đập tan âm mưu khiêu khích và phá hoại của Mĩ và tay sai; 4) Nhân dân miền Bắc hăng hái lao động và công tác góp phần thiết thực xây dựng Chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất đất nước, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam; 5) Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, giữ gìn và phát triển tinh hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân thế giới đâu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị Chính trị Đặc Biệt nhất trí thông qua thông cáo về kết quả của Hội nghị, nhất trí với báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời nhấn mạnh: Các tầng lớp nhân dân phấn khởi trước những thắng lợi trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mĩ và tay sai để tự giải phóng ở miền Nam, trong sự nghiệp đấu tranh của toàn dân Việt Nam để thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà; nhân dân miền Bắc tự hào về thắng lợi và chia sẻ những hi sinh với đồng bào miền Nam, mỗi người quyết tâm làm việc bằng hai để đền đáp đồng bào miền Nam; nhân dân Việt Nam biết ơn nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và thế giới đã đồng tình ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam; Hội nghị biểu thị ý chí của dân tộc Việt Nam với sự ủng hộ mạnh mẽ và kiên quyết của phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới, quyết tâm bảo vệ miền Bắc, đánh bại mọi âm mưu xâm lược của Mĩ và tay sai; 17 triệu dân miền Bắc tăng cường đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt 5 nhiệm vụ lớn trước mắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra. Ngày 18.4.1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 77-CT/TW phát động và hướng dẫn tổ chức cao trào thi đua làm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”. Hội nghị Chính trị Đặc Biệt có ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng trong thời đại mới, vừa kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc mỗi khi Tổ quốc bị ngoại xâm, vừa động viên tinh thần to lớn của nhân dân, kết thành sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù. Hội nghị Chính trị Đặc Biệt là thắng lợi của toàn dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, minh chứng cho sự nhất trí về chính trị và tinh thần của toàn xã hội, đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác và ý chí chiến đấu của nhân dân, có tác dụng động viên nhân dân miền Bắc thi đua yêu nước, hoàn thành kế hoạch năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; cổ vũ đồng bào miền Nam chống xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)