Hội nghị Paris về Việt Nam (13/05/1968 - 27/01/1973)
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.
Cuộc đàm phán diễn ra chính thức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, Paris (Pháp), kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày. Đây là cuộc thương lượng ngoại giao gắn liền với chiến trường, vô cùng cam go, dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và có lẽ cũng là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Hội nghị diễn ra trong hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ ngày 13/5 đến ngày 31/10/1968: Đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ về việc đế quốc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc Việt Nam. Kết quả Hoa Kỳ phải chấp nhận ngừng chiến tranh phá hoại chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không điều kiện như đòi hỏi của chúng ta vào ngày 31/10/1968. Đồng thời, hai bên thỏa thuận họp Hội nghị bốn bên.
Giai đoạn 2: Từ ngày 25/01/1969 đến ngày 27/01/1973: Hội nghị bốn bên về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, Hội nghị còn có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ ngày 9/6/1969, là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính quyền Sài Gòn. Hội nghị bốn bên cũng chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ ngày 25/01/1969 đến khoảng giữa tháng 7/1972, đàm phán chưa đi vào thực chất. Giai đoạn 2: Từ giữa tháng 7/1972 đến ngày 27/01/1973, chúng ta chủ động chuyển sang đàm phán thực chất để ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, khi giành thắng lợi, trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đến gần. Tiếp đó, là Hội nghị quốc tế về Việt Nam (ngày 26/2 đến ngày 2/3/1973) ký kết Định ước quốc tế ghi nhận và đảm bảo Hiệp định đã ký kết với sự tham gia của 12 đại diện (4 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp; 4 nước trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát: Canada, Indonesia, Ba Lan và Hungary, 4 bên tham gia đàm phán: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa).
Hội nghị Paris diễn ra với 202 phiên họp công khai, gồm 28 phiên giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và 174 phiên Hội nghị bốn bên. Ngoài ra, còn có 50 phiên gặp riêng cấp cao (12 phiên trong khuôn khổ Hội nghị hai bên và 38 phiên trong Hội nghị bốn bên).
Các bên đã ký kết một văn bản chính là Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam với 9 chương và 23 điều.
Bốn Nghị định thư, bao gồm: 1) Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các ban liên hợp quân sự; 2) Nghị định thư về trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ; 3) Nghị định thư về Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát; 4) Nghị định thư về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tám Hiểu biết: 1) Về tàu chở máy bay; 2) Về Hoa Kỳ chấm dứt trinh sát đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 3) Về nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam; 4) Về vấn đề Lào; 5) Về việc rút nhân viên dân sự Mỹ liên quan đến quân sự; 6) Định nghĩa “về các bên” trong Điều 8a, 8b của Hiệp định; 7) Định nghĩa “về nhất trí” trong các Điều 12a, 12b, 16b và 18f của Hiệp định; 8) Về mối quan hệ giữa Ủy ban Quốc tế và Hội nghị Quốc tế.
Định ước quốc tế ghi nhận và đảm bảo Hiệp định đã ký kết. Ngoài ra, còn có các công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Thông cáo chung ngày 13/6/1973 đã được ký kết.
Nội dung Hiệp định cơ bản đáp ứng 4 yêu cầu của Bộ Chính trị đặt ra cho 2 Đoàn đàm phán:
1) Mỹ phải tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam;
2) Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân Mỹ và chư hầu, chấm dứt dính líu, không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam;
3) Tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát;
4) Bồi thường chiến tranh dưới hình thức đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.
Sở dĩ Hoa Kỳ ký Hiệp định vì đã giữ được chính quyền Sài Gòn, rút được quân viễn chinh về nước và lấy được tù binh, chấm dứt được tham chiến trực tiếp tại Việt Nam.
“Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra giai đoạn mới, tạo ra so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam”. Đồng thời, thương lượng tại Paris cũng để lại nhiều bài học quý cho ngoại giao Việt Nam như vì lợi ích quốc gia, dân tộc; kết hợp quân sự chính trị và ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; đấu tranh dư luận; nghệ thuật đàm phán, coi trọng nghiên cứu chiến lược v.v...
Về thành phần các đoàn đàm phán. Tại Hội nghị Việt - Mỹ, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu. Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị là Cố vấn đặc biệt, lãnh đạo cả hai đoàn đàm phán của Việt Nam. Các cố vấn: Mai Văn Bộ, Phan Hiền, Hà Văn Lâu, Nguyễn Thành Lê, kiêm người phát ngôn, Trần Công Tường và Nguyễn Minh Vỹ.
Đoàn Hoa Kỳ: Trưởng đoàn là Averell Harriman, Thứ trưởng Ngoại giao, đại diện Tổng thống Hoa Kỳ. Cyrus R. Vance, Thứ trưởng Quốc phòng là Phó Trưởng đoàn. Các cố vấn: Tướng Andrew J. Goodpaster, Phó Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, Philip Habib, W. Jorden, kiêm người phát ngôn, D. I. Davidson và H. Kaplan, Phó phát ngôn.
Tại Hội nghị bốn bên. Thành phần Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu như không đổi, chỉ bổ sung một số cố vấn: Nguyễn Cơ Thạch, Lưu Văn Lợi. Giữa năm 1970, Nguyễn Minh Vỹ được cử làm Phó Trưởng đoàn và mùa thu 1972, Nguyễn Cơ Thạch được cử làm Phó Trưởng đoàn. Còn Đoàn Hoa Kỳ thay đổi rất nhiều. Trưởng đoàn là Đại sứ Cabot Lodge (đến ngày 8/12/1969). Các cố vấn: Philip Habib, Lawrence Wash, Marshall Green, David A. Engen, R. Holbrook, David Bruce (Trưởng đoàn từ tháng 7/1970 đến tháng 8/1971), William Porter (Trưởng đoàn từ tháng 8/1971).
Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ tháng 6/1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trưởng đoàn Trần Bửu Kiếm, Phó Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình và Trần Hoài Nam. Từ ngày 9/6/1969, bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thay Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn. Các Phó trưởng đoàn là: Nguyễn Văn Tiến và Đinh Bá Thi...
Đoàn Chính quyền Sài Gòn: Trưởng đoàn Phạm Đăng Lâm, Phó Trưởng đoàn Nguyễn Xuân Phong. Các cố vấn: Nguyễn Thị Vui, Vương Văn Bắc, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Phương Thiệp, Nguyễn Triệu Đan, Nguyễn Quốc Định. Trong quá trình đàm phán, Đoàn Sài Gòn cũng nhiều lần thay đổi.
Nguồn: Sách "Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình" (Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2022)