Hội nghị Trung ương 11 (3/1965)

Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh Cách mạng của đồng bào miền Nam phát triển rất nhanh, thu được những thắng lợi ngày càng lớn, làm cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng thu được những thành tựu quan trọng, vừa năng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương với chiến trường miền Nam. Đối phó với thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, Mĩ bắt đầu tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu của Quân đội Mĩ vào miền Nam Việt Nam để quyết giữ một số vùng chiến lược; Với miền Bắc, Mĩ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, mở đầu bằng Chiến dịch Mũi lao lửa (7-11.2.1965) dùng không quân đánh phá mục tiêu Quân sự, khu dân cư ở Quảng Bình, Vĩnh Linh; tiếp đó triển khai Chiến dịch sấm rền (từ đầu tháng 3.1965) mở rộng phạm vi đánh phá ra vĩ tuyến 19, nhằm vào các mục tiêu Quân sự và kinh tế.

Trong điều kiện chiến tranh đang lan rộng ra cả nước, vấn đề lớn đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là tiếp tục công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà. Trước yêu cầu mới của Cách mạng, ngày 25-27.3.1965, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị Trung ương 11  (đặc biệt) ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt.

Hội nghị nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó nhận định: Mĩ có thể đưa thêm quân chiến đấu và Quân đội của một số nước phụ thuộc vào miền Nam, làm cho tính chất “đặc biệt” của cuộc chiến tranh từng bước biến đổi; cùng lúc, tăng cường đánh phá miền Bắc thường xuyên băng lực lượng không quân lớn hơn, mở rộng phạm vi và mục tiêu; có thể dùng tàu chiến để phong toả đường biển và tập kích một số vùng ven biển. Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản của Cách mạng Việt Nam trong tình hình mới là: kiềm chế và thắng Mĩ trong “chiến tranh đặc biệt” ở mức cao nhất ở miền Nam, ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chuấn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nếu diễn ra; tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bàng không quân và hải quân của Mĩ, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp Mĩ đưa chiến tranh phá hoại đến mức độ ác liệt nhất, hoặc chuyển thành “chiến tranh cục bộ” trên cả nước, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam; giúp Cách mạng Lào.

Miền Bắc là hậu phương của cả nước nên Hội nghị đã giành nhiều thời gian thảo luận và chỉ ra nhiệm vụ cấp bách ở miền Bắc là phải kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng. Hội nghị nêu ra 5 nhiệm vụ của Cách mạng miền Bắc: 1) Kịp thời chuyển hướng nền kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng nhằm làm cho việc xây dựng và phát triển kinh tế phù hợp với tình hình Mĩ ngày càng tăng cường phá hoại miền Bắc và có thể mở rộng “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam thành “chiến tranh cục bộ” ở cả hai miền, bảo đảm yêu cầu chiến đấu và yêu cầu chi viện cho miền Nam, đồng thời vẫn phù hợp với phương hướng lâu dài của công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, chú ý đúng mức các yêu cầu về đời sống của nhân dân. Chủ trương cụ thể: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; chú trọng công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, xây dựng các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ; phát triển kinh tế theo từng vùng chiến lược theo hướng tự túc phần lớn những nhu cầu thiết yếu trong đời sống, sản xuất và chiến đấu. về quốc phòng: tăng bộ đội thường trực, gọi nhập ngũ lại một số cán bộ và quân nhân phục viên, tăng thời hạn nghĩa vụ Quân sự, tăng lực lượng phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; phát triển và củng cố dân quân về mọi mặt; đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân và phong trào toàn dân bắn máy bay; tranh thủ cao nhất sự giúp đỡ về Quân sự của các nước bạn bè. Hội nghị nhấn mạnh chuyển hướng phải triển khai chặt chẽ theo phương châm: khẩn trương, tích cực, toàn diện, chu đáo, thận trọng và có trọng tâm. 2) Tăng cường phòng thủ, trị an bảo vệ miền Bắc, kiên quyết đánh bại kế hoạch ném bom, bắn phá, phong toả bằng không quân và hải quân của Mĩ; đặc biệt chú trọng tăng cường phòng thủ các vùng và mục tiêu quan trọng về Quân sự và kinh tế. 3) Chi viện cho miền Nam để hạn chế Mĩ chuyển “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam thành “chiến tranh cục bộ” và ngăn chặn âm mưu mở rộng “chiến tranh cục bộ” ra miền Bắc; đồng thời, tích cực giúp Cách mạng Lào. 4) Hội nghị nhấn mạnh phải kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức, làm cho toàn Đảng, toàn dân thấy rõ miền Bắc đã ở trong thời chiến, điểm mạnh và yếu, thuận lợi cũng như khó khăn của ta và địch, hiểu rõ âm mưu của Mĩ, thống nhất xác định giải phóng miền Nam là trách nhiệm chung của nhân dân cả nước; kịp thời chuyển hướng về tổ chức, điều chỉnh lực lượng công nhân viên giữa các ngành và các địa phương; bố trí lại lực lượng cán bộ cho phù hợp với việc chuyển hướng nền kinh tế và việc tăng cường quốc phòng; tăng cường cán bộ cho các tỉnh trung du, miền núi và các địa phương quan trọng; cải tiến bộ máy, sửa đổi lề lối làm việc. 5) Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hội nghị Trung ương 11 cũng quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng lần thứ IV để tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá Hội nghị diễn ra hiệu quả, ý kiến tập trung, tạo sự nhất trí cao, đồng thời yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật nội dung cơ bản của Nghị quyết. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị, chuyển hướng hoạt động của các ngành, đoàn thể phải phục vụ nhiệm vụ trung tâm là đánh Mĩ, thắng Mĩ.

Hội nghị Trung ương 11 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã chủ trương tiếp tục xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn với định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện có chiến tranh. Đó là chủ trương thích hợp, bảo đảm miền Bắc tiếp tục làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Khẩu hiệu “Xây dựng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam” do Hội nghị Trung ương 11  đề ra trở thành hành động tự giác của nhân dân, kịp thời chuyển hướng kinh tế, quốc phòng, tư tưởng và tổ chức ở miền Bắc để đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên giành thắng lợi mới trong những giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)