Hội nghị Trung ương 19 (25/12/1970 - 13/1/1971)
Năm 1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam phát động ba cuộc vận động lớn (Lao động sản xuất; Phát huy dân chủ và tăng cường chế độ làm chủ ở nông thôn; Nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh) nhằm khắc phục khó khăn, khuyết điểm, giành thắng lợi mới trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng về mọi mặt. Nhờ đó, sản lượng lương thực năm 1970 đạt gần 5,3 triệu tấn, tăng 500 nghìn tấn so với 1969 và xấp xỉ năm 1965; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần bằng 1965; chi viện miền Nam 40 nghìn tấn hàng hóa.
Năm 1969, sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Nichxơn lên cầm quyền đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm tạo ra một thế mạnh trong lúc buộc phải xuống thang chiến tranh. Đầu 1970, Mĩ và Quân đội Sài Gòn tiến hành liên tiếp các chiến dịch bình định, mở hàng chục nghìn cuộc hành quân càn quét, đóng hàng nghìn đồn bốt ở ấp xã, dồn dân vào các khu tập trung để kìm kẹp dân, tìm diệt lực lượng của ta; đánh phá các căn cứ giải phóng ở miền núi và vùng giáp ranh. Đồng thời, Mĩ ra sức tăng cường Quân đội Sài Gòn, củng cố ngụy quyền Thiệu - Kỳ, không quân Mĩ tăng cường đánh phá Đường Hồ Chí Minh và các kho tàng, bến bãi cùa ta từ Quảng Bình đến Vĩnh Linh, nhằm ngăn chặn sự chi viện cùa miền Bắc vào miền Nam. Tại cuộc đàm phán ở Pari, phía Mĩ đưa ra những đề nghị thiếu thiện chí (như đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam) để kéo dài đàm phán.
Trước yêu cầu tranh thủ khôi phục và phát triển nhanh kinh tế miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh để chi viện cho tiền tuyến đánh thắng, tạo cơ sở vật chất xây dựng kinh tế sau chiến tranh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp Hội nghị lần thứ 19 đánh giá tình hình kinh tế miền Bắc giai đoạn 1965-70 và đề ra nhiệm vụ kinh tế trong 3 năm (1971-1973) là: tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện đi đôi với thâm canh, chuyên canh trên cơ sở phân vùng, đi dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; nhanh chóng khôi phục sản lượng than, đẩy mạnh luyện kim và khai thác, bảo quản và chế biến, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, khai thác khả năng to lớn của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; khẩn trương khôi phục và phát triên ngành giao thông vận tải; mở rộng và phát triển xây dựng cơ bản với tốc độ cao; tạo ra nguồn hàng để đẩy mạnh xuất khẩu; phân bố và sử dụng hợp lí, có hiệu quả tốt nhất lực lượng lao động xã hội; khôi phục và nâng cao mức tích luỹ trong nước, tăng nguồn thu và tích luỹ cho nhà nước; tổ chức tốt đời sống nhân dân.
Hội nghị tập trung thảo luận báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 19 “về tình hình, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế trước mắt (1971-1973) và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1971”; nghe báo cáo tình hình Quân sự. Do trong lĩnh vực kinh tế còn nhiều vấn đề khó, cần có thời gian nghiên cứu và thảo luận kĩ để giải quyết trong các hội nghị chuyên đề, Hội nghị tập trung vào trọng tâm là phương hướng nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế trong 3 năm, nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp. Hội nghị nhấn mạnh mọi công tác kinh tế, văn hoá ở miền Bắc đều phải phục vụ cho nhiệm vụ hàng đầu của cả nước là kiên trì và đẩy mạnh cuộc Kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Các ủy viên Trung ương nhất trí đánh giá thắng lợi to lớn trong sự nghiệp chống Mĩ, phân tích tình hình và dự đoán Mĩ sẽ ráo riết “bình định” giành dân, phá hoại các vùng giải phóng ở miền Nam; đồng thời, tìm cách mở những cuộc phản công cục bộ, nhằm ngăn chặn sự chi viện cùa miền Bắc. Từ đó, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của miền Nam là phải đập tan kế hoạch “bình định”, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, làm cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ và buộc Mĩ phải rút nhanh, rút hết quân Mĩ và chư hầu. Miền Bắc sẵn sàng đập tan mọi hành động khiêu khích, mở rộng chiến tranh của Mĩ và chính quyền Sài Gòn, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, bảo đảm trị an, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với cùng cố quốc phòng.
Hội nghị đánh giá những thắng lợi ở miền Bắc trong công cuộc xây dựng kinh tế, chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng trong hai nhiệm vụ chiến lược: hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng dân tộc Dân chủ Nhân dân ở miền Nam và thực hiện Cách Mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Tuy nhiên, việc quán triệt đường lối của Đảng trong các ngành, các cấp chưa thật đầy đủ, nhận thức của cán bộ, đảng viên còn có những điểm chưa sáng tỏ, chưa sâu sắc. Hội nghị đánh giá những khó khăn trong nền kinh tế miền Bắc và nguyên nhân khách quan của tình hình ấy, đồng thời đã nghiêm khắc vạch ra những khuyết điểm và nhược điểm về lãnh đạo và chỉ đạo, đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện và quản lí kinh tế. Các ủy viên đã góp nhiều ý kiến cụ thể về nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản, công tác kế hoạch, pháp chế, về xây dựng và quản lí hợp tác xã, xây dựng Đảng và nhất là tăng cường sức chiến đấu của chi bộ.
Cuối Hội nghị, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị làm rõ những ý kiến đã được đề cập, tập trung vào 4 nội dung lớn: 1) nhiệm vụ chống Mĩ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; 2) đánh giá tình hình kinh tế miền Bắc; 3) mấy vấn đề cơ bản trong đường lối Cách Mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; 4) phương hướng, nhiệm vụ kinh tế trong thời gian tới và những biện pháp cơ bản. Ngày 1.3.1971, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19 được ban hành (số 214-NQ/TW) gồm 3 phần: kiên trì đẩy mạnh cuộc Kháng chiến chống Mĩ, ra sức khôi phục và phát triên nền kinh tế quốc dân; ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lí kinh tế của Nhà nước.
Phương hướng và những giải pháp về khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19 xác định là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đặt ra cho hậu phương miền Bắc sau những năm chiến tranh phá hoại.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)