Hội nghị Trung ương 6 (6-8/11/1939)

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư của Đảng từ 3/1938 đến 1/1940Nguyễn Văn Cừ
    • Bí thư thứ nhất (9/1960 - 12/1976); Tổng Bí thư của Đảng (12/1976 - 7/1986)Lê Duẩn
    • Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa IVõ Văn Tần
    • Ủy viên Trung ương khóa IPhan Đăng Lưu
    • Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa I; Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ LớnNguyễn Thị Minh Khai

Trong thời kì 1936-39, Đảng ta đã luôn theo sát tình hình quốc tế, có những chủ trương và hoạt động thích hợp phòng khi chiến tranh nổ ra. Tháng 9.1939, Chiến tranh thế giới lần II bùng nổ, ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành các chính sách kinh tế, chính trị, Quân sự thời chiến, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa các dân tộc với thực dân Pháp.

Ngày 6.11.1939 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; tham dự có Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... Sau khi đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, Hội nghị phân tích tính chất của cuộc Chiến tranh thế giới lần II, vị trí của Đông Dương, những chính sách của thực dân Pháp và thái độ của các giai cấp đối với chiến tranh; từ đó đề ra đường lối chính trị của Cách mạng Đông Dương trước tình hình mới.

Hội nghị nhận định: Lúc này ở Việt Nam và Đông Dương, chế độ thống trị của thực dân Pháp đã trở thành chế độ phát xít thuộc địa rõ rệt và những thế lực cầm đầu chế độ đó đang mưu toan thỏa hiệp, đầu hàng phát xít Nhật. Do đó, Cách mạng Đông Dương phải tiến tới giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, dù là Pháp hay Nhật.

Từ phân tích và nhận định trên, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của Cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai; giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, trong đó Cách mạng phản đế và Cách mạng điền địa là hai mấu chốt của Cách mạng tư sản dân quyền, có mối liên hệ mật thiết với nhau, cần được giải quyết đồng thời và phải được vận dụng một cách khôn khéo để thực hiện nhiệm vụ chính yếu của Cách mạng là đánh đổ đế quốc. Đây là sự chuyển hướng quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Cách mạng.

Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu Cách mạng ruộng đất, thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng; khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công nông binh cũng được thay bằng khẩu hiệu lập chính quyền Dân chủ Cộng hòa. Phương pháp Cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, đồng thời chuyển hoạt động từ hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không họp pháp, chuẩn bị những điều kiện tiến tới bạo động làm Cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài ra, Hội nghị cũng nhấn mạnh việc củng cố Đảng về mọi mặt, quyết định những chù trương và biện pháp cụ thể như lựa chọn cán bộ, kiểm soát việc thực hiện nghị quyết, liên hệ với quần chúng, thực hiện tự phê bình...

Để tập trung mọi lực lượng dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Lực lượng tham gia mặt trận bao gồm tất cả các giai cấp, đảng phái và các lực lượng chống đế quốc, muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết. Lực lượng đó bao gồm công nhân, nông dân, tiêu tư sản, tư sản dân tộc, trung, tiểu địa chủ.

Phân tích lực lượng Cách mạng Việt Nam, Hội nghị nhấn mạnh công, nông là hai lực lượng chính; sự liên minh chặt chẽ của công - nông, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, là điều kiện quyết định thắng lợi của Cách mạng và phải dựa trên cơ sờ cùa Khối liên minh Công - Nông để mở rộng việc tập hợp các lực lượng khác có tinh thần yêu nước.

Đồng thời với việc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, Hội nghị còn chi rõ Cách mạng nước ta phải đoàn kết, thống nhất với Cách mạng của hai dân tộc anh em Lào và Campuchia, đông thời phải quan hệ mật thiết với Cách mạng Trung Quốc và gắn bó khăng khít với Cách mạng thế giới do Liên Xô làm trụ cột.

Những nội dung được thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị đã đánh dấu bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và phương pháp Cách mạng quan trọng của Đảng, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực lãnh đạo sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trước tình hình mới nhằm đưa cuộc đấu tranh Cách mạng của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)