Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945)

Ba Tơ là một châu (huyện) miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, dân cư có 3 làng người Kinh, 6 làng người Thượng (phần lớn thuộc dân tộc Hơrê). Tại đây, Pháp lập một đồn sơn phòng do 1 trung đội lính khố xanh đóng giữ. Về hành chính có Nha Kiểm lí, đứng đầu là Kiểm lí (tri châu). Gần đồn có “căng” an trí là nơi giam lỏng, quản thúc các tù chính trị đã mãn hạn. Năm 1942 tại “căng” an trí, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, từ 1942 đến 1944 đã xây dựng được nhiều cơ sở ở các vùng quanh châu lị Ba Tơ. Cuối 1944 chi bộ chuyển thành Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Ngãi để lãnh đạo, phát triển phong trào Cách Mạng ra toàn tỉnh. Đầu 1945, Tỉnh ủy chủ trương đưa các đảng viên thoát khỏi “căng” về địa phương hoạt động, nhưng chưa kịp thực hiện thì trưa ngày 10.3 Nhật đảo chính Pháp ở Quảng Ngãi và trên toàn Đông Dương. Tỉnh ủy họp, quyết định chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở châu lị Ba Tơ và cử ra ủy ban khởi nghĩa, đề ra kế hoạch: sáng 11.3, chiếm đồn Ba Tơ bằng cách tập trung tù chính trị đã mãn hạn trước cổng đồn để trình diện như thường lệ rồi bất ngờ diệt lính gác, cướp đồn. Nhưng do địch đã báo động, canh phòng nghiêm ngặt, đóng chặt cửa đồn nên không thực hiện được kế hoạch này. Ủy ban khởi nghĩa quyết định tiếp tục phát động khởi nghĩa, sáng 11.3, cử 20 người được trang bị giáo, mác, xẻng, cuốc đón bắt Thiếu tá giám binh Pháp từ Quảng Ngãi chạy lên, nhưng do sơ hở, thiếu kiên quyết nên đã để sĩ quan này chạy thoát về đồn Ba Tơ. Ta huy động quần chúng ở các làng Trường An, Suối Loa... kéo về châu lị hợp sức cùng đồng bào, chiến sĩ ở đây khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời tổ chức nhân dân phá cầu, chặt cây tạo vật cản trên đường từ Mộ Đức lên để ngăn bước tiến của quân Nhật. Chiều 11.3 ta cử đại biểu vào đồn Ba Tơ thương thuyết, yêu cầu chỉ huy Pháp giao đồn, nộp súng và hợp tác cùng đánh Nhật, nhưng không đạt kết quả; 15 giờ tổ chức mít tinh ở sân vận động rồi biến thành biểu tình tuần hành thị uy, tiến đến bao vây nha kiểm lí, buộc Kiểm lí và nhân viên thuộc quyền đầu hàng, nộp vũ khí. Tối hôm đó, hơn 30 chiến sĩ với 7 súng cùng lực lượng quần chúng bao vây đồn Ba Tơ, nổi trống mõ, nổ súng uy hiếp, phối hợp với cơ sở nội tuyến kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Sau 30 phút, quân địch mở cửa đồn ra hàng gồm 28 lính, nộp 17 súng, 50 hòm đạn, nhiều quân trang, quân dụng; Thiếu tá Pháp và 1 cai đội chạy thoát về Kon Plông. Sáng 13.3, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức cuộc mít tinh tại sân vận động, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, lập ủy ban Cách Mạng lâm thời, bãi bỏ các sưu thuế, nợ nần do thực dân Pháp đặt ra; chia cho dân các tài sản thu được của địch (vải, gạo, muối, trâu bò, cuốc xẻng...). Chiều 13.3, được tin Nhật đang điều quân lên chiếm lại Ba Tơ, Ủy ban khởi nghĩa quyết định chuyển chính quyền Cách Mạng mới thành lập vào hoạt động bí mật và nửa công khai, rút Lực lượng Vũ trang về khu căn cứ để giữ gìn, phát triển lực lượng. Chiều 14.3, đội quân Cách Mạng rời khỏi châu lị, lên phía bắc tới vùng núi Cao Muôn (xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi), tổ chức lễ tuyên thệ tại Hang Én, chính thức thành lập Đội du kích Ba Tơ với 28 đội viên, 24 súng, do Phạm Kiệt làm Đội trưởng, Nguyễn Đôn làm Chính trị viên. Đây là đội vũ trang thoát li đầu tiên do Đảng Cộng Sản Đông Dương tổ chức ở Trung Trung Bộ. Sau khi ra đời, đội đã chiến đấu anh dũng, đánh bại nhiều cuộc càn quét của quân Nhật, phát triển thành 2 đại đội, chuyển về trung châu hoạt động, góp phần xây dựng các chiến khu Vĩnh Sơn (huyện Sơn Tịnh), Núi Lớn (huyện Mộ Đức).

Nhân dân Ba Tơ tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ, 11/3/1945

Thắng lợi của Khởi Nghĩa Ba Tơ và việc thành lập Đội du kích Ba Tơ mở đầu một cao trào Cách Mạng rầm rộ, góp phần trực tiếp chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)