Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, nhà văn hóa tiêu biểu

Hà Nội (TTXVN 15/02/2023) Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của đất nước. Ông đã dành trọn cả tâm và lực cho cuộc đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp. Ở ông, chính trị và văn hóa, đạo đức luôn hòa quyện vào nhau. Văn hóa làm phong phú thêm chính trị, chính trị soi đường cho văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc.

* Kiến trúc sư tài năng, sáng tạo

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn có tên gọi là Sáu Phát (thời kỳ chống thực dân Pháp) và Tám Chí (thời chống đế quốc Mỹ). Ông sinh ngày 15/2/1913 tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký với mong ước có thêm kiến thức để làm được những điều lớn lao, tốt đẹp.

Năm 1933, ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Là một sinh viên vừa thông minh vừa chuyên cần, sau năm năm học tập, ông đỗ thủ khoa ngành Kiến trúc. Trở về Sài Gòn năm 1938, ông thực tập tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, người Pháp. Với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện thành công đồ án thiết kế công trình và được giới kiến trúc sư đánh giá cao.

Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc và năm 1941, đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức. Với tài năng của mình, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, ông đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt… Các công trình kiến trúc đều thể hiện tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại, nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam, gây sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.

Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với nhiều nhiệm vụ nặng nề, song ông vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, mà nổi bật là hội trường Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định, hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I. Tuy các công trình được dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng thiết kế rộng và đẹp nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm lá xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự Đại hội. Và nhiều phác thảo kiến trúc, quy hoạch các công trình dự định xây dựng tại Lộc Ninh, Thủ đô Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt đã thể hiện tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai, khả năng sáng tạo tuyệt vời, tư duy thông tuệ của một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Kiến trúc Huỳnh Tấn Phát đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc, như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra ông còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội… đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Năm 1983, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ 3, Đại hội đầu tiên của giới kiến trúc sư Việt Nam thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Hội. Trên cương vị này, ông đã chỉ ra đường hướng phát triển của Hội sau chiến tranh. Ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn đồ án của kiến trúc sư Việt Nam gửi tham dự các cuộc thi Kiến trúc quốc tế và trong số đó có nhiều đồ án đã đạt giải Nhất, giải Vàng đem vinh quang về cho giới kiến trúc sư Việt Nam.

* Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn

Vốn xuất thân là một trí thức với tinh thần yêu nước cao độ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nổi tiếng ở Sài Gòn, có văn phòng kiến trúc sư riêng, nhưng ông không quan tâm đến việc làm giàu mà gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, có uy tín đặc biệt đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng nói: “Mất độc lập dân tộc, mất hòa bình, mọi sáng tạo của kiến trúc sư chúng ta đều là vô nghĩa. Ai cũng nhận rõ hòa bình là xây dựng, chiến tranh là tàn phá. Kiến trúc là cuộc sống. Chiến tranh là hủy diệt cuộc sống. Cho nên đấu tranh giữ độc lập dân tộc và gìn giữ hòa bình thế giới là việc quan trọng trong thời đại ngày nay”.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Văn phòng của người kiến trúc sư trẻ này trở thành nơi hội họp của sinh viên, trí thức yêu nước Sài Gòn. Tờ tuần báo Thanh niên (1944) do ông làm chủ nhiệm trở thành cơ quan ngôn luận của giới trí thức trẻ. Ông tích cực tham gia và làm một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên học sinh, sinh viên miền Nam; của phong trào “Truyền bá Quốc ngữ”, phong trào “Thanh niên Tiền phong”, phong trào “Cứu đói Bắc Kỳ” ở Nam Kỳ.

Với nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng tích cực, ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được kết nạp Đảng. Ngay sau đó, ông cùng với anh em tập hợp lực lượng tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho lực lượng cốt cán, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 20/8/1945, khi nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa, ở miền Nam, một lực lượng cách mạng đã chuẩn bị giành chính quyền. Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương “nắn gân” địch bằng việc tổ chức cho Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai với đồng bào Sài Gòn tại Rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là Rạp Công Nhân). Đêm đó, ông là một diễn giả xuất sắc giới thiệu tôn chỉ, mục đích và chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh.

Đêm 24 rạng sáng 25/8/1945, Xứ ủy và Ủy ban Tổng khởi nghĩa phát động giành chính quyền ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát gấp rút cùng với anh em công nhân và Thanh niên Tiền phong xây dựng kỳ đài, ghi tên 11 vị trong Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông phụ trách Phòng Thông tin báo chí. Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, ông bị bắt, nhưng nhờ uy tín của một kiến trúc sư có tên tuổi nên sau 3 ngày bị giam, địch phải trả tự do cho ông.

Đầu năm 1946, ông lại bị địch bắt tại nhà in bí mật ở số 160, đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng) và bị tuyên án hai năm tù. Trong tù, Huỳnh Tấn Phát được anh chị em bầu làm Trưởng ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị Khám Lớn Sài Gòn”. Ông kiên quyết đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc của thực dân và cùng anh em biến Khám Lớn Sài Gòn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán sau này.

Tháng 11/1947, sau khi được trả tự do, Huỳnh Tấn Phát bám trụ tại Sài Gòn, liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ (Đảng Dân chủ là một tổ chức chính trị tập hợp lực lượng trí thức lúc bấy giờ). Năm 1949, ông ra khu giải phóng, được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do, ở Chiến khu Đ.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông được phân công trở về hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại Văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện; tiếp đó, được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn phụ trách Ban Trí vận và chính quyền vận. Năm 1959, khi ra vùng giải phóng, ông được cử làm Khu ủy viên chính thức Đặc khu Sài Gòn-Gia Định và là một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên.

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân tổ chức hội nghị và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ủy ban Trung ương lâm thời được cử ra, trong đó có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (từ 16/2 đến 3/3/1962) đã bầu chính thức Ủy ban Trung ương, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định; là đại diện tiêu biểu giới trí thức yêu nước miền Nam, được bầu vào Đoàn Chủ tịch, giữ trọng trách Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương và có nhiều đóng góp tích cực, nâng cao uy tín, vị thế của mặt trận.

Tháng 6/1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên cương vị này, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát góp phần tích cực cùng các thành viên trong Chính phủ đảm đương những nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, ông đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm đề án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ông cũng chỉ đạo, góp ý xây dựng các dự án thiết kế nhiều đô thị, như: TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Lạng Sơn…

Tháng 2/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức với Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư, được xem như luồng gió mới làm thay đổi toàn diện công tác Mặt trận. Đồng thời, ông đã góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Tấn Phát nói chuyện thân mật với đại biểu về dự cuộc gặp mặt "Tuổi trẻ xuất sắc vì điểm tựa tiền tiêu Tổ quốc" năm 1984. (Ảnh: Xuân Lâm-TTXVN)

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) bầu, là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị 17-CT/TW, ông đã đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để phổ biến, phân tích nội dung Chỉ thị và đề ra ra những biện pháp củng cố tổ chức mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của ông và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17 góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với nhưng đóng góp to lớn của mình, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

Ngày 30/9/1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã về cõi vĩnh hằng. Toàn dân tộc Việt Nam nhớ ơn ông - một trí thức ưu tú quên mình vì đại cuộc, một nhà cách mạng chân chính, một nhà văn hóa tiêu biểu, một kiến trúc sư đầy tài năng và nhiệt huyết. Ông mãi mãi là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mãi mãi là người “làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng bộc bạch: “Huỳnh Tấn Phát là một cán bộ đầy tình người trong sáng, luôn đoàn kết thuyết phục mọi người phục vụ cách mạng. Anh luôn để lại trong tôi và trong mọi người quen biết một mối tình cảm khó quên, một niềm kính phục và thương yêu, kính trọng mỗi khi có dịp nhớ tới hay cùng ngồi đàm đạo nhắc lại tên anh”.

Cuộc đời của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thật đặc biệt và cũng rất đỗi bình dị. Ông hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng, cho lợi ích của nhân dân, nhưng bản thân ông và gia đình sống rất thanh bạch, liêm khiết. Năm 1998, thể theo tâm nguyện của ông khi còn sống, gia đình kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã thành lập Quỹ học bổng mang tên ông và ủy nhiệm cho Hội kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, giúp đỡ các sinh viên kiến trúc nghèo ham học. Đến nay, với sự tham gia đồng hành của xã hội, Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đã trao hàng trăm suất học bổng cho sinh viên kiến trúc nghèo. Nhiều em trong số đó đã trở thành các kiến trúc sư giỏi./.                                                                      

                                                                                                      Diệp Ninh (tổng hợp)