Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ba Gia: Phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương cách mạng

Hà Nội (TTXVN 30/5/2015) Cách đây vừa tròn 50 năm, vào tháng 5/1965, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân Quảng Ngãi đã liên tục tấn công và nổi dậy đánh bại các chiến lược, chiến thuật chủ yếu của địch, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đồng thời đ ánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân giải phóng. Chiến thắng Ba Gia là kết quả của quyết định đúng đắn, sáng tạo của Bộ tư lệnh Quân Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi, là mốc son chói lọi, đi vào lịch sử dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi anh hùng. 50 năm qua, vùng đất đã đi vào lịch sử dân tộc với chiến thắng Ba Gia oanh liệt đang thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Tháng 5/1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở chiến dịch Ba Gia, còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh trên địa bàn các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Bắc Quảng Ngãi, trong đó Ba Gia là điểm then chốt nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị,.. . Nắm vững chủ trương của trên, bộ đội ta với tinh thần dũng cảm, mưu trí đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt địch.

Chiến dịch Ba Gia diễn ra từ ngày 28/5 đến 20/7/1965. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 là Tư lệnh chiến dịch. Trong chiến dịch, ta mở 3 đợt tấn công địch. Chiến thắng Ba Gia là trận đánh then chốt trong đợt 1 của chiến dịch từ 28/5 đến 07/6/1965. “Nhanh như chóp nón, gọn như Ba Gia”, chiến thắng Ba Gia đã tạo ra đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Quảng Ngãi. Đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta , bằng một loạt trận chiến đấu liên tục đánh địch dưới điều kiện phi pháo ác liệt, đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp ngụy, đánh bại cuộc hành quân ứng cứu quy mô lớn.

Chiến thắng Ba Gia đánh dấu sự phát triển nghệ thuật chiến dịch trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nghệ thuật tạo thế, khơi ngòi, điều khiển địch. Chiến thắng Ba Gia là đòn quyết định của ta, góp phần đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Sau chiến dịch, Trung đoàn 1 Quân khu 5 được mang tên Trung đoàn Ba Gia. Những cựu chiến binh từng chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn luôn tự hào với những đóng góp xương máu để làm nên chiến thắng Ba Gia vang dội.
Những ngày này, người dân khu Tây Sơn Tịnh phấn khởi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ba Gia và càng vui hơn trước sự đổi thay của vùng đất anh hùng. Là người đã từng tham gia du kích trong chiến trận Ba Gia ở địa phương vào năm 1965, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thanh, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh cảm nhận rất rõ sự đổi thay của quê hương mình. Ông còn nhớ, ngay trước nhà ông trong thời điểm diễn ra trận đánh Ba Gia là vùng đồi núi, đất trống đồi trọc. Sau 50 năm, nơi này đã là một cánh đồng tươi tốt, đến mùa vụ cho lúa đầy đồng. Ông Thanh nhớ lại: Hồi đó người già, trẻ con thì chạy sơ tán, người khỏe thì thiếu ăn nhưng vẫn trụ bám để đánh địch. Khi địa phương được giải phóng, đời sống của bà con vẫn rất cực khổ, ruộng đồng không có nước tưới nên rất khô cằn. Phải đến những năm 1995, khi đập thủy lợi Thạch Nham được xây dựng, đưa vào sử dụng thì ruộng đồng mới đủ nước tưới, cây lúa phát triển. Cũng từ đây đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

So với các xã khu Tây của huyện Sơn Tịnh, Tịnh Bắc được xem là một trong những xã có diện tích và năng suất lúa cao, với tổng diện tích gần 400 hecta, năng suất đạt bình quân 62-65 tạ/hecta. Lương thực bình quân đầu người của Tịnh Bắc hiện đạt trên 600kg/người/năm, cao nhất huyện. Có được kết quả này đó là nhờ vào sự linh hoạt của xã, chính sách hỗ trợ của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa chất lượng cao đến với nông dân.

Phát huy tinh thần của chiến thắng Ba Gia năm xưa, từ ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ xã Tịnh Minh đã đoàn kết một lòng cùng nhân dân trong xã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, vươn lên thoát đói, giảm nghèo. Sự đoàn kết, chung sức chung lòng ấy thể hiện rõ trong việc người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Khi xã phát động chương trình nông thôn mới, người dân hưởng ứng rất tích cực. Người góp công, người góp của, hiến đất để mở đường, làm các công trình an sinh. Giờ đây, không những các tuyến đường giao thông chính trong thôn mà cả những tuyến đường ra đồng cũng được bê tông, cấp phối. Ông Đoàn Văn Phú, Chủ tịch xã Tịnh Minh cho biết: Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã còn phát huy nội lực của dân, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn. Đến nay, xã Tịnh Minh đã đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2015 đạt thêm 3 tiêu chí.

Những năm qua, huyện Sơn Tịnh luôn ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho các xã khu Tây của huyện để phát triển kinh tế, xứng đáng với địa danh đã làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử. Nhờ vậy mà kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội khu vực này được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của 4 xã là quê hương Ba Gia (xã Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Sơn, Tịnh Đông) đạt 14 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn từ 5 đến 7%. Trong Đề án tái cơ cấu kinh tế, huyện Sơn Tịnh đã xác định sự đầu tư phát triển cho từng xã, phù hợp với điều kiện của địa phương. Ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: Tùy điều kiện từng xã mà huyện đưa ra đề án phát triển cho phù hợp như xã Tịnh Minh được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để thuận lợi việc phát triển nông nghiệp; xã Tịnh Sơn gắn liền với việc xây dựng trung tâm huyện thị mới đồng thời xây đài tưởng niệm để tạo điểm nhấn về phát triển kinh tế cũng như truyền thống về Ba Gia của vùng này. Đối với Tịnh Bắc là một thị tứ huyện, tập trung phát triển giao lưu từ huyện Sơn Hà trở xuống ra tới huyện Bình Sơn, khu kinh tế Dung Quất. Còn Tịnh Đông sẽ tập trung giao đất cho dân và tập trung đầu tư thủy lợi phục vụ tưới cho 200 hechta ở vùng hạn hán của khu vực này.

Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử 50 năm về trước, giờ vẫn còn nguyên giá trị. Bài học ấy đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã khu Tây của huyện Sơn Tịnh phát huy, cùng đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng danh với tinh thần chiến thắng Ba Gia oanh liệt năm xưa./.

Đinh Thị Hương