Năm 2023 - năm bội thu của ngành lúa gạo

Hà Nội (TTXVN 4/1/2024) Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với năm 2022. Đây là con số ấn tượng, đánh dấu cột mốc mới trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, cũng là cơ sở để ngành lúa gạo gặt hái thêm nhiều thành công trong năm 2024.

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

* Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục

Trong những năm qua, ngành lúa gạo ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta với khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.

Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD (tăng 6,2% so với năm 2021). Sang đến năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới chịu nhiều biến động. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức cao nhất kể từ năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo (năm 1989) tới nay.

Về thị trường xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2023, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%. Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong khối ASEAN, Philippines và Indonesia là 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam; và triển vọng được dự báo tiếp tục tươi sáng trong năm 2024, khi Indonesia dự báo sẽ tăng nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo và Philippines cho biết cần mua gạo Việt Nam với số lượng lớn.

Bên cạnh gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu, gạo Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên thị trường khi vừa qua, gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này cũng góp phần giúp ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU từ ngày 19/12/2023. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 10 giống gạo được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, gồm: Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU.

Công ty TNHH Thương mại Tân Thành ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ là một trong những doanh nghiệp chuyên chế biến gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, năm 2023, trong bối cảnh an ninh lương thực bất ổn, Ấn Độ, Nga thắt chặt xuất khẩu, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn, nhiều chủng loại gạo chất lượng cao, ổn định cho nhiều phân khúc thị trường, từ châu Á tới châu Âu (EU).

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, khi Ấn Độ (là nước chiếm hơn 40% nguồn cung gạo trên thế giới) ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, thì đó chính là cơ hội cho các nguồn cung khác trên thị trường. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là đã tranh thủ thời cơ để gia tăng nguồn thu, lợi nhuận cho bà con nông dân.

* Tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 có thể đạt gần 518 triệu tấn; trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2024 có thể mang về 5,3 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2023.

Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội là thách thức. Thách thức lớn nhất với ngành lúa gạo Việt Nam là đa phần gạo Việt Nam chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao… Do đó, để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, Tổng cục Thống kê đề xuất thực hiện đồng bộ 2 nhóm giải pháp thúc về đẩy sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời tại tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Về sản xuất, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Cơ cấu lại sản xuất lương thực theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất chuyên trồng lúa. Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong sản xuất, chế biến lúa…

Về thị trường, thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, như: phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo quản, chế biến sau thu hoạch…; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam…

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo nhấn mạnh, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế./.

Minh Duyên