Năm 2023 - tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp cao nhất trong nhiều năm

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt NamPhạm Minh Chính

Hà Nội (TTXVN 5/1/2024) Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra chiều 3/1/2024, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Cánh đồng vào mùa lúa chín tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

 * Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.

Theo đó, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm qua duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu phi.

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị. Trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ được nâng cao, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành. Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Trong năm qua, ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống thiên tai... qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, toàn ngành đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…

Về xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất: theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Về đầu tư xây dựng cơ bản: năm 2023, Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao; tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến, các đoàn kiểm tra để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản... Kết quả giải ngân trên 94,6%.

Công tác chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm. Năm 2023 công bố 76 TTHC, lũy kế có 349 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ được rà soát và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp… Các kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Trong ảnh: Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

* Năm 2024 phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 3,0-3,5%

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế, như: 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định; còn điểm nóng về phá rừng; chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Năm 2024, ngành ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng... Trong đó, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:

Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ Thẻ vàng đối với khai thác thủy sản.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT làm tốt công tác dự báo, cung cầu, thông tin thị trường; triển khai thực hiện hiệu quả các FTA, đồng thời mở rộng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế biển; tăng cường bảo vệ phát triển rừng; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh hội nhập hợp tác quốc tế.

Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ khung trời, cửa biển, bàn tay, khối óc, chủ động, tích cực. Phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NN&PTNT để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.

Minh Duyên

[Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn]