Nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Argentina

Hà Nội (TTXVN 24/07/2023) 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức khu vực châu Mỹ từ ngày 18 đến 28/4/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm Cộng hòa Argentina theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện nước Cộng hòa Argentina Cecilia Moreau. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia, tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất và hiệu quả.

* Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy

Trong lịch sử, Argentina là một trong ba nước Mỹ Latinh (sau Cuba và Chile) thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/10/1973). Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Việt Nam và Argentina tuy xa cách về địa lý, nhưng nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị, luôn dành cho nhau tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu. Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhớ phong trào quần chúng nhân dân Argentina đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây.

Việc hai nước mở Đại sứ quán tại hai thủ đô giữa những năm 90 của thế kỷ XX và tiếp theo đó là các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Argentina. Đặc biệt, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện vào năm 2010, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mới rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hiện hai nước đang trao đổi về khả năng thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược theo lĩnh vực. Đây là đề xuất của phía Argentina nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mauricio Macri hồi tháng 2/2019.

Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, gần đây là: Tổng thống Argentina Cristina Fernandez thăm Việt Nam (tháng 1/2013); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Argentina (tháng 7/2014); cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Argentina Mauricio Macri với Chủ tịch nước Trần Đại Quang bên lề Diễn đàn “Vành đai, con đường” tại Bắc Kinh, Trung Quốc (tháng 5/2017); cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Argentina Mauricio Macri tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada (tháng 6/2018); Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm Argentina (tháng 7/2018); Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Argentina Jorge Faurie thăm chính thức nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 7/2018); Tổng thống Argentina Mauricio Macri thăm cấp Nhà nước (tháng 2/2019); Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Santiago Andres Cafiero thăm chính thức (tháng 7/2022); Đồng chí Phan Đình Trạc-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương-thăm và làm việc (tháng 10/2022)…

Hai bên cũng đã thiết lập nhiều cơ chế và ký kết nhiều văn kiện quan trọng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực thế mạnh. Các cơ chế hợp tác như: Cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước (đã tiến hành được 8 phiên, trong đó phiên thứ 8 tổ chức trực tuyến vào tháng 5/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tiến hành điện đàm (tháng 4/2022); Ủy ban hợp tác liên chính phủ (thành lập từ năm 1999) họp định kỳ 2 năm/phiên và đã tiến hành 7 phiên, trong đó phiên thứ 7 theo hình thức trực tuyến (tháng 8/2021).

Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết như: Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hợp tác kinh tế-thương mại, Hợp tác công và nông nghiệp, Bản ghi nhớ về hợp tác trong xúc tiến đầu tư, Hợp tác thú y, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát thanh, Bản ghi nhớ về hợp tác chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn người… Hai bên đang xúc tiến đàm phán để đi đến ký kết các Hiệp định về hợp tác viễn thông, bảo mật thông tin, hỗ trợ tư pháp, tránh đánh thuế hai lần.

Ngoài hợp tác song phương, hai nước ủng hộ nhau và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) và Hợp tác Nam-Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Argentina bầu Việt Nam vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, ủng hộ Việt Nam làm thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

* Hợp tác kinh tế, thương mại là nền tảng cho quan hệ song phương lâu dài

Cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Argentina tiếp tục phát triển, trở thành nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Argentina trên thế giới và là đối tác chủ chốt trong hợp tác Nam-Nam của Argentina tại Đông Nam Á. Trong khi đó, Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Trao đổi thương mại song phương liên tục gia tăng, từ 875 triệu USD năm 2011 lên 4,5 tỷ USD năm 2021 và 4,85 tỷ USD năm 2022.

Việt Nam xuất sang Argentina các mặt hàng: dệt may, nguyên phụ liệu dệt may-da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện… và nhập khẩu từ Argentina các mặt hàng: thức ăn gia súc và nguyên liệu, dầu mỡ động thực vật, nguyên phụ liệu dệt may…

Chính phủ hai nước đã xác định các tiềm năng và thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sẵn có theo hướng thực chất và mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác mới (như năng lượng, khai khoáng).

Thời gian tới, hai nước xác định sẽ tập trung phát triển thị trường. Phía Việt Nam hoan nghênh Argentina đề xuất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Việt Nam. Việt Nam cũng duy trì nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý các sản phẩm truyền thống của Argentina; đồng thời mong muốn phía Argentina tăng nhập khẩu và mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam nhằm tạo tiền đề xây dựng cán cân thương mại bền vững.

Hai nước cũng hướng tới tăng cường kết nối doanh nghiệp, phấn đấu gia tăng trao đổi thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ USD năm 2025, trong đó những đóng góp của doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng. Thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác kỹ thuật về nông nghiệp và công nghệ chế biến là thế mạnh của hai bên có thể bổ trợ cho nhau.

Về đầu tư, mặc dù Argentina và Việt Nam có nhiều tiềm năng hứa hẹn về đầu tư, nhưng cho đến nay, số lượng nhà đầu tư đăng ký còn hạn chế. Tính đến tháng 3/2022, Argentina có 5 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 160 nghìn USD, đứng thứ 122/143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hai nước đang xem xét khả năng hợp tác đầu tư về khai thác, cung cấp thương mại khoáng chất hiếm lithium cho phát triển năng lượng xanh, cũng như khả năng hợp tác khai thác, cung cấp thương mại khí hóa lỏng từ đá phiến; công nghệ sản xuất khí hydro xanh. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước đang xem xét mở đường bay thẳng Việt Nam-Argentina; đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến du lịch và trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa giữa hai nước cũng phát triển nhanh chóng, thể hiện qua các cuộc giao lưu giữa các trường đại học hai nước, giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật...

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), hai bên đã trao đổi về kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác văn hóa, nghệ thuật. Năm 2023, Argentina dự kiến tổ chức Tuần Văn hóa Argentina tại Việt Nam với sự tham gia của đoàn nghệ thuật từ Argentina tại 2 thành phố lớn: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với nỗ lực chung của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Argentina sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Hợp tác nghị viện hiệu quả, thực chất

Trong hợp tác nghị viện, Quốc hội Việt Nam ủng hộ việc xem xét đưa quan hệ Việt Nam-Argentina từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược theo lĩnh vực, trước mắt trong lĩnh vực công-nông nghiệp và năng lượng. Quốc hội Việt Nam đã cử nhiều đoàn lãnh đạo Quốc hội thăm và làm việc tại Argentina, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội.

Trong khuôn khổ đa phương, các nghị sĩ Quốc hội hai nước duy trì tiếp xúc, phối hợp tham vấn lẫn nhau, nhất là tại Liên minh nghị sĩ thế giới (IPU). Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Argentina được thành lập tháng 11/2012, còn Nhóm nghị sĩ hữu nghị Argentina-Việt Nam cũng vừa được thành lập ngày 7/2/2023.

Thời gian tới, hai cơ quan lập pháp của hai nước ủng hộ hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam khẳng định mong muốn phát triển quan hệ nghị viện song phương với Nghị viện Argentina và Quốc hội các nước Mỹ Latinh. Quốc hội Việt Nam sẽ tạo dựng khung khổ pháp lý, ủng hộ và làm hết sức mình để tạo điều kiện cho quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Chuyến thăm chính thức Argentina của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Argentina (1973-2023). Chuyến thăm ghi dấu mốc mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Argentina, cũng như với các nước Mỹ Latinh. Chuyến thăm khẳng định Việt Nam coi Argentina là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Mỹ Latinh, góp phần củng cố tình hữu nghị, đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Argentina ngày càng thực chất và hiệu quả, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội hai nước./.

Phước Sang (tổng hợp)