Ngày 19/3/1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị bản kết luận Hội nghị sơ kết Đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Ngày 19/3/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị bản kết luận Hội nghị cán bộ sơ kết kinh nghiệm Đợt 1, "tiếp tục giáo dục và động viên về nhiệm vụ sắp tới", họp tại Sở Chỉ huy Mường Phăng trong hai ngày 16 và 17/3/1954.

 

Sau khi pháo binh ngừng bắn, lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt cứ điểm quan trọng này ngay trong ngày mở màn chiến dịch 13/3/1954. Ảnh: TTXVN

  Đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 đến 17/3/1954. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, việc bộ đội ta triệt hạ các cứ điểm: Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo đã mở toang cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thành công của đợt 1 cũng chứng tỏ ta đã tìm ra cách đánh đúng, nên mặc dù kẻ thù hết sức đề phòng, vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt.

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng có bộ binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ tham gia, tiến đánh những cụm cứ điểm được xây dựng kiên cố nằm trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch trên chiến trường Đông Dương. Đó là điều thực dân Pháp không thể ngờ tới.

Chính kẻ địch đã phải công nhận những chiến thắng trong Đợt 1 này của ta là "do đối phương dũng cảm, có ý chí và quyết tâm cao... áp dụng một chiến thuật hoàn hảo, chính xác". Đợt tiến công mở màn này đã giáng một đòn chí tử vào hy vọng giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ của nhà cầm quyền và giới quân sự Pháp.

Bộ đội pháo binh dội bão lửa xuống căn cứ của địch tại Him Lam, ngày 13/3/1954. Ảnh: TTXVN

  Trong bản kết luận Hội nghị cán bộ sơ kết kinh nghiệm, tiếp tục giáo dục và động viên về nhiệm vụ sắp tới, họp trong hai ngày 16 và 17/3/1954, gửi Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên nhấn mạnh: 

  "1. Đợt chiến đấu đầu tiên của quân ta, chúng tôi nhận định là thuận lợi. Địch thất bại rất nặng, mất cả binh lực và phạm vi kiểm soát ở phân khu miền Bắc, sân bay bị khống chế gần hoàn toàn, thương vong nhiều, thiệt hại về không quân nặng...

  Về phía ta, sau 2, 3 ngày bổ sung chấn chỉnh, lực lượng gần như nguyên vẹn, lại thêm kinh nghiệm, thêm dày dặn, thêm phấn khởi, tin tưởng vào phương châm, lại thêm một số vũ khí và đạn dược lấy được của địch."

Hai trận chiến đấu vừa qua là hai trận đầu của một chiến dịch lịch sử, là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm của địch, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy. Đánh thắng hai trận đó, chúng ta đã thu được thắng lợi lớn, quân địch đã bị thất bại nặng, nhưng lực lượng của chúng còn mạnh và chúng còn ra sức đối phó. Chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đối với tương quan lực lượng giữa địch và ta, giữ vững quyết tâm trong những cuộc chiến đấu gay go sắp tới.

Địch đã nhanh chóng bù đắp những thiệt hại về người và vũ khí trong mấy ngày qua. Phía trước chúng ta lúc này là khu trung tâm của địch với hơn một vạn quân, nằm trên dãy đồi phía Đông và ken chặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Hơn ba mươi cứ điểm ở đây được chia thành 4 trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huyghét, Clôđin, Êlian, Đôminích. Mỗi trung tâm đề kháng gồm nhiều cứ điểm. Huyghét và Clôđin gồm khoảng hai chục cứ điểm ở phía Tây, nằm trên cánh đồng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Êlian và Đôminích ở phía Đông, gồm một chục cứ điểm tiếp giáp nhau bên tả ngạn sông Nậm Rốm, có những điểm cao lợi hại kiểm soát toàn bộ trận địa khu trung tâm. Trong số các điểm cao này, Êlian 2 (ta gọi là đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của De Castries (Đờ Cát) và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.

Tại Mường Thanh, địch chiếm tất cả những điểm cao quan trọng. Chúng đã xây dựng trận địa hầm hào vững chắc. Đây lại là địa hình quân địch có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa và pháo binh kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến. Địch sẽ khai thác những nhược điểm của bộ đội ta khi chiến đấu trên địa hình thiếu chỗ ẩn náu, khi chiến đấu ban ngày... Đây chính là thế trận quân địch đã bày sẵn để chờ ta trên chiến trường do chúng lựa chọn.

Mở đầu trận đánh ta đã tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt một số trung tâm đề kháng đột xuất để phá vỡ một cánh cửa của tập đoàn cứ điểm, lúc này đứng trước khu vực tập trung sức mạnh chủ yếu của địch, ta phải vận dụng một cách đánh khác thích hợp, nằm trong yêu cầu tổng thể: tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Sự tiêu hao binh lực của ta trong đợt đầu không lớn, có thể được bù đắp nhanh chóng; nhìn chung các đơn vị vẫn sung sức, chưa kể là tinh thần còn được nâng lên sau những chiến thắng vừa qua. Nhưng với tương quan lực lượng hiện nay, con nhím Điện Biên Phủ còn quá mạnh. Cần phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định.

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

  Đảng ủy Mặt trận đề ra ba nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai:

  1. Phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt đông, tây, nam, bắc, trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta, đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu trung tâm.

  2. Tiếp tục đánh "bóc" thêm một số cứ điểm ở ngoài "vỏ" tập đoàn cứ điểm, theo nguyên tắc phải bảo đảm chắc thắng.

  3. Phải khống chế sân bay của địch cho hiệu quả; chuẩn bị đánh địch phản kích; tăng cường những hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối quân địch".

 Trong những nhiệm vụ trên, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng bậc nhất.

  Chúng ta dự kiến chiến dịch sẽ gồm ba đợt. Đợt thứ nhất đã hoàn thành. Ta đang bước vào đợt thứ 2, siết vòng vây trận địa chiến hào, tiêu diệt và tiêu hao quân địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, làm cho kẻ địch suy yếu dần. Đợt này sẽ dài nhất, mang tính quyết định. Và đợt cuối cùng là tổng công kích để giành toàn thắng.

Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. Ảnh: TTXVN

  "2. Bước qua đợt 2 của giai đoạn thứ 2 là đợt xây dựng trận địa tiếp cận, đẩy đến 2 hay hơn 2 cây số, hình thành thể bao vây tứ phía để đạt đến mục đích: Một là làm cho địch không tăng viện được. Hai là làm cho địch không thả dù tiếp tế được. Ba là làm cho không quân và pháo binh địch khó hoạt động. Bốn là làm cho tất cả các súng cối từ 81, 82mm trở lên của ta có thể uy hiếp trung tâm của địch, uy lực không kém trọng pháo.

 Xây dựng trận địa như vậy thì không những anh em phải dùng một sức lao động rất lớn, mà lại phải trải qua một quá trình chiến đấu với hoạt động phản kích của địch để giữ vững trận địa. Ngày nào tiếp tục công kích địch, hiện chưa định. Có thể khi việc xây dựng trận địa hoàn thành mới bắt đầu công kích trở lại. Đây là một đợt chiến đấu mới cho nên phải trải qua một thời gian chuẩn bị tương đối lâu và đầy đủ để tạo điều kiện cho những cuộc chiến đấu sắp tới được chắc thắng và gọn ghẽ.

Bắt đầu từ hai hôm nay, phản ứng của địch về không quân mạnh hơn trước. Mặc dầu bề ngoài thì chúng che giấu thất bại, nhưng chúng hết sức lo ngại cho số phận Điện Biên Phủ. Chiến dịch này lại có quan hệ nhiều đến cả thời cục ở Đông Dương và cuộc đấu tranh ngoại giao sắp tới. Vì vậy, chúng tôi đều nhận định địch sẽ trút tất cả khả năng của chúng, đế quốc Mỹ sẽ ra sức giúp đỡ tích cực, nên thời kỳ chiến đấu sắp tới sẽ rất gay go, ác liệt.

  3. Về tiền đồ của chiến dịch, mặc dầu đợt đầu thuận lợi như vậy, nhưng một cơ sở vững chắc để đi đến giải quyết toàn bộ quân địch trong một thời gian không lâu thì hiện vẫn chưa đầy đủ. Vì vậy, hiện nay vẫn có hai khả năng:

  Một là có thể giải quyết toàn bộ quân địch trong tháng 4. Nếu quân ta xây dựng trận địa được vững chắc, những cuộc chiến đấu sắp tới được gọn ghẽ, nếu sự đối phó của địch cũng chỉ mạnh đến một chừng nào, thì khả năng này sẽ thành thực tế.

  Hai là chiến dịch đến cuối tháng 4 chưa kết thúc. Trong trường hợp này, cần phải kéo dài đến mùa Hè, lúc đó vẫn có khả năng giải quyết được toàn bộ. Nếu chúng ta nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc" thì trong hai trường hợp sự khó khăn của ta có khác nhau về trình độ, nhưng nói chung thì vẫn có lợi.

  4. Theo tình hình trên, vấn đề động viên nhân, vật lực hậu phương cần phải làm thật ráo riết, tung nhiều cán bộ để đôn đốc kiểm tra khẩn trương luôn luôn, thì mới đạt được mục đích duy trì sự cấp dưỡng cho bộ đội theo một trình độ tối thiểu. Khó khăn hiện nay về cung cấp như thế nào, anh Dũng và anh Dực sẽ báo cáo Trung ương rõ. Tôi thấy cần đề nghị với Trung ương nắm thật vững việc phục vụ tiền tuyến. Có như vậy, sức khoẻ của bộ độ ta mới dẻo dai được và bảo đảm được chiến đấu liên tục."

Bộ đội ta ăn cơm dưới chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

  * Về phía thực dân Pháp:

  Ngày 19/3/1954, việc dự trữ đạn 105mm và lương thực của địch bắt đầu khó khăn. Tướng De Castries (Đờ Cát) gọi điện cho Tướng Cogny (Cô-nhi), Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ: “việc mất Điện Biên Phủ, mất I-da-ben (Hồng Cúm)” tôi cho là không thể tránh được trong một thời gian ngắn. Phải tính đến chuyện cử La-lăng cố gắng đi tìm con đường sang Lào để rút lui”. 

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014.