Ngày 2/5/1954: Quân ta tăng cường vây ép, tiến công, khiến quân địch ở Hồng Cúm phải rút chạy

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Ngày 2/5/1954, tại Hồng Cúm, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và kéo dài. Trước sự vây ép, đánh lấn của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, quân địch ở Hồng Cúm buộc phải rút chạy khỏi khu C. Hoảng hốt, lo sợ, Tướng Navarre (Nava) vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế ở Điện Biên Phủ.

Chiến hào vào gần còn mang cho quân Pháp nhiều tai họa khác. Hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho quân đội ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Quân ta tăng cường vây ép, tiến công, khiến quân địch phải rút chạy

“Ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba (ngày 1/5/1954), quân địch đã mất thêm bốn cứ điểm là: C1, 505, 505A ở phía Đông, và 311A ở phía Tây. Tiếp đà chiến thắng, quân ta tăng cường vây ép, tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch.

Sáng ngày 2/5/1954, tại Hồng Cúm, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và kéo dài. Trước sự vây ép, đánh lấn của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, một bộ phận quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Không chống đỡ được trước sức tiến công như vũ bão của ta, quân địch ở Hồng Cúm buộc phải rút chạy khỏi khu C.

Trong lúc đó, những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía Tây đều nhắm thẳng về phía Sở Chỉ huy của tướng De Castries (Đờ Cát). Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị dồn lại trong cái "ô vuông cuối cùng".” (1)

“Cũng trong ngày 2/5/1954, để cứu nguy cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp cho 30 chiếc B-26, 4 chiếc GB-24, 14 chiếc SB-20, 3 chiếc F-4U lần lượt đánh nhiều đợt vào các trận địa của bộ đội ta. Các đơn vị pháo binh của ta hiệp đồng chặt chẽ, đồng loạt nổ súng đánh địch quyết liệt, bắn rơi 2 chiếc B-26 và 2 chiếc SB-20. Trong đó, Tiểu đoàn 381 lần đầu ra trận bắn rơi một chiếc máy bay địch”. (2)

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Tướng Navarre họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế ở Điện Biên Phủ

“Ngày 2/5/1954, tướng Navarre (Nava) vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế ở Điện Biên Phủ. Dự cuộc họp có tướng Navarre, Cogny (Cô-nhi), Tư lệnh lực lượng Pháp tại Lào Crevơcơ và những sĩ quan thuộc lực lượng lục quân.

Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kéo dài năm mươi ngày đêm. Sai lầm lớn nhất của Tướng Navarre là đã phân tán hầu hết lực lượng cơ động tập trung tại đồng bằng sông Hồng trước khi trận đánh bắt đầu. Ngoài những tiểu đoàn tinh nhuệ đưa lên Tây Bắc, ba binh đoàn cơ động của Bắc Bộ vẫn bị cầm chân ở Trung Lào. Suốt thời gian trước đó, những mưu toan cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều không thể thực hiện vì thiếu lực lượng, đặc biệt là lực lượng nhảy dù và không quân. Nếu ném những tiểu đoàn dù ít ỏi vào những cuộc hành binh giải tỏa thì không còn lực lượng tăng viện để duy trì cuộc sống của tập đoàn cứ điểm. Nếu huy động không quân vào những cuộc hành binh, như: Xênôphôn, Côngđo, thì không còn lực lượng yểm trợ, tiếp tế hằng ngày cho Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đi vào thời điểm quyết định khi Navarre chỉ còn trong tay một tiểu đoàn dù!

Trong khi đó, Hội nghị Geneve (Giơnevơ) đã khai mạc vào ngày 26/4/1954, tại thành phố Genève (Thụy Sĩ), nhưng còn bàn về vấn đề Triều Tiên. Đại diện của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chưa có mặt. Hy vọng cuối cùng của thực dân Pháp lúc này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Điện Biên Phủ. Nhưng mong muốn được như vậy thì ít nhất con nhím Điện Biên Phủ phải tồn tại thêm một thời gian. Chính phủ Pháp hoàn toàn không muốn thấy một cuộc đầu hàng ở Điện Biên Phủ.

Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những bức điện của tướng De Castries (Đờ Cát) và Langlais (Lănggơle) mới gửi về đều mang những lời lẽ gay gắt và tuyệt vọng. Số phận của Điện Biên Phủ chỉ còn tính từng ngày. Có thể ngay ngày mai nếu không có quân tiếp viện. Tướng Cogny một lần nữa lại đưa ra ý kiến mở một cuộc hành binh đánh vào sau lưng Việt Minh. Nhưng đây chỉ là sự suy nghĩ thiển cận. Bởi lấy đâu ra lực lượng để mở một cuộc hành binh như vậy vào lúc này? Tất cả các binh đoàn cơ động đang sa lầy ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trung Lào, ở miền Trung. Muốn điều động các binh đoàn này cũng không còn thời gian. Và làm cách nào tiếp tế đạn dược, lương thực cho một cuộc hành binh mới trong lúc toàn bộ lực lượng không quân vận tải, với cả những máy bay hạng nặng của đế quốc Mỹ đã không thể bảo đảm những yêu cầu khẩn thiết của riêng Điện Biên Phủ.

Navarre tuyên bố: "Không cần phải tiếp tục cuộc chiến ở Điện Biên Phủ". Navarre quyết định tiến hành một cuộc hành binh phá vây mang mật danh Albatros (Hải Âu). Khác với những kế hoạch rút chạy lần trước, tuy còn là trên giấy, như: Xênôphôn huy động 15 tiểu đoàn, Côngđo huy động 7 tiểu đoàn, cuộc hành binh phá vây Albatros lần này chỉ dựa vào bản thân lực lượng đồn trú tại Điện Biên Phủ, với sự hỗ trợ tạo một hành lang của một lực lượng biệt kích địa phương nhỏ ở Lào. Navarre cho rằng cuộc hành binh có thể thực hiện trong hai hoặc ba ngày bằng sức mạnh, hoặc bí mật, khôn khéo, vì "Việt Minh không có phương tiện hậu cần ở Lào, phải 24 giờ sau mới có thể đối phó". Navarre quyết định "bỏ lại thương binh và sĩ quan quân y” vì tin chắc là họ sẽ được Việt Minh trao trả. Do tính chất của cuộc hành binh như vậy nên nó được trao cho tướng De Castries tự mình vạch ra kế hoạch.

Navarre đồng ý với Cogny tăng viện thêm cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù. Đây là tiểu đoàn dù cuối cùng. Tổng chỉ huy trực tiếp nắm các đơn vị dù và không quân. Từ trước tới nay Navarre vẫn sử dụng lực lượng này rất dè dặt, theo nguyên tắc không hy sinh vô ích một tiểu đoàn nào. Nhưng lần này Navarre nhận thấy muốn phá vây, con nhím Điện Biên Phủ phải được tăng thêm sức mạnh”. (3)

  Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN;

(1); (3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1082; 1082 - 1084;

(2) Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 1, tr. 169, 170.