Ngày 21/3/1954: Bộ đội ta nỗ lực xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây. Trận địa hào xây dựng chủ yếu vào ban đêm và triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận. Đây thực sự là một cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. Bộ đội ta phải lao động cật lực từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày, với những công cụ đào thủ công trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và dưới làn đạn pháo của quân Pháp.

 

 

  Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì bộ đội ta không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào của ta mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác của ta, san lấp những đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp. Quá trình xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây trở thành một cuộc chiến đấu gay go giữa ta và địch.

Các chiến sĩ đã phát huy nhiều sáng kiến để hạn chế hoả lực và pháo của địch, nhằm bảo vệ mình và đẩy nhanh tốc độ đào hào, phát triển về hướng các cứ điểm địch ở khu vực trung tâm. Mỗi tổ đào hào bện một con cúi bằng rơm (anh em ta gọi là "hồ lô" rơm) to tròn như cái thùng phuy xăng. Bộ đội ta đào hào đến đâu thì lăn con cúi bằng rơm về phía trước để ngăn đạn địch.

"Con cúi" làm bằng rơm dùng để chắn đạn trong quá trình đào hào

  Mỗi tổ đào hào lại chia thành nhiều đoạn. Ở mỗi đoạn, bộ đội ta bắt đầu bằng việc đào hố cá nhân rồi nhanh chóng nối liền các đoạn với nhau, hướng về phía các căn cứ mục tiêu của địch. Lúc đầu, bộ đội ta đào trườn trên mặt ruộng, sau đó anh em nâng tốc độ đào hào bằng cách đào dũi, đào ngầm từng đoạn dưới đất. Đào được đoạn hào nào hoàn chỉnh, bộ đội ta lại đậy nắp tre lên trên, rồi đổ một lớp đất ngụy trang để hạn chế pháo địch phát hiện, đánh phá chiến hào ta mới đào. Bằng cách này, tốc độ đào hào của bộ đội ta tăng lên nhanh chóng, lại hạn chế được thương vong. Các chiến hào như những mũi khoan, từ nhiều hướng lao nhanh về phía các cứ điểm của địch ở khu vực trung tâm.

Qua mấy ngày đêm liên tục vừa chiến đấu vừa đào hào, bộ đội ta đã xây dựng được hệ thống giao thông hào dài hàng trăm kilômét bao vây, siết chặt các cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ. Dưới bom đạn của máy bay và pháo binh địch, bằng những trận đánh trả địch liên tục ngày đêm, bộ đội vẫn giữ vững trận địa và phát triển các chiến hào ngày càng sát địch với một sức mạnh không gì ngăn cản được. Mọi thủ đoạn phá hoại của địch đều bị thất bại.

Đến cuối tháng 3 năm 1954, bộ đội ta đã đào thêm được gần 100km hào giao thông, hào chiến đấu và xây đắp hàng vạn công sự các loại. Trận địa tiến công và bao vây căn cứ địch của ta đã cơ bản hoàn thành. Các trận địa xuất phát xung phong để tiến đánh các điểm cao phía Đông cũng được chuẩn bị. Một số chiến hào đã tiến sát hàng rào của địch.

Bộ đội ta ăn cơm dưới chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

  Trong khi đó, tại Sở Chỉ huy chiến dịch, một đơn vị công binh đã đào một đường hầm thông qua núi, có các ngách hai bên, rộng đủ cho cơ quan của Bộ Tổng tham mưu mặt trận làm việc và nghỉ ngơi. Trên nóc hầm có gỗ chống, vách lát gỗ hoặc phên. Đường hầm này đã bảo đảm an toàn cho Sở Chỉ huy hoạt động trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đánh giá những nỗ lực của bộ đội ta trong việc xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây, Đảng ủy mặt trận từng nhận định, rõ ràng chủ trương nhanh chóng xây dựng trận địa đúng tiêu chuẩn là chủ trương đúng đắn, hạn chế thế mạnh về pháo của địch, tạo điều kiện cho bộ đội ta có thể tiếp cận địch trên địa hình bằng phẳng và chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm.

Với chiến thuật đào hào vây lấn, quân ta không chỉ khắc phục được địa hình trống trải mà còn từng bước áp sát địch, sử dụng hỏa lực bắn gần, tiêu diệt lô cốt địch. Hệ thống chiến hào đã thực sự trở thành bàn đạp tiến công vô cùng thuận lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.

Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

  * Cũng trong ngày 21/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết "Thư gửi Bộ Chỉ huy Đại đoàn 312". Trong thư, Đại tướng nhấn mạnh:

"Trong hai cuộc chiến đấu đầu tiên của chiến dịch lịch sử này, Đại đoàn các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, đã làm đúng lời chúc Tết của tôi, mong Đại đoàn trở nên một đơn vị công kiên giỏi.

Bây giờ các đồng chí đã tiến bộ nhiều về công kiên chiến, nhưng chỉ mới tiến một bước, các cuộc chiến đấu sắp tới có thể gay go hơn. Tôi mong các đồng chí nhanh chóng kiểm điểm và học tập kinh nghiệm trong 3 đơn vị của Đại đoàn cùng nhau thi đua để trở nên những đơn vị công kiên rắn rỏi".

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010

- Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 74, 75

- Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954

- Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 452-454.