Ngày 22/3/1954: Cán bộ hết sức chăm lo cho sức khỏe của chiến sĩ khi xây dựng trận địa tiến công

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Cùng với việc tập trung chỉ đạo công tác trọng tâm trước mắt là xây dựng trận địa, Đảng ủy mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ còn hết sức quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bộ đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Trong Thư gửi bộ đội làm trận địa tiến công và bao vây ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày 20/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần dặn dò: “Cán bộ phải hết sức lo cho sức khỏe của chiến sĩ. Đặc biệt các anh nuôi cần phải cố gắng. Phải có cơm nóng, nước nóng cho bộ đội…”.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

  * Sự quan tâm sát sao của Đảng ủy mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch

Chỉ đạo xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn trước khi bước vào đợt tiến công thứ hai là công việc thu hút nhiều tâm lực của cả hai cơ quan là Đảng ủy mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoàn thành tốt việc này mới thực hiện được chủ trương của Đảng ủy mặt trận là thắt chặt hơn nữa vòng vây chung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bao vây và khống chế sân bay, tiếp tục tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch và triệt đường tiếp tế tăng viện của chúng.

Việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây áp sát địch được phân công theo hướng mục tiêu chiến đấu sắp tới của các đại đoàn. Yêu cầu đặt ra là phải coi việc xây dựng đường giao thông hào trục và xây dựng trận địa tiến công là nhiệm vụ chủ yếu trước mắt và phải được hoàn thành đúng thời gian quy định.

Hai cơ quan là Đảng ủy mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cử các đoàn cán bộ xuống từng đại đoàn, cùng các đồng chí lãnh đạo đơn vị hướng dẫn cụ thể để cán bộ quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi “bộ đội làm trận địa tiến công và bao vây ở mặt trận Điện Biên Phủ” ngày 20/3/1954. Trong bức thư, những lời dặn dò ân cần, chân tình và cởi mở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như những lời chỉ bảo của một “người anh cả”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích cho bộ đội rõ:

“Làm trận địa tức là nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc", không đánh thì thôi, nếu đánh thì nhất định thắng. Nói "đánh chắc, tiến chắc" không phải là không tranh thủ thời gian. Chúng ta phải tích cực tranh thủ thời gian, vì hoàn thành trận địa sớm một ngày thì tăng khó khăn cho địch sớm một ngày, tăng điều kiện tất thắng của ta sớm một ngày. Đào thêm một thước khối đất trong lúc này tức là tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch...”

Việc xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn trước khi bước vào đợt tiến công thứ hai còn hạn chế ba điểm mạnh hiện nay của địch là: thả dù tiếp tế, thả quân tăng viện và hỏa lực của đạn pháo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Nhiệm vụ trung tâm trước mắt lúc này là phải xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn, đồng thời phải chiến đấu với địch để tiêu hao chúng và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trận địa... Nhiệm vụ xây dựng trận địa là một nhiệm vụ chiến đấu, vinh quang không kém các cuộc chiến đấu xung phong giết giặc...”

“Vì nhiệm vụ trung tâm hiện nay là xây dựng trận địa, cho nên Tổng cục Chính trị đã quyết định tiêu chuẩn thứ nhất để giành lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Bác là việc xây dựng trận địa. Tôi rất mong các đồng chí lập được nhiều công trong việc xây dựng trận địa và giành được lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác.”

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (hàng sau, thứ hai từ trái sang, đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

  Cũng trong bức thư ngày 20/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ việc xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn phải phối hợp chặt chẽ với hoạt động của các đơn vị bộ binh nhỏ, các đội súng cối lưu động, các tổ đánh xe tăng, các đơn vị đánh địch phản kích nhảy dù... Trận địa xây dựng sát địch đến đâu, các đơn vị pháo phòng không sẽ tiến theo, uy hiếp dần không phận của địch, buộc máy bay địch phải bay cao và khiến cho việc thả dù tiếp viện của chúng gặp nhiều khó khăn.

Việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây chỉ được coi là hoàn thành khi mà những giao thông hào chiến đấu và giao thông hào trục đều làm đúng tiêu chuẩn và tiếp cận sát khu căn cứ trung tâm của địch, trong tầm hỏa lực súng cối của ta.

  * “Cán bộ phải hết sức lo cho sức khỏe của chiến sĩ”

Bộ đội ta ăn cơm dưới chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

  Cùng với việc tập trung chỉ đạo công tác trọng tâm trước mắt là xây dựng trận địa, Đảng ủy mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ còn hết sức quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bộ đội. Bởi sau mấy trận thắng trong Đợt I, bộ đội ta phải thu dọn chiến trường, vì dân công thiếu. Ngay sau đó, bộ đội ta lại phải vừa tiếp tục xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn chuẩn bị cho Đợt 2, vừa chiến đấu bảo vệ các đường hào mới. Trong khi điều kiện ở chiến trường cực kỳ khó khăn và  thiếu thốn trăm bề, thời tiết lại đang chuyển từ mùa xuân sang hè nên khi nóng, khi lạnh bất thường,… ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bộ đội.

Chính vì vậy, trong bản kết luận sơ kết kinh nghiệm Hội nghị cán bộ ngày 19/3/1954 gửi Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc động viên nhân lực, vật lực ở hậu phương để "đạt được mục đích duy trì sự cấp dưỡng cho bộ đội theo một trình độ tối thiểu... sức khoẻ của bộ đội ta mới dẻo dai được và bảo đảm được chiến đấu liên tục...”

Bên cạnh đó, các cơ quan tại mặt trận cũng thường xuyên cử cán bộ xuống các đơn vị, nắm tình hình cụ thể và cùng cấp lãnh đạo các đại đoàn bàn biện pháp khắc phục ngay khó khăn cho bộ đội trước khi bước vào đợt chiến đấu thứ hai.

Trước điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Trong Thư gửi bộ đội làm trận địa tiến công và bao vây ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày 20/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần dặn dò:

  “Cán bộ phải hết sức lo cho sức khỏe của chiến sĩ, chiến sĩ phải tự lo cho sức khỏe của mình và của đồng đội. Đặc biệt các anh nuôi cần phải cố gắng. Chỗ ăn, chỗ ngủ ở tại trận địa phải tốt, đừng có bừa bãi. Phải có cơm nóng, nước nóng cho bộ đội. Anh em quân y phải tăng cường việc phòng bệnh. Cán bộ các cấp đều phải kiểm tra việc này, vì đó là cơ sở vật chất cho sự chiến đấu liên tục. Đó là một việc rất quan trọng.

Tôi dặn thêm các đồng chí chỉ huy và chính trị viên các cấp một điều nữa là phải làm kế hoạch trận địa cho chu đáo, phải tổ chức phân phối lực lượng cho chu đáo, để khỏi làm mất thì giờ và tăng thêm mệt mỏi cho chiến sĩ…”

 

  Những lời dặn dò ân cần, chân tình và cởi mở nói trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời chỉ bảo của một người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi, luôn thương yêu bộ đội hết mực. Cố GS.NGND, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng ca ngợi: “…Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn”. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà một người bạn chí thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời đã viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh!”.

Bên cạnh việc đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bộ đội, các đại đoàn của ta luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bộ đội giữ gìn vệ sinh. Chính vì vậy, trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, sức khỏe của chiến sĩ được bảo đảm, nâng cao khả năng chiến đấu, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

* Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010

- Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 74, 75

- Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954