Ngày 3/4/1954: Địch tăng viện tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ

Trước sự anh dũng, kiên cường của bộ đội ta, hòng chiếm lại các quả đồi đã mất, quân địch tăng viện thêm tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ. Dưới sự khống chế của pháo binh ta, quân địch không thể tiếp tế và tiếp viện vào ban ngày, mà ngay cả ban đêm cũng không thể thả ngay cùng một lúc cả một tiểu đoàn dù tiếp viện. Tuy nhiên, ngay khi vừa hạ xuống Điện Biên Phủ, tiểu đoàn dù của địch đã bị các đơn vị pháo phòng không, pháo cao xạ và các đại đội chiến đấu phòng ngự ở phía Tây tiêu diệt một phần, đồng thời cắt đứt đường liên lạc của địch nối giữa Mường Thanh và Hồng Cúm.

 

Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Địch tăng viện tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ

  Lo sợ trước sự anh dũng, kiên cường của bộ đội ta trong đợt tiến công thứ hai, đồng thời muốn chiếm lại các quả đồi ở phía Đông đã mất, ngày 31/3/1954, Tướng De Castries (Đờ Cát) vội vàng gọi điện yêu cầu Hà Nội tăng thêm một tiểu đoàn dù cứu nguy cho Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, từ ngày 27/3/1954, hoạt động tiếp tế, vận tải của địch ở sân bay Mường Thanh đã hoàn toàn chấm dứt, do hoả lực pháo cao xạ của ta ngày càng phát huy mạnh mẽ, khống chế toàn bộ đường không của địch. Địch phải dựa vào biện pháp duy nhất là thả dù, nhưng rất bấp bênh và tốn kém. Bên cạnh đó, Trung đoàn 57 đã thực hiện thành công việc chia cắt địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm.

Ngày 3/4/1954, quân địch tăng viện thêm Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn dù tiêm kích số 1 lên Điện Biên Phủ theo như yêu cầu của De Castries. Nhận thấy không những không thể thả dù tiếp viện vào ban ngày, mà ngay cả ban đêm cũng không thể thả ngay cùng lúc cả một tiểu đoàn, Bộ chỉ huy quân Pháp buộc phải chọn "phương án khả thi duy nhất" do Sauvagnac - chỉ huy lực lượng dù tăng viện - đề ra là thả dù người vào ban đêm bằng từng máy bay, với khoảng cách về thời gian khác nhau. Và phải mất ba đêm, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn dù tiêm kích số 1 mới tới hết Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, ngay khi vừa hạ xuống Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn dù tiêm kích số 1 của địch đã bị các đơn vị pháo phòng không, pháo cao xạ và các đại đội chiến đấu phòng ngự ở phía Tây tiêu diệt một phần, đồng thời cắt đứt đường liên lạc của địch nối giữa Mường Thanh và Hồng Cúm.

Trong đợt tấn công thứ hai, quân ta vừa dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn dưới mặt đất, vừa bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch. Trong ảnh: Cuộc chiến dấu các liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Cán bộ Trung đoàn 102 và 174 về Sở Chỉ huy mặt trận họp

  Ngày 3/4/1954, đồng chí Hùng Sinh, Nguyễn Hữu An cùng 3 cán bộ tiểu đoàn của Trung đoàn 102 và Trung đoàn 174 về Sở Chỉ huy mặt trận họp. Các đồng chí đã báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc chưa “giải quyết” được A1, là do ta vướng phải một hầm ngầm kiên cố ở trên đỉnh đồi của địch. Quân ta không tiêu diệt được đồi A1 vì chưa dập tắt được hỏa điểm trong hầm ngầm. Mặc dù đã tổ chức cho bộ đội tìm nhiều lần nhưng vẫn không thấy cửa hầm do nó nằm ở phía trong, lại được pháo binh địch bắn chặn và cả xe tăng yểm trợ. Suốt quá trình chiến đấu, bộ đội ta đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch giữ được phần đồn đã chiếm, nhưng hầu như không lúc nào có ưu thế hơn địch do chúng tăng viện nhanh. Bộ đội ta bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Nhưng cả hai đồng chí Trung đoàn trưởng 102 và 174 là Hùng Sinh và Nguyễn Hữu An đều xin được tăng viện, quyết tâm tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở A1.

Tại cuộc họp, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An đề xuất việc huấn luyện và tổ chức một đội đánh hầm ngầm, mang nhiều bộc phá đánh vào cửa hầm của địch. Vấn đề này được cả Bộ Chỉ huy chiến dịch bàn bạc và cuối cùng quyết định học tập kinh nghiệm của Triều Tiên: Sử dụng bộc phá lớn đánh vào hầm ngầm. Để phối hợp và hỗ trợ cho cuộc tiến công của Trung đoàn 174 vào cao điểm A1, Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho Đại đoàn 316 sử dụng công binh của đại đoàn bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1 và bố trí một khối lượng thuốc nổ chừng 1.000kg để đến đúng giờ G cho nổ, nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch ở đồi A1 cùng một số lô cốt trên sườn phía Tây và Tây Nam của vị trí đó. Hành động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm nhanh gọn các mục tiêu còn lại trong tung thâm* phòng thủ của địch trên cao điểm A1.

Kiểm điểm đợt chiến đấu vừa qua, Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng nhận thấy những thiếu sót dẫn tới không hoàn thành tất cả những nhiệm vụ đề ra trong đợt tiến công lần thứ hai này. Khi điều tra A1, ta không phát hiện ở đây có một hầm ngầm kiên cố, nên không dự kiến cách giải quyết. Cũng do thiếu chuẩn bị đầy đủ phương tiện phá công sự phụ, phần lớn các mũi thọc sâu đều không lọt vào tung thâm. Việc kiềm chế pháo ở Hồng Cúm chưa tốt, nên địch đã chi viện pháo hiệu quả cho A1. Cũng phải nói đây là lần đầu các đại đoàn của ta đánh hiệp đồng công kiên quy mô lớn, nên đã bộc lộ một số nhược điểm. Bộ đội ta, mặc dù chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc, đặc biệt là giải quyết hầm ngầm. Thực ra, nếu công tác điều tra, chuẩn bị tiến hành chu đáo, thì không phải ta không đủ khả năng chiếm toàn bộ những điểm cao khu Đông.

Kết quả ở khu Đông sẽ khác, nếu đêm hôm đó bộ đội ta chiếm được A1 - "chiếc chìa khóa" của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng không có từ "nếu" khi trận đánh đã kết thúc.

Tuy nhiên, "con nhím" Điện Biên Phủ đã nhận một đòn tử thương. Chỉ trong sáu ngày (từ ngày 28/3 đến ngày 2/4/1954), quân Pháp đã mất hơn 2.000 người. Phân khu Hồng Cúm tuy chưa trực tiếp bị tiến công, từ 2.000 quân cũng chỉ còn khoảng 1.600 quân. Quân đồn trú ở phân khu trung tâm bị rút lại còn năm tiểu đoàn dù, không tiểu đoàn nào vượt quá 300 người, hai tiểu đoàn lê dương 600 người và số còn lại gồm những đơn vị người Thái và Bắc Phi. Tổng cộng khoảng 4.300 lính chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngốn những kíp xe tăng, pháo thủ, quan trắc và vô tuyến điện với nhịp độ không thể tưởng tượng. Đến ngày 6/4/1954, dự trữ đạn dược pháo binh chỉ còn 418 viên cho loại pháo 155mm, 616 viên 105mm và 1.422 viên đạn cối 120mm, có nghĩa là gần với số đạn tập đoàn cứ điểm bắn trong một đêm chiến đấu. Không còn cả mìn cho những điểm tựa phía trong mới lập thêm...

Xe tăng 18 tấn của địch phản công nhưng đã bị pháo của ta bắn trúng tại sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Trong lúc đó, trận chiến đấu trên đồi A1 vẫn diễn ra vô cùng căng thẳng, khốc liệt. Hai bên giằng co, chiến đấu kéo dài đến tận chiều ngày 3/4/1954 thì tạm ngừng. Cả hai bên cố gắng củng cố và giữ vững phần đồi đã chiếm được.

Như vậy, sau năm ngày chiến đấu ở phía Đông (từ ngày 30/3 đến 3/4/1954), bộ đội ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần điểm cao then chốt đồi A1; quân địch buộc phải kéo pháo chạy khỏi cứ điểm 210; ở phía Tây, ta chiếm thêm được các cứ điểm 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch ở Điện Biên Phủ bị thu hẹp khá nhiều, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn đồi A1. Đây lại chính là một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công lần 2 này.

Hoàng Yến (tổng hợp)

* tung thâm: chiều sâu của trận địa; sâu vào trong; thọc sâu vào (Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 1749)

  Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1034, 1037, 1038

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 302

- Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 78, 81

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 98