Ngày 4/4/1954: Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công đồi A1 để củng cố lực lượng

Đồi A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm. Đây là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và giữ vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cho đến ngày 4/4/1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất một, địch đã lợi dụng những hầm ngầm và trận địa kiên cố để chống lại quân ta. Vì thế, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công đồi A1 để củng cố lực lượng.

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 * Đồi A1 là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đợt tiến công thứ 2

  Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta ngay từ đầu đã xác định, đồi A1 là một trong các cứ điểm quan trọng nhất của dãy đồi phía Đông. Nó có tác dụng che sườn cho phân khu Đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, sẽ tạo điều kiện để quân ta triển khai tiếp cận làm bàn đạp phát triển vào trung tâm. Do vậy, bằng mọi giá phải đánh chiếm cho bằng được, và đây chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đợt tiến công thứ 2.

Vì là tấm lá chắn quyết định số phận của Phân khu trung tâm Mường Thanh nên địch cũng tổ chức phòng ngự A1 khá vững chắc, bố trí binh hỏa lực mạnh, xây dựng trận địa kiên cố, lực lượng phản kích lớn, lực lượng chi viện đông. Mặc dù vậy, xét về tương quan lực lượng, ta vẫn có ưu thế hơn hẳn địch về binh lực cũng như hỏa lực.

Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A1 được giao cho: Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 do Trung đoàn Trưởng Nguyễn Hùng Sinh chỉ huy, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 do Trung đoàn Trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy.

Để đánh chiếm đồi A1, từ đêm 30/3 đến trưa 1/4/1954, bộ đội ta đã hai lần tấn công quân Pháp và chiếm được nửa đồi A1. Từ đêm ngày 1 đến sáng 3/4, ta tiếp tục áp sát, chiến đấu, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Pháp tổ chức cuộc phản kích lần hai, sử dụng thêm pháo binh và hai phi cơ thả bom nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, các chiến sĩ Trung đoàn 102 và Trung đoàn 174 của ta đã tập trung hỏa lực tiêu diệt, chặn đứng cuộc phản công, bắn cháy một xe tăng, khiến quân Pháp phải rút lui.

Từ ngày 2/4 và những ngày sau đó, ở A1 cả ta và địch đều cố thủ, hai bên cách nhau khoảng 15m. Ban đêm ta tổ chức đào hào hướng về phía địch, ban ngày địch lại mò ra dùng mìn phá chiến hào của ta.

Cho đến ngày 4/4/1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất một, địch đã lợi dụng những hầm ngầm và trận địa kiên cố để chống lại quân ta, cuối cùng mỗi bên giữ một nửa điểm cao.

Qua tin tức kỹ thuật cho biết quân địch ở A1 bị thiệt hại rất nặng. Chúng luôn kêu cứu khẩn cấp với chỉ huy ở Mường Thanh, yêu cầu tăng viện. Chúng còn bám được vị trí nhờ dựa vào hỏa điểm rất lợi hại trên đỉnh đồi là một hầm ngầm mà từ trước ta chưa từng hay biết trong quá trình nắm địch và chuẩn bị chiến đấu. Sau này ta được biết, đây là một hầm ngầm lớn mà địch xây dựng từ trước và được củng cố sau khi chúng chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi chuẩn bị trận đánh chúng ta chưa nắm được tình hình chiếc hầm này. Do đó ta tập trung hỏa lực khá mạnh nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả diệt hầm ngầm.

Các đơn vị xung kích tấn công sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Tạm ngừng cuộc tiến công, chuẩn bị cho trận đánh mới

 Sáng 4/4/1954, cuộc hội ý trong Đảng ủy Mặt trận đã đi đến nhận định: Cán bộ và chiến sĩ đã chiến đấu rất dũng cảm ở trên đồi A1, ở vị trí 105 cũng như ở các nơi khác. Riêng ở A1, cán bộ chưa nắm chắc tình hình địch và cũng chưa nắm chắc được bộ đội. Đơn vị còn có một số khó khăn chưa giải quyết được.

Vì thế Đảng ủy quyết định: “Đợt chiến đấu này dừng lại, lệnh cho bộ đội ở A1 giữ lấy phần cứ điểm đã giành được để sau này tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.

Đến sáng ngày 4/4/1954, Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 được lệnh tạm ngừng cuộc tiến công, trao lại nhiệm vụ phòng ngự trên đồi A1 cho Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316; Trung đoàn 174 cũng chỉ cần để lại một bộ phận nhỏ, củng cố, xây dựng trận địa công sự thật vững chắc, bảo vệ phần đồi A1 đã  giành được, đồng thời tiếp tục tiêu hao sinh lực địch. Đại bộ phận bộ đội ta rút ra ngoài, tạm ngừng chiến đấu, chuẩn bị cho cuộc tiến công tiếp theo.

Trận tiến công đồi A1 của quân ta tại thời điểm đó chưa thành công do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân từ cấp chiến dịch và cả nguyên nhân từ cấp chiến thuật, đúng như Đại tướng Hoàng Văn Thái - nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch đã nhận xét: "Ta chưa chiếm được A1 vì ngay từ đầu chưa nhận thức được vị trí hiểm yếu của nó, chưa có lực lượng dự bị mạnh, chưa có cách đánh đúng, chưa diệt được địch từ phía sau lên phản kích, chưa kiềm chế được pháo binh ở Hồng Cúm". Còn nguyên Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân cũng cho rằng "Ngay từ đầu, chỉ đạo chiến dịch chưa thấy hết tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của hướng Đông, do đó cũng chưa thấy hết A1 là vị trí then chốt".

Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía Đông. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu các liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

- Ngày 4/4/1954: Tại Đồng bằng Bắc Bộ, trên đường 5 quân ta lại đánh đổ một đoàn tàu quân sự chở đầy binh lính và vũ khí của địch.

- Tại Liên khu V, ta phục kích diệt 6 xe và một số lính địch.

- Tại Hạ Lào, Liên quân Lào-Việt phục kích đánh 1 tiểu đoàn địch ở km 59 đường 13, diệt 1 đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và 4 đại bác 105.

- Cũng trong ngày 4/4/1954, Bộ chỉ huy Pháp ở Trung Bộ phải cho binh lính của chúng rút bỏ tất cả các đồn bốt mới đóng ở phía đông Tuy Phước, lui về cố thủ ở thị xã Quy Nhơn. Cuộc tiến công chiến lược đầy tham vọng của Navarre trên chiến trường miền Nam mà điểm trung tâm là cuộc hành quân Atlante (Át-lăng) đến đây đã thất bại.

 Thúy Hằng (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 78, 81

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 88, 95

- Ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 97, 302.