Nghị viện châu Âu (EP) hoạt động như thế nào?

Hà Nội (TTXVN 4/6/2024) Cử tri từ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) để chọn ra hơn 700 thành viên nghị viện nhiệm kỳ mới 2024-2029, những người sẽ quyết định việc hoạch định chính sách của EU những năm tới. Do được bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, Nghị viện châu Âu trở thành Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu cử trực tiếp bởi người dân. Vậy Nghị viện châu Âu hoạt động như thế nào?

 

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola phát biểu tại một phiên họp của Nghị viện ở Strasbourg, Pháp, ngày 24/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Cơ cấu

EP là một nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới có nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo phương châm “Hợp nhất từ những khác biệt”. Không giống với Hội đồng Bộ trưởng - đại diện cho chính phủ các nước thành viên EU - EP là cơ quan duy nhất có các thành viên được công dân các nước EU trực tiếp bầu lên để đại diện cho họ. Việc này cũng chỉ được thực hiện từ năm 1979 đến nay, còn trước đó là quốc hội các nước thành viên tiến cử các ứng cử viên của mình vào ghế thành viên EP. Cơ cấu của EP gồm:

- Chủ tịch chịu trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại, chủ trì các kỳ họp của nghị viện…

- Cục: điều hành các hoạt động của nghị viện và các cơ quan trực thuộc.

- Các Ủy ban: gồm nhiều ủy ban khác nhau nhưng trách nhiệm chung là chuẩn bị nội dung cần thiết cho các cuộc họp nghị viện.

- Ban Thư ký: chịu trách nhiệm tổ chức công việc nghị viện, gồm 1 Tổng thư ký và hơn 3.000 viên chức mà 1/3 trong số đó làm công tác dịch thuật cho nghị viện.

* Quyền hạn

Quyền lực của EP chủ yếu là trên các lĩnh vực lập pháp, quản lý ngân sách, giám sát quyền dân chủ… Nghị viện có thể tu chính, phê chuẩn hoặc bác bỏ các đạo luật của EU. EP làm việc theo nguyên tắc “quyền đồng quyết” với Hội đồng Bộ trưởng. Điều này có nghĩa là một dự luật được đưa ra chỉ được thông qua khi cả hai bên cùng gật đầu đồng ý. Nguyên tắc “quyền đồng quyết” được áp dụng trong các lĩnh vực như quyền của người lao động, bảo vệ người tiêu dùng, nhập cư, giáo dục, sức khỏe, nghiên cứu, môi trường và phát triển… ngoại trừ chính sách đối ngoại hay nông nghiệp.

Ngoài ra, EP và Hội đồng Bộ trưởng cũng cùng chia sẻ quyền lực về quản lý ngân sách chung của EP, cùng giám sát các tổ chức khác của EU, trong đó có Ủy ban châu Âu (EC), bầu Chủ tịch Nghị viện, bổ nhiệm Chủ tịch EC, xét duyệt các tân Ủy viên châu Âu, chọn chủ tịch các ủy ban của nghị viện và có thể sa thải toàn bộ thành viên EC. Vào tháng 12 hàng năm, EP sau khi có chữ ký của Chủ tịch, sẽ thông qua ngân sách của EU. EP có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm chức Thống đốc, Phó Thống đốc và các thành viên trong Hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, những người này phải được sự phê chuẩn của EP trước khi được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm. Hàng năm, Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu phải có trách nhiệm báo cáo hoạt động tài chính của mình cho EP trong các phiên họp toàn thể.

* Trụ sở

EP có hai trụ sở, một đặt tại Brussels (Bỉ), một ở Strasbourg (Pháp) và bộ phận hành chính ở Luxembourg. Trong một tháng, cứ 3 tuần nghị viện làm việc tại Brussels-nơi diễn ra hầu hết các cuộc họp của Ủy ban và các nhóm chính trị, tuần còn lại nghị viện làm việc ở Strasbourg. Sự di chuyển liên tục này khiến chi phí điều hành của nghị viện tăng cao, và đôi khi các nghị sỹ nghị viện cũng “không thích” điều này vì phải thường xuyên đi lại quá nhiều. Tuy nhiên, việc EP đặt trụ sở tại Strasbourg còn mang ý nghĩa biểu tượng, cho thấy uy tín của nước Pháp. Tọa lạc tại khu vực biên giới giữa Đức và Pháp-vốn từng xảy ra giao tranh 2 lần trong thế kỷ trước-trụ sở nghị viện châu Âu được coi là biểu tượng của trật tự châu Âu mới./.

Trọng Đức (tổng hợp)