Người cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Trung ương Đảng Khóa I (dự khuyết từ 1943, chính thức từ 8/1945), II, III, IV; Phó Chủ tịch nước CHXNCNVN (9/1969 - 7/1979)Nguyễn Lương Bằng

Hà Nội (TTXVN 30/3/2024) Với 75 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ phấn đấu hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng (thứ 2 từ trái sang), đồng chí Nguyễn Lương Bằng (ngoài cùng bên phải) với các đồng chí trong Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

* Người chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên cường

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Lương Bằng đã sớm được giác ngộ, trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ năm 1925.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện vai trò là một trong những người tiên phong tổ chức thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, xây dựng thành công các cơ sở cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng như thiết lập thành công hệ thống giao thông liên lạc trong nước với nước ngoài trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trước sự truy sát của kẻ thù.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng là một trong những người tiên phong trong công tác vận động công nhân, binh lính và đã thành công trong việc hình thành các tổ chức đầu tiên của công nhân và binh lính người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài.

Tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta khẳng định: đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong việc xây dựng Đảng ta, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Đảng về tư tưởng và tổ chức” (1).

Bằng chính sức lao động, học tập và không ngừng vươn lên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã vượt lên mọi hoàn cảnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao phó. Những năm tháng bị địch bắt, bị giam cầm, mặc cho chế độ nhà tù đày ải khắc nghiệt, Đồng chí vẫn trước sau như một, luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, mưu trí. Đồng chí là một trong những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù, “vận động mọi người tiến hành tuyệt thực, làm cho máu chảy, thậm chí phải mổ bụng để kẻ địch phải nhượng bộ” (2). Hai lần bị địch bắt thì cả hai lần Đồng chí đều anh dũng, mưu trí vượt ngục thành công để trở về với Đảng, với cách mạng. Hơn mười năm tù đày, đồng chí đã phải đương đầu với bao cửa ải thử thách: tra tấn, bệnh tật, sự hiểm nguy của hai lần vượt ngục… Nhưng tất cả đều không thể khuất phục được người chiến sĩ “gan vàng, dạ sắt”.

Với phẩm chất, tài năng và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng là người tiên phong trong tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ mới của cách mạng mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin cậy giao phó. Đồng chí là người đầu tiên được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Đồng chí cũng là người đầu tiên phụ trách công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; người đầu tiên tổ chức, xây dựng và là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước.

Những nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao luôn đòi hỏi phải có bản lĩnh can trường, trí tuệ, phải vừa học, vừa làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính thực tiễn cách mạng ấy đã tạo nên bản lĩnh kiên cường Nguyễn Lương Bằng và hình thành phương pháp làm việc cũng như lối sống giản dị, nhân văn của đồng chí. Nói thẳng, nói thật, giữ vững nguyên tắc nhưng thấm đượm tinh thần nhân văn trong hoạt động thực tiễn chính là phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí cũng kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện, cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân; chú trọng giữ gìn, xây dựng, bảo vệ Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tối 22/4/1976, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh chào mừng cuộc Tổng tuyển cử, chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự. Ảnh: Thế Trung - TTXVN

* Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng

Sau khi đất nước giành được độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979).

Khi được giao trọng trách Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí đã có nhiều đóng góp với nhiều thành tựu quan trọng như: xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy kinh tế - tài chính từ Trung ương đến các khu, tỉnh; nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về kinh tế - tài chính được triển khai thực hiện; xây dựng được đội ngũ cán bộ tài chính của Đảng có phẩm chất, năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính nước nhà.

Khi được giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, đồng chí đã dồn hết tâm trí và sức lực vào việc xây dựng nền móng vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng. Chỉ một tháng sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, điều hành của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, giấy bạc ngân hàng đã được phát hành và nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng. Giấy bạc ngân hàng theo cán bộ địch hậu đi sâu vào vùng địch tạm chiếm đẩy lùi giấy bạc Đông Dương, khẳng định chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên cương vị Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô từ năm 1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực góp phần vào việc làm cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam, tạo điều kiện để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đoàn kết, gắn bó. Thực hiện nhiệm vụ là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ nghiêm kỷ luật Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác cán bộ và chỉnh đốn tổ chức, vấn đề cải cách ruộng đất, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Khi trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1969 và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có những đóng góp quan trọng trên nhiều mặt: tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Có thể khẳng định, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, trong những điều kiện hết sức khó khăn, từ khi Đảng ta chưa ra đời (trước năm 1930) hay trước sự đàn áp của chế độ thực dân, phong kiến đối với cách mạng nước ta (trước năm 1945), trong gian khổ của công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới chống thù trong giặc ngoài (1945-1946) cũng như trước những khó khăn, khốc liệt của hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự phức tạp của quan hệ quốc tế (1947-1975), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đều thể hiện rõ vai trò của người chiến sĩ tiên phong, một nhà lãnh tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Sáng 25/4/1976, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nói chuyện thân mật với cử tri sau khi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, Khu phố Hai Bà Trưng, khu vực bầu cử số 3 (Hà Nội). Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

* Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không chỉ là một người chiến sĩ tiên phong, một nhà lãnh tài năng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là tấm gương sáng về một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Trong lao tù đế quốc, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi thành lập Chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Khi giữ vị trí, chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; sống khiêm tốn, giản dị, có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng nghiệp, bạn bè đã dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng những tên gọi thân thương như "Sao Đỏ”, “Anh Cả", coi đó là "biểu tượng của sự mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em".

Không chỉ là người suốt đời thực hành và là tấm gương mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên đề xuất việc tích cực học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng ngời về khí tiết cộng sản chủ nghĩa và đạo đức cách mạng. “Tấm gương của Đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của Đồng chí là bất diệt” (3).

Tóm tắt tiểu sử Đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…) thường được các đồng chí cùng thời gọi là Anh Cả, sinh ngày 2/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước.

Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung quốc, Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Tháng 9/1926, đồng chí về nước hoạt động cách mạng. Đến giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động đồng chí sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, đồng chí được kết nạp vào chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12/1929, đồng chí đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp.

Từ năm 1931-1943, đồng chí 2 lần bị thực dân Pháp bắt và bị giam tại nhiều nơi như: nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương, nhà tù Sơn La… Cả hai lần đồng chí đều vượt ngục ra ngoài để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14 - 15/8), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trungương Đảng. Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16-17/8) đã bầu đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979).

Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi.

Minh Duyên

(1) (3) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa tiễn đồng chí Nguyễn Lương Bằng

(2) Theo Tiểu sử Nguyễn Lương Bằng, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2015, tr.94.