Người dân Ấn Độ tiếp tục đặt kỳ vọng vào liên minh của Thủ tướng Narendra Modi

Hà Nội (TTXVN 6/6/2024) Dù không đạt được 400 ghế như mục tiêu đề ra, nhưng với 292/543 ghế Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) đã hội đủ điều kiện thành lập chính phủ để tiếp tục điều hành đất nước trước ngày 16/6/2024. Với chiến thắng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng ghi danh vào lịch sử Ấn Độ khi sẽ nắm giữ 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, mừng chiến thắng của NDA tại New Delhi, ngày 4/6/2024. Ảnh: AA/TTXVN

* Chiến thắng cho Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi

Cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ lần này bắt đầu từ ngày 19/4 và kéo dài đến ngày 1/6/2024 và diễn ra theo 7 giai đoạn. Theo Ủy ban bầu cử Ấn Độ (NEC), có 968 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử gồm 7 giai đoạn này. Thực tế đã có 642 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu, trong đó gần 50% (312 triệu người) là nữ. Như vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 66,3%, giảm nhẹ so với cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ năm nay được đánh giá là một trong những sự kiện chính trị quy mô nhất và kéo dài nhất thế giới. Đây cũng là cuộc bầu cử dài thứ hai kể từ cuộc bầu cử đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1951-1952. Các cử tri đi bầu để chọn ra 543 nghị sĩ Lok Sabha (Hạ viện) khóa XVIII. Tham gia cuộc tổng tuyển cử năm nay có hơn 750 chính đảng, bao gồm 6 đảng cấp quốc gia và hơn 70 đảng cấp bang. Tuy số đảng phái là rất lớn, nhưng cuộc tổng tuyển cử năm nay chủ yếu chứng kiến sự cạnh tranh giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo và Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu.

Theo quy định, một chính đảng hoặc một liên minh cần ít nhất 272 ghế để chiếm đa số nắm quyền. Đảng nào giành được đa số ghế tại Hạ viện được đứng ra thành lập chính phủ mới. Giới phân tích đánh giá cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ lần này là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Theo kết quả kiểm phiếu của Ủy ban bầu cử Ấn Độ (NEC) cho thấy Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo giành chiến thắng với 297 ghế, trong đó 240 ghế là của BJP. Con số này giảm mạnh so với năm 2019, khi NDA kiểm soát 350 ghế, trong khi số ghế của BJP là 303. Kết quả từ cuộc bầu cử Hạ viện lần này cho thấy một chiến thắng không dễ dàng đối với Thủ tướng Modi và đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của ông.

Trong khi đó, Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu dù trước cuộc bầu cử không đặt ra bất cứ mục tiêu nào cũng như không được bất cứ tổ chức khảo sát, chuyên gia, học giả nào đặt kỳ vọng thì lại gây bất ngờ khi giành được 234 ghế, gấp hơn 2 lần so với dự đoán trước đó. Trong đó, đảng Quốc đại đã giành được 99 ghế. Kết quả này là sự cải thiện đáng kể về hiệu quả hoạt động của đảng Quốc đại, so với lần tổng tuyển cử năm 2014 và 2019, khi đảng này giành được lần lượt 44 ghế và 52 ghế.

Trên mạng xã hội X, hàng loạt lãnh đạo các quốc gia đã gửi lời chúc mừng sau khi Thủ tướng Modi tuyên bố thắng cử.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các quan chức và lãnh đạo các đảng trong Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) chụp ảnh chung tại New Delhi, ngày 5/6/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

* Những nhiệm vụ chờ đón phía trước

Theo giới quan sát, cuộc tổng tuyển cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ thời gian qua đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục trên mọi phương diện, từ công nghệ khoa học, quân sự, kinh tế đến đối ngoại… Đây chính là những lợi thế giúp Đảng Nhân dân Ấn Độ của đương kim Thủ tướng Narendra Modi giành được chiến thắng, giúp ông Modi tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Ông Modi, sinh năm 1950, lần đầu tiên lên nắm quyền Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014 với những cam kết về phát triển kinh tế. Kể từ đó, ông đã kết hợp tôn giáo với chính trị theo một công thức thu hút sự ủng hộ rộng rãi của đa số người dân theo đạo Hindu trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia công ty dịch vụ tài chính Jefferies, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên đến nay, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 7% tính theo đồng USD, theo đó nhảy từ vị trí thứ 8 lên thứ 5 thế giới, với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.600 tỷ USD.  Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với mức tăng trưởng ổn định khoảng 6,5% trong các năm 2024 và 2025. Số liệu của IMF cho thấy, Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Ngoài ra, trong 10 năm qua, khoảng 250 triệu người Ấn Độ thoát nghèo và thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi.

Trong 4 năm tới, GDP của Ấn Độ có thể cán mốc 5.000 tỷ USD nhờ lợi thế nhân khẩu học cũng như đổi mới sức mạnh thể chế và cải thiện quản trị. Đến năm 2075, kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Không chỉ ghi điểm bằng những kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng, Chính phủ Thủ tướng Modi cũng đạt nhiều thành tựu đối ngoại trong những năm qua. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, cũng như tiếng nói của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế không ngừng được tăng cường.

Có thể thấy rõ, với thành tích quản lý ổn định trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, ông Modi đã giúp nâng cao hình ảnh toàn cầu của Ấn Độ. Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố tối ngày 4/6/2024, Thủ tướng Modi đã có bài phát biểu mừng chiến thắng tại trụ sở của BJP ở thủ đô New Delhi. Trong đó, ông gọi đây là chiến thắng của "nền dân chủ lớn nhất thế giới", đồng thời khẳng định chính phủ sẽ làm việc toàn lực để đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, cũng như nỗ lực chống tham nhũng.

Tuy nhiên, giai đoạn phía trước đang chờ đón chính phủ mới của Thủ tướng Modi vẫn có những thách thức nhất định. Đó là vấn đề về chênh lệch tăng trưởng kinh tế trên thực tế giữa thành phố với vùng nông thôn rộng lớn; lạm phát vượt mục tiêu do ngân hàng trung ương đề ra; nạn thất nghiệp; quan hệ đối ngoại; thuế; nông dân; cải cách đất đai, lao động…

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Ấn Độ cao hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu. ILO cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ chưa tạo ra đủ nhiều việc làm trong khu vực phi nông nghiệp, để theo kịp nguồn cung dồi dào về lao động trẻ có trình độ. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp vẫn cao, khoảng 29%.

Việc tự do hóa nền kinh tế Ấn Độ vào những năm 1990 đã đặt nền móng cho sự tăng trưởng vượt bậc với hàng triệu người thoát nghèo và sinh ra tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định điều này cũng tạo điều kiện cho sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu cho thấy, 1% người giàu nhất ở Ấn Độ sở hữu hơn 40% tài sản của đất nước, trong khi 50% người dân chỉ sở hữu trên 6% tài sản của đất nước.

Để ngăn chặn sự chênh lệch này, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi và BJP đã tung ra hơn 400 tỷ USD trợ cấp phúc lợi và chuyển tiền mặt. Thông qua khoảng 300 chương trình phúc lợi, hàng trăm triệu người dân đã nhận được các vật dụng gia đình từ bình gas nấu ăn đến nhà vệ sinh miễn phí; hàng triệu ngôi nhà đã được xây dựng cho người nghèo... Tuy nhiên, một số người cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời và là dấu hiệu của tình trạng suy thoái kinh tế đang gia tăng.

Chính phủ mới sẽ được thành lập ở Ấn Độ từ ngày 16/6 tới. Hiện người dân Ấn Độ đều có mong muốn chung là chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế của Ấn Ðộ trong thời gian tới./.

Trọng Đức (tổng hợp)