Nhà chiến lược quân sự tài năng, nhạy bén

Hà Nội (TTXVN 24/10/2023) Đại tướng Đoàn Khuê là người chỉ huy dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; trong hoàn cảnh gay go ác liệt như thế nào cũng động viên đồng chí, đồng đội tìm mọi cách vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Đại tướng Đoàn Khuê - nhà chỉ huy quân sự tài năng, sâu sát thực tiễn

Đất nước hoàn toàn được giải phóng, từ tháng 12 năm 1976 đến tháng 3 năm 1983, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, đồng chí đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giải quyết đúng mọi tình huống khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu nguồn gốc, tính chất hoạt động của lực lượng FULRO, kịp thời chuyển từ chủ trương “truy quét FULRO” thành “giải quyết vấn đề FULRO” với nhiều giải pháp đồng bộ về chính trị, quân sự, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để quân và dân ta tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân khu 5.

Mùa khô năm 1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari mở cuộc tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam. Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, trong 2 năm (1977-1978), đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo lực lượng vũ trang Quân khu tổ chức phòng ngự vững chắc, kịp thời giáng trả mọi hành động xâm lấn, gây hấn của địch. Cuối năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng phản công, tiến công chiến lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Quân khu 5 được giao đảm nhiệm một hướng chiến lược. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đoàn Khuê và Bộ Tư lệnh, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. 

Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tháng 4/1983, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; cuối năm 1986, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” , đồng chí đã chỉ đạo thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Với tác phong chỉ huy sâu sát, đồng chí đã đến nhiều mặt trận, trực tiếp kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ để cùng tập thể xác định phương án đánh địch tối ưu. Đồng chí luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện: “Chúng ta sang đây để giúp một dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng, chúng ta chỉ được phép dùng nước suối để ăn, củi rừng để đốt, hít thở không khí trên đất bạn, không ai được động đến cái kim, sợi chỉ của dân” . Mặc dù thời gian hoạt động trên đất Campuchia không dài, nhưng đồng chí Đoàn Khuê đã có những cống hiến xuất sắc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh cả một quốc gia - dân tộc; góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. 

* Nhà chiến lược quân sự nhạy bén

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) thông qua nghị quyết về đường lối đổi mới đất nước. Từ tháng 2/1987, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tiếp đó là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đoàn Khuê đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng chuyển thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trước sự khủng hoảng và tan rã của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xôviết ở Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đoàn Khuê đã tích cực đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp đúng, hiệu quả về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng chí đã đóng góp trí tuệ, tâm lực xây dựng Quân đội vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quân sự, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, về phương diện lý luận cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đồng chí đặc biệt coi trọng công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần và phẩm chất đạo đức cách mạng đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đồng chí nhấn mạnh: “Quân đội trước hết phải tinh nhuệ về mặt chính trị, về trí tuệ. Hiện đại quân đội không những về vũ khí trang bị, mà trước hết về con người”. Đồng chí đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch giảm quân số thường trực bảo đảm thực sự tinh nhuệ, hiện đại, cơ động, linh hoạt, phù hợp với sự điều chỉnh, bố trí chiến lược quân sự theo tư duy mới. Tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, đẩy mạnh xây dựng chính quy, sắp xếp lại hệ thống nhà trường, từng bước đại học hóa đội ngũ sĩ quan; quan tâm phát triển nền công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng bảo quản và sử dụng những cái hiện có, đồng thời cải tiến và hiện đại hóa một số phương tiện và vũ khí thật cần thiết .

Với tầm nhìn và tư duy sắc sảo của một nhà chính trị, quân sự được đào tạo, tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhạy bén trước bước chuyển của thời đại, đồng chí Đoàn Khuê đã chủ trì triển khai thực hiện xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc được xác định trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 30/7/1987 của Bộ Chính trị về “Nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo”; trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tăng cường củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ đầu đổi mới./.

[Nguồn: Bộ Quốc phòng]