Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1 trong số 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, Pháp. Đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Nhã nhạc là âm nhạc cung đình thời phong kiến, được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại (lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần…). Được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn, nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn. Triều Nguyễn đã đưa âm nhạc vào "giáo hóa" phong tục. Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Các vua triều Nguyễn tiếp nối truyền thống thường tổ chức các buổi hòa nhạc cung đình. Trong thời nhà Nguyễn, âm nhạc cung đình được dùng trong các dịp tế lễ: Tế Đại triều (2 tháng/lần), Thường triều (4 tháng/lần), lễ tế Nam Giao, Tịch điền, sinh nhật vua và hoàng hậu, lễ đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần...
Các nhạc khí có những thang âm khác nhau khi trang nhã, tiếng trong tiếng đục, tiếng nhặt, tiếng khoan, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư... Đặc biệt, trong tất cả các nhạc khí và nhạc cụ giá trị nhất của Việt Nam đều có mặt trong dàn nhạc cung đình triều Nguyễn, gắn với các tiết tấu phong phú và các bài bản có nội dung sâu sắc. Sự tập trung tất cả các nhạc cụ và khí nhạc như Đại nhạc gồm 42 nhạc cụ (20 trống, 8 minh ca, 4 tù và bằng sừng trâu, 4 sa la, 4 đại sa, 2 tù và bằng ốc biển); Tiểu nhạc gồm 8 nhạc cụ (1 trống bản, 1 tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 2 địch, 1 tam âm, 1 phách tiền); Huyền nhạc gồm 26 nhạc cụ (1 kiến cổ, 1 bác chung, 1 đại khánh, 1 bộ biên, 1 bác phụ...).
Dàn nhạc cung đình thường có quy mô lớn và các chủng loại phong phú với đầy đủ các chủng loại như Bộ nhạc cụ hơi (sáo, kèn...); bộ dây (đàn nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn tam...); bộ nhạc cụ màng rung (trống chiến, trống bảng, trống đại, trống bồng...); bộ nhạc cụ thể minh (chuông, xập xỏa, lục lạc, mõ sừng, sinh tiền, tam âm la, phách...).
Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Nhã nhạc Huế được lưu truyền trong đời sống nhân dân một cách rộng rãi với nhiều hình thức diễn xướng trong các lễ hội, các nghi thức truyền thống, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc. Trang nghiêm mà gần gũi, dân dã nên nhã nhạc Việt Nam được ưa thích, lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Nghe nhã nhạc ở trong Đại Nội Huế, cảm nhận sự trầm mặc của không gian nơi đây, cùng với ánh sáng mờ ảo, với những giai điệu giống như một sự gợi ý để người xem thả hồn vào quá khứ trong những suy tưởng về triều đại nhà Nguyễn, triều đại biết kế thừa truyền thống âm nhạc cung đình của các triều đại trước, phát triển rực rỡ, phong phú hơn cả về đề tài, thể loại và số lượng./.