Nhà thơ Vũ Đình Liên: Một tâm hồn thơ thiết tha, sâu lắng

Có những nhà thơ cả sự nghiệp cầm bút chỉ thực sự sáng tác và lưu danh với một tác phẩm nhưng đó là sự kết tinh đẹp đẽ nhất mà họ có được. Vũ Đình Liên và bài thơ “Ông đồ” là một trường hợp như thế. "Hai nguồn thi cảm lớn nhất của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ". Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét như vậy trong cuốn "Thi nhân Việt Nam".

Bức ảnh quý về Vũ Đình Liên đang ngồi xem ông đồ viết câu đối Tết, năm 1977. Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ Bùi Thanh Phương

Có thể nói, nhắc đến nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên, người ta nhớ ngay đến “Ông đồ” và chỉ bài thơ “Ông đồ” thôi cũng đã đủ tôn xưng ông là một nhà thơ lớn!
Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh ngày 12/11/1913, cách đây 110 năm.

* Vũ Đình Liên - Nhà thơ của sự hoài niệm

Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh ngày 12/11/1913 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở ấu thơ, Vũ Đình Liên là một học trò giỏi có tiếng ở đất Hà thành. Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường Tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám  năm 1945, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội. Vũ Đình Liên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên, năm 1991.

Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Vũ Đình Liên yêu thơ và làm thơ rất sớm, như trong một bài thơ ông viết: “Từ thuở mười ba thuộc Truyện Kiều/ Câu thơ tài mệnh bóng hình yêu/ Tú Xương ngày trước là tri kỷ/ Công Trứ cây thông cũng muốn trèo...”. Ông là nhà thơ có tâm hồn hoài cổ, nặng lòng với cảnh cũ người xưa, điều ấy phản ánh ở hầu hết trước tác của ông, đặc biệt là bài “Ông đồ” bất tử.

Ngoài bài thơ “Ông đồ”, ít ai biết Vũ Đình Liên còn có chùm thơ về người đàn bà điên gồm: Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Gặp lại người đàn bà điên và Người điên – Nàng điên. Ông cũng có một bài thơ tên là “Thân tàn ma dại”.

Các chủ đề về những con người nghèo khổ, tàn tạ, thuộc về một thời đã qua là lựa chọn chủ động của Vũ Đình Liên khi sáng tác, dù thơ ông được xếp vào phong trào Thơ Mới – nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

Chính ông tự nhận "Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại". Theo GS Hà Minh Đức, việc tự nhận như vậy là hành động tự tin, có bản lĩnh.

Cũng chính Vũ Đình Liên có những quyết định quyết liệt với chính mình. Ông ngừng làm thơ từ năm 1936 và giải thích lý do trong bức thư gửi Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam - vào năm 1941: "Tôi có cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình" và "Cũng vì tin thơ tôi không còn chút giá trị".

Nói vậy, nhưng Vũ Đình Liên vẫn yêu thơ và không dứt hẳn với thơ. Cống hiến lớn của ông đối với thi ca Việt Nam còn được nhắc đến trong bản dịch tập thơ "Những bông hoa ác" của đại thi hào Pháp Charles Baudelaire. Vũ Đình Liên mê thơ Baudelaire đến mức được bạn bè gọi là "Baude Liên".


Bức Ông đồ của Bùi Xuân Phái vẽ năm 1957. Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ Bùi Thanh Phương

* Ông đồ: Sự giao thoa giữa lòng thương người và tình hoài cổ

Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ có một nhận xét khá thú vị: Nếu chọn 10 nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới có thể chưa có tên Vũ Đình Liên, nhưng nếu chọn 10 bài thơ tiêu biểu của thời kỳ ấy thì ắt phải có "Ông đồ".

Sinh thời, thi sĩ Vũ Đình Liên cho biết ông viết bài thơ “Ông đồ” suốt hai cái Tết Nguyên đán năm 1935 - 1936 mới xong và đăng trên báo “Tinh Hoa”. Ông nói: “Tôi đi theo con đường riêng của tôi. Vào năm 1936, khi bài thơ “Ông đồ” trình làng, bạn bè văn chương bảo rằng tôi đã tìm được con đường riêng, chứ không phải đi theo con đường tiên, thế giới bồng lai của Thế Lữ. Con đường của tôi là tình thương của mọi người. Con đường tôi tìm gọi là mới ấy, thực ra lại là con đường truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ. Cho nên, bạn bè viết giới thiệu trên báo chí là nhà thơ của người nghèo, nhà thơ của nông dân, nhà thơ của tình thương”.

Cùng với "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Tống biệt hành" của Thâm Tâm, "Ông đồ" của Vũ Đình Liên nổi bật trong rừng Thơ Mới như thể những bức phù điêu ấn tượng đặt trên lối đi vào một gian trưng bày mà đa phần là các bức tranh lụa với cảnh trí mơ màng, êm dịu. Nó thuộc trong số những thi phẩm mà nhắc tới, dường như người yêu thơ nào cũng biết, cho dù họ có thể quên tên tác giả. Bao lần Bộ Giáo dục và Đào tạo thay sách văn học trong trường phổ thông, tác phẩm bất hủ đó vẫn được tuyển chọn, đủ biết sức sống tự thân của bài thơ “Ông đồ” đã trở thành biểu tượng văn hóa trong quá khứ mỗi độ xuân về.

Mở đầu thi phẩm, Vũ Đình Liên đã khắc họa một bức tranh mùa xuân ấm áp, quen thuộc, truyền thống, hài hòa giữa cảnh và người.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”

Cụm từ “hoa đào nở” là một tín hiệu đẹp đẽ báo hiệu xuân đã về. Đường phố hồng tươi sắc đào, hoa nối hoa, nụ nối nụ liên miên, rực rỡ, e ấp. Phố xá tấp nập người lại qua và ông đồ xuất hiện như một sự hiển nhiên, như một quy luật muôn đời “Lại thấy ông đồ già”. Chữ “già” một phần thể hiện tuổi tác của ông đồ mà một phần đưa ta về với miền xưa cũ, cổ kính, già cỗi của một nền văn hóa xa xưa: Thú vui chơi chữ. Ông đồ cùng “mực tàu giấy đỏ” trở nên rất đỗi thân quen.

Bức tranh mùa xuân với những sắc màu ấm áp, hòa trộn, quấn quýt: Sắc hồng của hoa đào, màu đỏ duyên dáng của giấy điệp, màu đen bí ẩn của mực tàu cùng mái tóc bạc phơ của ông đồ lay động trong gió xuân. Ông đồ trở thành nhân vật trung tâm của bức tranh nhộn nhịp, trong trẻo, truyền thống và ấm áp ấy.

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Giữa đám đông đông vui, nhộn nhịp của cảnh sang xuân, ông đồ là một nghệ sĩ đường phố lớn. Không còn đếm xuể “bao nhiêu người” xin chữ ông đồ nữa. Họ tôn vinh, ca ngợi “tấm tắc”, nhỏ to, gật gù tán thưởng. Bởi vì đứng cạnh ông đồ là đứng cạnh những vẻ đẹp văn hóa đã có từ nghìn năm.

Đáp lại tấm lòng công chúng, ông đồ đem tất cả tài năng của mình để thảo những nét như rồng bay phượng múa. Mỗi chữ của ông đồ có lúc nhẹ nhàng, uyển chuyển như “phượng múa’, có lúc mạnh mẽ, uy vũ như “rồng bay”.

Đến khổ thơ thứ ba, câu thơ chùng lại, chứa nỗi buồn thời cuộc. Xã hội đổi thay, lịch sử chuyển từ “Nho học” sang “Tây học”. Chữ Hán, chữ Nôm lùi bước trước chữ quốc ngữ ngày càng một phát triển.  Lối sống tân thời ăn chơi, buôn bán lấn át… Cũng dịp hoa đào nở, xuân về nhưng không rộn rang mà buồn buồn:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

Mượn cảnh, mượn vật vô tri vô giác để tỏ nỗi buồn của một lớp người… Trong tình đó ngoại cảnh, không gian như tô thêm cho một bức tranh não nề hơn:

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay"

Khổ thơ cuối để lại trong ta một nỗi niềm, một suy tư sâu  lắng hơn:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Không tìm thấy thân xác, nhà thơ cất lời hỏi tìm hồn. Hồn là cõi sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm khảm người Việt. Hai câu thơ đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát.

Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ – những lớp người đã trôi về một miền xa thẳm để rồi thi sĩ hỏi một cách xót xa: Hồn ở đâu bây giờ? Câu hỏi tu từ đặt ra như một lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, kết cấu đầu cuối tương ứng, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã lùi sâu vào dĩ vãng khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Hoài cổ nhưng không cũ. Hoài cổ nhưng bây giờ đọc lại chúng ta thấy thi sĩ Vũ Đình Liên vẫn mới mẻ, từ ngôn ngữ thơ đến tinh thần nhân ái, yêu nguồn cội, ước vọng bình yên, nhẹ nhàng cho cuộc đời này. Đó cũng là nỗi canh cánh cả đời của “ông đồ” Vũ Đình Liên./.

Diệp Ninh (tổng hợp)