Nhà văn Nguyên Hồng và những trang văn lấp lánh sự sống

Hà Nội (TTXVN 4/11/2023) Gần nửa thế kỷ cầm bút, Nguyên Hồng để lại di sản đồ sộ với gần 40 tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tiểu thuyết đến thơ, tiểu luận, hồi ký. Những trang viết của nhà văn Nguyên Hồng đầy ắp hiện thực của những người lao động nghèo khổ. Trái tim của nhà văn cùng nhịp đập với nhân vật của mình, với bạn đọc của mình, chính là điều kiện tiên quyết để làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm.

Nhà văn Nguyên Hồng sinh ra tại Nam Định. Sau khi gia đình lâm vào cảnh túng bấn, Nguyên Hồng bỏ học, theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Cuộc sống phố thị nơi đất khách quê người cơ cực và ngang trái trong các xóm thợ nghèo khiến Nguyên Hồng bức bối muốn viết, phải viết một cái gì đó. Sau hai lần gặp nhà thơ Thế Lữ, người được coi là lá cờ đầu trong phong trào Thơ mới và nhóm Tự lực văn đoàn, Nguyên Hồng tự tin và quyết tâm viết. Chỉ sau một năm ra Hải Phòng, Nguyên Hồng in truyện ngắn đầu tay “Linh hồn” (1936) và năm tiếp theo lại viết tiểu thuyết đầu tay “Bỉ vỏ” khi mới 19 tuổi.

Nhà văn Nguyên Hồng(1918 -1982)

* Những trang văn lấp lánh sự sống

Nguyên Hồng hiện diện rất sớm trên văn đàn Việt Nam và được mệnh danh là nhà văn của “những người khốn khổ”. Ông được các nhà phê bình đánh giá là “một tấm gương rất đẹp về sự gắn bó chặt chẽ giữa nghệ thuật và lao động”, “sinh ra từ môi trường lao động, tự rèn đúc thành chất người lao động, vì nhân dân lao động mà cặm cụi viết và viết không ngừng, không nghỉ, cho đến hơi thở cuối cùng”.

Giới nghiên cứu văn học dành cho Nguyên Hồng một tên gọi rất tình cảm, trân trọng là “Gorki của Việt Nam”. Theo nhà phê bình văn Bùi Việt Thắng, sự so sánh ví von này là rất xứng đáng, không phải vì số lượng tác phẩm Nguyên Hồng viết về nhân dân, mà vì tình cảm, vì cảm hứng, vì nhiệt tình, vì tinh thần bảo vệ nhân dân và hướng tới nhân dân. Và ngòi bút nào hướng tới nhân dân thì ngòi bút ấy sẽ có cơ hội trở lên vĩ đại và có thành tựu. Và Nguyên Hồng đã góp phần làm cho chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trước năm 1945 có những kết quả khả quan, thậm chí là mĩ mãn, trở thành một giai đoạn văn học cổ điển mà cho đến tận bây giờ, đến đầu thế kỷ XXI vẫn là một niềm mơ ước, một cái đích phấn đấu cho tất cả các nhà văn của chúng ta hiện nay.

Ngay từ những tác phẩm đầu tiên nhà văn Nguyên Hồng đã hướng về họ - những con người cùng khổ nhất trong xã hội thành thị Việt Nam đương thời. Với một bút pháp riêng, một phong cách riêng để tạo sức sống cho những đứa con tinh thần máu thịt của mình, Nguyên Hồng đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên từng trang viết, đặt vào tác phẩm “cả cuộc đời, trái tim và tâm hồn, nhường tất cả hơi sức, hy vọng và lòng tin”. Người ta bảo ông mọc rễ vào đời sống, ông ôm ấp đời sống, ông bao vây đời sống, ông trằn trọc với đời sống và tác phẩm của ông, người ta gọi là loại tác phẩm mà nó “ròng ròng sức sống”, có nghĩa là tác phẩm của Nguyên Hồng luôn luôn tươi nguyên chất sống, dạt dào chất sống, xum xuê các chi tiết, các sự kiện, các con người. Ông không cao đàm khoát luận và triết lý được nhuyễn vào trong hình tượng.

Đồng thời với viết sách, báo, nhà văn Nguyên Hồng tích cực tham gia Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng, được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Tô Hiệu giác ngộ cách mạng và từng bị Pháp bắt hai lần nhưng ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia viết văn, biên tập văn nghệ, phụ trách trường Bồi dưỡng viết văn trẻ và Ban văn học công nhân. Ông là người có công đầu thành lập tổ chức Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng từ năm 1946, trước Hà Nội hai năm.

* Và tác phẩm “Bỉ vỏ” để đời 

Nhà văn Nguyên Hồng (thứ 5 từ trái sang) với văn nghệ sĩ Quảng Ninh và cán bộ ngành Than (tháng 4/1982). Ảnh tư liệu

Chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng chủ đạo trong hầu hết tác phẩm của Nguyên Hồng. Kể cả khi viết về cái ác, cái xấu thì ngòi bút của ông bao giờ cũng chan chứa tình yêu thương con người và canh cánh một nỗi đau. Ông phản ánh quy trình hoàn lương của con người và phát hiện cái gọi là “thiên lương” trong những con người. Mặc dù họ bị đọa đày, rơi xuống tận cùng của xã hội, luôn dằn vặt, bị quăng quật, đau khổ và bất hạnh nhưng trong họ luôn toát lên những phẩm tính nhân văn, cao cả, cao thượng. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Tác phẩm là một bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn...

Người ta nói rằng mỗi nhà văn lớn thường có một tác phẩm để đời, những tác phẩm trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ, một tác phẩm đánh dấu cái đời văn của nhà văn ấy thì với Nguyên Hồng, tôi nghĩ đấy chính là tiểu thuyết “Bỉ vỏ”, cũng là tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng khi ông chỉ mới 18 tuổi. Và tác phẩm “Bỉ vỏ” trở thành một tác phẩm kinh điển, cổ điển, mẫu mực, rất khó bắt chước của nền văn học hiện đại Việt Nam. Và Nguyên Hồng xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Và di sản văn chương của ông, đặc biệt “Bỉ vỏ” là một mẫu mực về nghệ thuật tiểu thuyết và tiêu biểu về tinh thần nhân văn cao cả của nhà văn.

Một phong cách giàu cảm xúc. Một tình thương vừa mênh mông vừa thấm thía đối với nhiều lớp người lao khổ. Một bức tranh đời trước Cách mạng Tháng Tám với bao nỗi xót xa, cay đắng của con người; những tính cách nhân vật như muốn cưỡng lại các số phận. Một khát vọng hướng về cái thiện, và do vậy mà hướng về cách mạng như một lẽ phải tự nhiên... Có thể xem tất cả đó là những dấu ấn đặc sắc mà Nguyên Hồng đã để lại cho văn học Việt Nam thế kỷ XX sau gần 50 năm sáng tác.

Ngoài “Bỉ vỏ”, nhà văn Nguyên Hồng còn hoàn thành tiểu thuyết tự truyện “Những ngày thơ ấu”, tiểu thuyết “Cửa biển” 4 tập từ năm 1958 đến 1976. Thời điểm đó, “Cửa biển” đạt kỷ lục guiness Việt Nam là bộ tiểu thuyết có tính sử thi đầu tiên với không gian phản ánh rộng nhất, thời gian dài nhất, số trang, số tập lớn nhất về đề tài đấu tranh yêu nước cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Năm 1981, Nguyên Hồng cho xuất bản và hoàn thành bản thảo tập 2 của bộ tiểu thuyết 3 tập “Núi rừng Yên Thế” viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế.

Ngày 2/5/1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64.

Với những cống hiến quan trọng của ông cho nền văn chương nước nhà, Nguyên Hồng là một trong số 14 nhà văn Việt Nam vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.

Sự nghiệp của ông xứng đáng được trân trọng và ngợi ca.

* Truyện ngắn:

– Bảy Hựu (1941).

– Qua những màn tối (1942).

 – Hai dòng sữa (1943).

 – Miếng bánh (1945).

 – Địa ngục và lò lửa (1946 – 1961).

 – Dưới chân cầu Mây (1951).

 – Giọt máu (1956).

* Truyện vừa:

 – Vực thẳm (1944).

 – Ngọn lửa (1945).

 – Đêm giải phóng (1951).

 – Giữ thóc (1955).

 * Tiểu thuyết:

 – Bỉ vỏ (1938).

 – Cuộc sống (1942).

 – Quán nải (1943).

– Đàn chim non (1943).

 – Hơi thở tàn (1943).

 – Sóng gầm (1961).

 – Cửa biển (bộ 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976).

 – Sức sống của ngòi bút (1963).

 – Cơn bão đã đến (1963).

 – Thời kỳ đen tối (1973).

 – Khi đứa con ra đời (1976).

 – Thù nhà nợ nước (tập 1 trong bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế; 1981).

 – Núi rừng Yên thế (tập 2; 1993).

 – Tuyển tập Nguyên Hồng (ba tập, Tập 1: 1983; tập 2: 1984; tập 3: 1985).

 * Ký:

 – Những ngày thơ ấu  (đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940).

 – Đất nước yêu dấu (1949).

 – Bước đường viết văn của tôi (1971).

 – Một tuổi thơ văn (1973).

 – Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978).

* Thơ:

 – Trời xanh (1960).

 – Sông núi quê hương.

 – Cháu gái người mãi võ họ Hoa (truyện thiếu nhi; 1972). 

 


Phương Yến (tổng hợp)