Nhạc sĩ Thuận Yến - Cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Nhạc sĩThuận Yến

Hà Nội (TTXVN 23/5/2024) Cách đây 10 năm, ngày 24/5/2014, nhạc sĩ Thuận Yến, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã về với ánh hoàng hôn cuộc đời.

Nhạc sĩ Thuận Yến (1932-2014)

Mộc mạc mà sâu lắng, nồng nàn và tha thiết là những gì âm nhạc Thuận Yến neo vào lòng người, từ những ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến những ca khúc viết về người lính hay những bản tình ca đượm chất thơ. Dù sáng tác về đề tài nào, người ta vẫn thấy trước sau một Thuận Yến đằm thắm, lạc quan, gần gũi với phong cách âm nhạc đậm chất dân gian. Bởi, ông viết bằng cảm xúc, bằng tình yêu, sự từng trải, chiêm nghiệm và trái tim trọn vẹn dâng hiến.

*Nhạc sĩ Thuận Yến và chặng đường nghệ thuật hào hoa

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Tuổi thơ, cậu bé Hữu Công đã sống trong một “cái nôi” nuôi dưỡng âm nhạc một cách tự nhiên. Cha cậu, một ông giáo dạy chữ Nho biết chơi đàn bầu. 8 tuổi, cậu đã làm quen với âm nhạc cải lương, hát bội, hát bài chòi, âm nhạc nhà thờ Công giáo xứ Trà Kiệu. Cái làng nhỏ ấy nhiều người còn biết chơi đàn mandolin, hoặc hát hò khoan đối đáp… Tất cả thanh âm đó dường đã thổi vào trái tim nghệ sĩ một tình yêu say đắm với âm nhạc từ thuở thiếu thời.

Năm 1949, chàng thanh niên 17 tuổi Thuận Yến tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách ở Khu ủy Liên khu V. Chính những cuốn sách về âm nhạc trong kho sách ấy đã giúp người trai trẻ mày mò tự học và tập sáng tác.

Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, Thuận Yến đã có cả một cuộc đời vào sinh ra tử, vào Nam ra Bắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên mỗi bước đường hành quân, sự hy sinh anh dũng của đồng đội, khí thế hào hùng của quân ta, tình yêu và niềm kính trọng với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc là niềm cảm hứng vô tận để Thuận Yến viết nên những nốt nhạc bay bổng, những ca khúc bất hủ đã và sẽ sống mãi trong tâm trí công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ.

Hơn 70 năm trong nghề, gia sản âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến vô cùng đồ sộ. Cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Thuận Yến đã có 11 ca khúc viết về người mẹ Việt nam như: Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Người mẹ quê tôi, Lắng nghe con mẹ ru mẹ hát…23 ca khúc viết về người chiến sĩ như: Mỗi bước ta đi, Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ… 24 ca khúc viết về tình yêu như: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng, Đi trong hương Tràm… 41 ca khúc về đất nươc và các miền quê như: Hát mừng quê ta giải phóng, Ngũ Hành Sơn dáng đứng quê tôi, Hát trước tượng đài Quang Trung… 5 ca khúc về bạn bè quốc tế như: Tạm biệt Ap-xa-ra, Tôi nghe đàn Kô-tô, Phu-Xi ơi và 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, cho đến hiện tại, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với 26 ca khúc. Trong đó có những ca khúc: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác” đã ghi danh tên tuổi Thuận Yến vào nền âm nhạc dân tộc.

Không chỉ nổi tiếng trong ca khúc, nhạc sĩ Thuận Yến còn rất thành công với những tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp. Đó là sau khi trở lại miền Bắc theo học sáng tác Nhạc viện Hà Nội, ông đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc như: bản Sonate - “Tự nguyện”, giao hưởng - “Khúc ruột miền Trung”… Điều đó càng thể hiện trình độ, tài năng âm nhạc của người nghệ sĩ.

Trong suốt chặng đường sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, Thuận Yến đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, năm 1987 (“Vầng trăng Ba Ðình”); Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, năm 1994) (“Màu hoa đỏ”); Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Ðài Tiếng nói Việt Nam (“Chia tay hoàng hôn”). Đặc biệt, năm 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

* Người giữ kỷ lục có nhiều sáng tác hay về Bác Hồ

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thuận Yến đã dành phần lớn cho những tác phẩm tâm đắc nhất viết về Bác Hồ - vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Các ca khúc: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Người về thăm quê”... là tất cả tình cảm chứa chan của nhân dân đối với Bác mà nhạc sĩ Thuận Yến đã lắng nghe, cảm nhận, ghi chép trên khắp các ngả đường đất nước.

Chất nhạc của Thuận Yến thấm đẫm tính dân gian. Từng câu ví điệu hò miền Trung, chất chèo, ca trù nhấn nhá của miền Bắc và cái mênh mang trong điệu lý Nam Bộ đã hòa trộn trong các ca khúc viết về Bác Hồ, tạo nên một sắc thái riêng. Mỗi lần giai điệu “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam...” qua tiếng hát của NSND Thanh Hoa được cất lên, mọi thế hệ người Việt Nam đều không nén nổi nỗi xúc động nghẹn ngào. Ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” sáng tác năm 1979 dựa theo cảm xúc của nhạc sĩ Thuận Yến khi gặp Bác Hồ lần đầu vào năm 1966. Bài hát về một vị lãnh tụ nhưng nhẹ nhàng như một câu chuyện kể, đi sâu vào lòng người bằng giai điệu đẹp, êm dịu, mượt mà.

Nói về bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ: “Hầu hết các bài đã nổi tiếng đều nghiêng về việc ca ngợi công đức vị lãnh tụ ở những tầm rất cao siêu mang tính lý tưởng, khái quát. Tôi nghĩ tới việc khắc họa hình ảnh Bác gắn với đời thường, gần gũi với mọi người bình dân nhất. Tôi nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu: “Người là Cha là Bác là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Thế là bài Bác Hồ một tình yêu bao la ra đời”. Và đúng như mong muốn của ông, giai điệu ấy đã đi vào lòng quần chúng thật tự nhiên như những bài dân ca vốn đã quen thuộc bao đời.

Nếu “Bác Hồ một tình yêu bao la” là khúc hát ngợi ca đầy tình cảm với những ca từ da diết: “Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, thì “Miền Trung nhớ Bác” lại là khúc hồi tưởng về “trời miền Trung mưa tuôn, nắng cháy/ đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường/ để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương”... Không chỉ ca từ trau chuốt, gợi hình, gợi cảm, ở “Miền Trung nhớ Bác”, nhạc sĩ Thuận Yến còn sử dụng các làn điệu dân ca tạo độ thẳm sâu trong cảm xúc, làm nên một tác phẩm không còn chỉ đơn thuần là một bài hát mà nó giống như lời tâm sự nhớ thương của người dân miền Trung gửi đến Bác Hồ kính yêu.

Cũng với tình cảm thiêng liêng, sâu lắng, giản dị như vậy, nhạc sĩ Thuận Yến đã làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc qua hai bài hát “Người về thăm quê” và “Vầng trăng Ba Đình” bằng một ngôn ngữ âm nhạc thanh cao mang đầy âm hưởng dân gian, dân tộc.

Và với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là tác giả "Có nhiều sáng tác hay nhất về Bác Hồ”. Đặc biệt, trong chùm 5 ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001 đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” và “Miền Trung nhớ Bác”.

*Khắc khoải với những bản tình ca

Ngoài đề tài về Bác Hồ, nhạc sĩ Thuận Yến còn viết nhiều ca khúc về người lính, người mẹ và đặc biệt là tình ca. Hàng loạt ca khúc tình yêu của ông có sức sống bất tận, không bao giờ cũ, như những viên ngọc càng qua thời gian càng tỏa sáng. "Gửi em ở cuối sông Hồng", “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Khát vọng”, “Tình yêu không lời”, “Em tôi”, “Thì thầm với dòng sông” là những ca khúc chỉ nghe qua một lần là đã yêu, đã nhớ. Những ca khúc này của ông đã góp phần thổi bùng sự phát triển của nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, góp phần tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc Việt.

Nếu thời chiến tranh âm nhạc của Thuận Yến mang âm hưởng của tình yêu đất nước của một thời cuộc gian nan nhưng đầy khí phách, thì âm nhạc của ông ở thời bình lại thiết tha, đậm đà tình yêu đôi lứa, với đủ cung bậc cảm xúc, có niềm hạnh phúc, có nỗi buồn đau, thất vọng và khát khao. Những giai điệu đó không chỉ “chạm khắc tên ông vào thời gian” mà còn chạm khắc vào trái tim của người yêu nhạc nhẹ ở nhiều độ tuổi.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nhận định: "Vai trò của nhạc sĩ Thuận Yến trong âm nhạc Việt Nam rất quan trọng. Có thể nói, ông đã tạo nên một cơn bão lớn phủ lên toàn bộ đời sống âm nhạc nước ta những năm đầu thập niên 1990 khi bất ngờ công bố nhạc phẩm “Chia tay hoàng hôn”. Ca khúc không chỉ đánh dấu bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao của ca sĩ Thanh Lam (năm 1991) mà còn như một cú hích cuối cùng tạo sự bùng nổ dòng nhạc nhẹ".

Bài hát “Chia tay hoàng hồn” được viết năm 1968. Những ngày ngắn ngủi sau đám cưới nơi chiến trường khốc liệt, Thuận Yến phải chia tay vợ -  nghệ sĩ Thanh Hương phải trở về để điều trị bệnh khớp. Cuộc chia tay của đôi vợ chồng trẻ diễn ra ngay trên đường 9 Khe Sanh. Khi ấy, nhạc sĩ Thuận Yến không hề hay biết vợ đã mang trong mình giọt máu chung của hai người - đó chính là ca sĩ Thanh Lam. Cuộc chia tay không biết đến khi nào gặp lại diễn ra trong đầm đìa nước mắt. Giữa lúc xúc động, nhạc sĩ Thuận Yến nhớ đến câu thơ của Hoài Vũ để rồi ngay trong đêm ông đặt bút viết: "Anh phải về thôi xa em thôi/Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/Mà lời từ biệt chẳng lên môi".

Có thể nói, đây là tình khúc hay nhất của Thuận Yến và là một trong những tình khúc hay nhất của âm nhạc Việt Nam. Chính nhờ ca khúc này, mà sau này ca sĩ Thanh Lam đã bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991. Nồng nàn ở những đoạn dạo đầu chậm rãi, thủ thỉ nhưng cũng đầy dữ dội ở những đoạn cao trào, rồi mãnh liệt về sau: “Chia tay em chia tay hoàng hôn, chia tay em chia tay hoàng hôn”, Thanh Lam thực sự đốt cháy trái tim khán giả bằng tình yêu và nội lực mà cô phần nào thừa hưởng từ cha mình.

Thực ra, những bài “Khát vọng”, “Chia tay hoàng hôn”... đã được ca sĩ Bảo Yến, Cẩm Vân thể hiện trước đó, nhưng phải đến Thanh Lam thì bài hát mới thực sự được hoàn thiện. Cá tính mạnh mẽ, dữ dội, chất giọng đặc biệt, lại có sự đồng cảm, đồng điệu, Thanh Lam đã hát hết mình những ca khúc của người cha như thể không bao giờ hát được nữa.

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, cống hiến cho nghệ thuật nhưng trong mắt NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ ông và hai người con Thanh Lam và Trí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến là một người chồng yêu vợ, một người cha đau đáu và luôn hy sinh vì con cái. Trong đời sống thường nhật, ông cũng để lại những ấn tượng khó phai với đồng nghiệp về một con người có nhân cách, một nhạc sĩ tài hoa, khiêm nhường, luôn biết vượt lên mình để không ngừng sáng tạo.

Đi qua 83 mùa xuân, nhạc sĩ Thuận Yến đã trọn bổn phận làm người ở đời, dâng hiến và thành công. Cái tên nhạc sĩ Thuận Yến sẽ còn sống mãi với thời gian và đất nước này với những tác phẩm ông để lại./.

Diệp Ninh (tổng hợp)