Nhân Thủ tướng Mông Cổ thăm chính thức Việt Nam: Bước phát triển mới trong quan hệ truyền thống Việt Nam-Mông Cổ
Hà Nội (TTXVN 2/10/2002)
Nhận lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng nước Mông Cổ kiêm Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ N.ên-khơ-bai-a và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 2-5/10/2002. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Mông Cổ đến Việt Nam kể từ năm 1979.
Đất nước Mông Cổ nằm ở vùng Trung Á, khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, lạnh kéo dài. Mông Cổ có khoảng 2,5 triệu dân, nhưng diện tích rộng gần 1,6 triệu km2, trong đó phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên và đồi núi. Là đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, Mông Cổ có nhiều đồng, than đá, vàng, vonfram, thiếc, mỏ dầu và nhiều loại khoáng sản quý khác. Nền kinh tế Mông Cổ chủ yếu dựa vào chăn nuôi đồng cỏ, khai khoáng và công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, Mông Cổ đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 3-3,7%, có đàn gia súc khoảng 33,3 triệu con. Mỗi năm Mông Cổ khai thác khoảng 10-12 tấn vàng. Mặt hàng xuất khẩu chính của Mông Cổ là đồng, vàng, da, lông mịn và mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm dầu lửa và hàng tiêu dùng. Đến nay, có khoảng 1000 công ty của trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Mông Cổ với khoảng 250 triệu USD, chiếm khoảng 20% viện trợ cho vay của nước ngoài. Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào Mông Cổ (25%), tiếp theo là Nhật Bản (23%), Nga (9%), Hàn Quốc (7%), Mỹ (6%)... Nhật Bản là nước viện trợ nhân đạo nhiều nhất cho Mông Cổ.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Mông Cổ chú trọng tăng cường quan hệ với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, khôi phục và phát triển quan hệ truyền thống với các nước XHCN cũ, tham gia tích cực và có hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và chuyên môn của Liên hợp quốc. Tháng 1/1997 Mông Cổ đã trở thành thành viên chính thức của WTO, tháng 5/1998 trở thành thành viên của ARF và đang tích cực phấn đấu gia nhập APEC.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954. Hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và nhiều hiệp định quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật... Trong những năm chiến tranh, nhân dân Mông Cổ đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quí báu. Đáp lại, Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn khảo sát, thiết kế cầu treo, trồng thử lúa cạn, sửa chữa nhà cửa, phục chế các di tích lịch sử... Hai bên còn trao đổi nhiều đoàn chuyên gia khảo sát và xúc tiến hợp tác liên doanh trên một số lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng như dược liệu, gốm, thủ công mỹ nghệ... Những năm gần đây, Việt Nam đã hỗ trợ Mông Cổ trong việc khắc phục thiên tai, hỏa hoạn và bước đầu đã đầu tư vào Mông Cổ trong lĩnh vực láp ráp điện tử. Hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ và phối hợp quan điểm trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao như: Tổng thống Mông Cổ Ochirbat thăm chính thức Việt Nam tháng 3/1994, ký Tuyên bố chung Việt Nam - Mông Cổ; Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Mông Cổ tháng 5/1995, ký tắt Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ, ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy thăm hữu nghị Mông Cổ tháng 9/1997 và từ ngày 31/8-5/9/1997, Bí thư Đảng NDCM Mông Cổ Enkhtuvshin đã thăm Việt Nam.
Tháng 11/1998, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ R.Gonchigdorj thăm Việt Nam. Tháng 10/1999 trên đường thăm các nước Bắc Âu trở về, Thủ tướng Phan Văn Khải ghé thăm Mông Cổ. Tháng 4/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Mông Cổ, ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Mông Cổ và các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hỗ trợ tư pháp về dân sự, gia đình và lãnh sự. Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ L.Erdenechulun thăm chính thức Việt Nam tháng 7/2001...
Tháng 5/1996, Ủy ban Liên chính phủ đã họp lần thứ 8 sau 7 năm gián đoạn. Hai bên đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về hợp tác hàng không. Tại Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban họp tháng 12/1999, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại, Hiệp định về điều kiện đi lại giữa công dân hai nước, Hiệp định về hợp tác giữa Đài phát thanh và truyền hình trung ương Việt Nam và Đài truyền hình quốc gia Mông Cổ. Ngày 22-26/10/2001 Kỳ họp thứ 10 được tiến hành tại thủ đô Ulan-bato, ký Hiệp định hợp tác về giáo dục, Hiệp định kiểm dịch động vật và thú y. Hai bên cũng đã ký Hiệp định giữa hai Bộ Văn hóa trong dịp Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ thăm Việt Nam tháng 7/2001. Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, song còn hạn chế do khó khăn về giao thông vận tải.
Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có và sự quan tâm của lãnh đạo, nhân dân hai nước trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng N.ên-khơ-bai-a là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước bàn biện pháp triển khai các thỏa thuận đã đạt được cũng như các Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 và thứ 10 Ủy ban liên chính phủ hai nước (tháng 12/1999 và tháng 10/2001), nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ phát triển lên một bước mới cả trên phương diện song phương và đa phương./.
Nguyễn Thị Sự