Nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (ngày 5 và 6/11/2015): Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII Nguyễn Phú Trọng
    • Tổng Bí thư của Đảng từ 12/1997 đến 4/2001 Lê Khả Phiêu
    • Tổng Bí thư của Đảng khóa IX, X; Chủ tịch Quốc hội (9/1997 - 6/2001)Nông Đức Mạnh
    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa VIII, IX; Chủ tịch nước (1997-2006)Trần Đức Lương

Hà Nội (TTXVN 2/11/2015) Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng quan hệ Việt - Trung không ngừng được củng cố, phát triển, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của cả khu vực. Đặc biệt, từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt - Trung đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai nước đã ký nhiều Hiệp định cấp Chính phủ và các văn kiện hợp tác khác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trong tổng thể đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu, nhất quán và lâu dài. Việt Nam coi sự phát triển hòa bình của Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam và ngược lại hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng nhất định là cơ hội cho Trung Quốc.

* Quan hệ chính trị - ngoại giao

Các cuộc gặp gỡ, giao lưu và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên, là động lực quan trọng nhằm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực, tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết ổn thỏa tranh chấp, bất đồng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Trong dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc tháng 12/2000, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hóa phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí phát triển "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm 16 chữ là: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt là: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (tháng 11/2006) và đã tiến hành 8 phiên họp (phiên thứ 8 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 6/2015). Hợp tác trao đổi đoàn ở trung ương và địa phương giữa hai nước ngày càng tăng. Hàng năm, hai bên trao đổi trên 200 đoàn ở cấp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đoàn thể quần chúng, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Hợp tác giữa hai Đảng tiếp tục được duy trì. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng. Hai bên đã tổ chức 11 cuộc Hội thảo lý luận nhằm trao đổi kinh nghiệm cũng như thực tiễn về xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Hội thảo lần thứ 11 diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào tháng 6/2015.

Năm 2015, hai nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

* Hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư

Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung (tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 10/2015). Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam đầu tiên tại Trùng Khánh, vào tháng 5/2015.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2014, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc  trong ASEAN (chỉ sau Malaysia). Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 58,87 tỷ USD, tăng 17,16% so với năm 2013. Tuy nhiên, Việt Nam đang nhập siêu mạnh từ Trung Quốc ở mức 28,96 tỷ USD, tăng 21,95 % so với cùng kỳ năm 2013.

9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 49,16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất khẩu 12,44%, nhập khẩu 36,72 tỷ USD, nhập siêu 24,27 tỷ USD tăng 21,08% so với cùng kỳ. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2017.

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước có bước phát triển mới. Tính đến tháng 9/2015, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai bên đã tiến hành cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng (tháng 6/2015, tại Bắc Kinh); Phiên họp lần thứ nhất cấp Bộ trýởng Nhóm Công tác hợp tác về cõ sở hạ tầng (tại Bắc Kinh, tháng 10/2015) và cuộc họp lần thứ nhất Nhóm công tác hợp tác về tài chính tiền tệ (tháng 7-2015, tại Hà Nội).

* Hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch

Trong những năm qua, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa-thể thao được đẩy mạnh.

Hàng năm, Trung Quốc cung cấp 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường Đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ (học tiếng Việt), du lịch và kinh doanh.

Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2013-2015” (ký nhân Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung); tích cực thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực di sản văn hóa, nguồn nhân lực…. Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hoá, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả “Thoả thuận về hợp tác Thể dục thể thao”.

Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đón 1,94 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2013. 9 tháng đầu năm 2015 có hơn 1,26 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Hai bên cũng mở thêm nhiều tuyến bay (thuê bao) chủ yếu từ Thâm Quyến, Trùng Khánh, Thượng Hải, Hàng Châu đi Đà Nẵng...

* Về biên giới lãnh thổ

Sau khi bình thường hoá quan hệ, năm 1993, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông).

Đến nay, hai bên đã ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (năm 1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2004).

Đặc biệt với sự nỗ lực của hai bên, công tác phân giới trên bộ đã hoàn thành vào ngày 31/12/2008. Hai bên đã công bố Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu có hiệu lực từ ngày 14/7/2010. Hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán về Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và vòng 5 Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (tháng 10/2015, tại Hà Nội), để rà soát văn bản, chuẩn bị cho việc sớm ký chính thức hai Hiệp định này.

* Về vấn đề biển Đông: Hai bên duy trì các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2015), hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay./. 

Hoàng Yến (tổng hợp)