Nhìn lại một năm cuộc xung đột Nga-Ukraine

Hà Nội (TTXVN 23/2/2023) Ngày 24/2/2023 đánh dấu mốc tròn một năm kể từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Một năm qua, cục diện địa chính trị toàn cầu đã ghi nhận rất nhiều biến chuyển. Mỗi bên tham gia đều đặt ra những mục tiêu chiến lược của riêng mình song việc tìm cách hiện thực hóa các mục tiêu ấy ẩn chứa những rủi ro và hệ lụy khó lường. Cuộc xung đột này cũng đã kéo theo rất nhiều tác động về mọi mặt đối với thế giới, từ kinh tế, năng lượng đến an ninh lương thực…

* Biến động địa chính trị
Các nhà lãnh đạo G20 tham dự hội nghị ở Indonesia năm 2022. Ảnh: EPA

Ngày 24/2/2022, hai ngày sau khi tuyên bố công nhận chủ quyền của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Song trên thực tế, chiến dịch quân sự của Nga không chỉ giới hạn ở khu vực miền Đông Ukraine mà đã lan ra toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Một năm kể từ khi nổ ra xung đột (ngày 24/2/2022), tình hình thực địa cũng như chính trị an ninh toàn cầu giờ đã có những thay đổi cơ bản.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc nhiều nước phải xem xét, điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng. Nhiều quốc gia, trong đó có Gruzia, Ukraine và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này cũng nhanh chóng trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia vốn giữ vị thế trung lập và theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập niên qua, cũng đã thay đổi lập trường, bắt đầu tiến trình trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình gia nhập khối này.

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng đã khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các lệnh trừng phạt này không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà chính các nước áp đặt trừng phạt cũng đã chịu những hậu quả khó lường.

Trong khi đó, trên thực địa, xung đột Nga-Ukraine ngày một khốc liệt hơn khi vũ khí được các phương Tây liên tục gửi đến cho Ukraine. Sự sốt sắng của liên minh phương Tây nhằm tăng cường hỗ trợ về quân sự cho Ukraine được thể hiện rõ tại hội nghị an ninh Munich lần thứ 59 vừa diễn ra từ ngày 17 đến 19/2/2023. Tại đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua cầu truyền hình đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp cho nước này các vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu hiện đại, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng như nhiều nhà lãnh đạo phương Tây khác khuyến khích các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Vào thời điểm đánh dấu mốc một năm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/2/2022-2023), ngoài hội nghị an ninh Munich, thế giới cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận động Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine; Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị thăm châu Âu và có chuyến thăm Nga nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đúng vào dịp Tổng thống Mỹ thăm Ba Lan để thảo luận về các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine và củng cố sức mạnh đồng minh ở sườn phía Đông của NATO.

Những chuyến công du “chằng chéo” phần nào cho thấy, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn không ngừng kêu gọi gia tăng các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine song song với việc tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Về phía Nga, Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2/2023, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Ông nhấn mạnh Moskva đã làm mọi cách có thể để giải quyết vấn đề (ở Ukraine) bằng các biện pháp hòa bình. Với sự kiên nhẫn, Nga đang thương lượng một cách hòa bình để thoát khỏi xung đột khó khăn hiện nay nhưng một kịch bản hoàn toàn khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Theo đó, Moskva sẽ quyết định từng bước các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông nêu rõ điều này là do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga với mục tiêu gây “thất bại chiến lược cho Nga”.

* Tác động sâu sắc đến kinh tế-xã hội

Biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ trong mùa Đông đã giúp các nước châu Âu tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Ảnh: Shell/TTXVN

Cuộc xung đột Nga-Ukraine trong một năm qua đã gây ra những tác động sâu sắc đến các mặt của đời sống quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và lương thực toàn cầu.

Do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu, nguồn cung năng lượng đang trong tình trạng biến động trên toàn thế giới. Cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Trước khi xung đột diễn ra, châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Đáng nói hơn, khoảng 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu. Thế nên, bất kỳ một đòn trừng phạt nào mà châu Âu nhằm lĩnh vực năng lượng của Nga đều có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường, đặc biệt thiệt phần thua thiệt có thể còn nhiều hơn về phía các quốc gia châu Âu.

Một năm qua, thị trường năng lượng thế giới luôn rơi vào tình trạng bấp bênh. Từ ngày 5/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu ngoài khơi từ Nga (như dầu diesel, xăng và nhiên liệu cho máy bay phản lực). Biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển vốn có hiệu lực từ tháng 12/2022. Nga đánh giá lệnh cấm vận của phương Tây đối với việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu của Nga là một quyết định tiêu cực, có thể dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng thế giới. Trong khi các nhà phân tích cho rằng, biện pháp cấm vận của EU có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời gây thêm nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế thế giới.

Giá dầu diesel vốn đã tăng cao kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát 1 năm trước, được dự báo có thể tiếp tục tăng sau những động thái mới của EU. Nguồn cung từ Nga bị hạn chế, châu Âu phải tăng nhập khẩu dầu diesel từ châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển dài hơn và nhu cầu cao hơn đối với các tàu chở dầu nhiên liệu vào châu Âu, đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển đang tăng lên, làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng. Lệnh cấm của EU cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng chuỗi cung ứng có thể gián đoạn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm của EU có thể sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn so với biện pháp cấm dầu thô trước đó và các thị trường sẽ thêm hoảng loạn.

Không những thế, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cộng với những biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa các bên trong năm qua đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Bởi, cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Về thị trường ngũ cốc, Ukraine và Nga đều thuộc top 3 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2018, Ukraine là nhà sản xuất ngô lớn thứ 5 thế giới, nhà sản xuất kiều mạch lớn thứ 3, nhà sản xuất hướng dương hàng đầu. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2/2022), Ukraine đã ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mì cho một số nước láng giềng đến tháng 6/2022. Nhưng chưa hết, Nga lại là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và nước này đã cho tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi dịch vụ vận chuyển ra vào nước Nga được khôi phục.

Sự sụt giảm các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine sau xung đột với Nga vào cuối tháng 2/2022 đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu sau những tác động của đại dịch COVID-19 và các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chỉ tạm lắng khi Nga và Ukraine đồng ý tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 7/2022). Đến tháng 11/2022, thỏa thuận này tiếp tục được gia hạn thêm 120 ngày.

Việc nối lại đầy đủ hoạt động của các tàu chở lúa mỳ, lúa mạch, đậu nành và dầu hướng dương đã giúp giá các mặt hàng thực phẩm toàn cầu lắng dịu, sau khi đã đạt đỉnh vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, khi ngày gia hạn của Sáng kiến đang đến gần (ngày 18/3/2023), việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận đang gặp phải nhiều thách thức. Bởi Moskva nhiều lần đã đưa ra cảnh báo việc gia hạn thỏa thuận trên là “không phù hợp” trừ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga phải được gỡ bỏ và các vấn đề liên quan khác phải được giải quyết. Điều này cho thấy việc tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào sau ngày 18/3 tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, xung đột kéo dài tại Ukraine đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có khoảng 7,9 triệu người đang tìm kiếm chốn dung thân ở các nước châu Âu. Trong khi đó, ở ngay tại đất nước Ukraine, có khoảng 5,91 triệu người, 65% trong số họ là phụ nữ và trẻ em gái phải sống tị nạn. Việc phá hủy và đóng cửa trường học do xung đột tại Ukraine cũng được dự báo sẽ có tác động lâu dài đến trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính có khoảng 5,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học đã bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 3,6 triệu trẻ nghỉ học do các cơ sở giáo dục phải đóng cửa sớm.

                                                                       ***

Xung đột ở Ukraine đã tác động lớn đến cục diện địa chính trị trên thế giới. Ảnh: Reuters

Cho đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn tuyên bố sẽ theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho tới khi nào hoàn thành các mục tiêu mà Tổng thống Putin đề ra và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Ukraine. Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục hỗ trợ, cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này dự báo cuộc xung đột ở Ukraine chưa thể sớm kết thúc.

Đối với Nga và Ukraine, dù cuộc chiến có kết thúc như thế nào đi nữa cũng đều để lại những tổn thất cho cả đôi bên. Tuy nhiên, bên cạnh những tổn thất có thể đo đếm được, xung đột luôn để lại những vết sẹo vô hình, đó là những nỗi ám ảnh về tâm lý, những mất mát mà không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Ngay cả khi cuộc xung đột đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán thì có một thực tế chắc chắn rằng, cả Nga, Ukraine và cộng đồng thế giới đều không mong muốn cuộc chiến này kéo dài vô tận. Đó cũng chính là thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, sẵn sàng hỗ trợ các bên chấm dứt xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế./.

        Trọng Đức (tổng hợp)