Những ca khúc "đi cùng năm tháng" ca ngợi Đảng quang vinh

Hà Nội (TTXVN 2/2/2024) Kể từ khi thành lập, qua mỗi chặng đường lịch sử, với mục tiêu đem lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng luôn gắn bó mật thiết với mọi người dân Việt Nam. Trước sứ mệnh cao cả ấy, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc "đi cùng năm tháng" ca ngợi Đảng quang vinh.

Tiết mục "Ba Đình nắng" do Nghệ sỹ nhân dân Tạ Minh Tâm thể hiện. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tấm lòng với Đảng, lòng tin với Đảng được khơi sáng ở ngọn nguồn cảm xúc trong văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng - đặc biệt ở mảng ca khúc, một phương cách truyền tải âm nhạc mang tính cộng đồng rất hiệu quả.

Bằng con đường lan tỏa âm nhạc, những lời ca về Đảng đã đến với chiến sĩ cách mạng, nhân dân bắt đầu từ những ca khúc dạng “chính ca” như Chào mừng Đảng lao động Việt Nam (Đỗ Minh), Dưới cờ Đảng vẻ vang (Lưu Hữu Phước), Vững bước dưới cờ Đảng (Phạm Đình Sáu), Tiến bước dưới cờ Đảng (Văn Ký), Dâng Đảng quang vinh (La Thăng), Từ khi có Đảng (Nguyễn Xuân Khoát), Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên)...

Ra đời trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ca khúc “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” (sau đổi tên thành “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” ) viết năm 1951, của nhạc sĩ Đỗ Minh được giới chuyên môn đánh giá là một trong những ca khúc viết về Đảng hay nhất, có sức khái quát cao nhất và được phổ biến sâu rộng nhất: “Vừng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên/ Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới/ Ngàn triệu dân siết tay nhau đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, khối kết đoàn Công Nông bền vững”. Lý tưởng, khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết cộng sản đã hội tụ thành lời ca khúc. Từ đó đến nay đã 71 năm, bài hát của nhạc sĩ Đỗ Minh vẫn tràn đầy sức sống mãnh liệt, luôn vang lên trong trái tim mỗi đảng viên ở các kỳ Đại hội và ngân vang trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Và hơn 90 năm qua, Đảng như “vừng trời Đông, ánh hồng tươi sáng” để hàng triệu người dân siết chặt tay nhau tạo nên khối kết đoàn bền vững…

Nhiều nhạc sĩ đã dành cả tâm hồn, tài năng nghệ thuật sáng tác các ca khúc thể hiện tình Đảng tình dân gắn bó trong những chặng đường đấu tranh gian khổ và anh dũng. Tiêu biểu trong số này là các bài “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, từng được thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn là một trong 10 ca khúc viết về Đảng hay nhất. Ca khúc được viết năm 1960 khi Đảng ta tròn 30 tuổi. Bài hát như một lời reo vui của toàn dân tộc khi được sống trong mùa xuân đất nước do Đảng kính yêu đem lại - mùa xuân ước vọng, của những khát khao, những mơ ước mới đã thành sự thật: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”.  Mùa xuân ấy đã “xua đi màn đêm chiến tranh gieo bao khổ đau. Cuộc đời từ nay sẽ sáng tươi như mùa xuân”. Thấm nhuần điều đó, toàn dân đã nguyện “Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”. Mùa xuân của đất trời cũng là mùa xuân của dân tộc, hòa quyện làm một, tạo cảm hứng cho nhạc sĩ có những sáng tác bất hủ, sống mãi với thời gian. Trong Giải thưởng Nhà nước mà nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao tặng năm 2001 cho 5 ca khúc, có bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.

Tiết mục "Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam" do Khánh Ngọc trình bày. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Nếu như “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” là tiếng reo vui, thì ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại thể hiện lòng biết ơn Đảng ở góc độ khác. Từ lời thơ của Louis Aragon, qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có thêm một bài hát để đời, ca ngợi công lao của Đảng đã giác ngộ ý chí, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam: “Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà, Đảng của tôi ơi cám ơn người dạy dỗ”. Và hơn cả là “Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nói được xúc cảm của mình qua bài “Màu cờ tôi yêu”. Ông đã viết “Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi, búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Và khẳng định “Trong đêm tối, giữa mưa sa, màu cờ đỏ vẫn chói lòa hồn tôi” để rồi tự  hào “ôi màu cờ ấy là lời tình yêu”.

Cũng viết về Đảng, song cảm hứng của nhạc sĩ Văn An xuất phát từ hình ảnh “Lá cờ đỏ búa liềm”. Theo nhạc sĩ Văn An, ca khúc “Lá cờ Đảng” của ông là cảm xúc từ trong trái tim với một lòng yêu mến Đảng tha thiết chứ không phải viết trong một cuộc vận động sáng tác hay cổ vũ cho phong trào nào đó. Vì vậy, ca khúc đã để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe bởi tính chân thật, chứa đựng tình cảm bao la của nhân dân ta dành cho Đảng. “Lá cờ Đảng” ra đời năm 1975 khi đất nước vừa thống nhất. Ca khúc vừa chứa đựng niềm tự hào về lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, vừa tự hào về tương lai tươi sáng của dân tộc kể từ khi có Đảng. “Lá cờ Đảng” còn thể hiện lòng biết ơn và niềm tin của nhân dân về ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của Đảng, người từng vượt qua mọi chông gai, thử thách để đưa phong trào cách mạng Việt Nam tới thành công qua lời ca hào sảng, phơi phới niềm vui và tin tưởng: “Đất nước bốn nghìn năm ôi tự hào biết mấy/Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/Đảng ta đó hân hoan một niềm tin...”.

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn lại có cách thể hiện lòng kính yêu Đảng rất riêng qua ca khúc “Đảng là cuộc sống của tôi”. “Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió”. Những ngày đầu tiên chập chững mò mẫm chưa tìm được hướng đi, “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, như biển khơi biết đâu là bờ…” thì lúc này “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao giữa trời tối đêm mịt mùng”. Bằng niềm tin chứa chan vào con đường mà Đảng đã chọn, ông đã thốt lên “Đảng của tôi ơi, mãi mãi ơn Người”.

Những bài hát về Đảng đều có giai điệu đằm thắm, thiết tha với ngôn ngữ âm nhạc được các tác giả chắt lọc, tìm tòi, tạo nên những hiệu quả cảm xúc sâu đậm. Đó là “Đường ta đi có ánh mặt trời” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “Như hoa hướng dương” của nhạc sĩ Tô Vũ, “Biết mấy tự hào Việt Nam Tổ quốc ta” của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, “Lá cờ Đảng” của nhạc sĩ Trần Hoàn và “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sĩ Thanh Phúc …

Một số nhạc sĩ đã hướng cảm xúc đến những hình tượng khác, từ đó gián tiếp ca ngợi Đảng. Đó là trường hợp nhạc sĩ Hồ Bắc với “Hát dưới cây đào Tô Hiệu”. Ca khúc sâu lắng, giản dị như một tưởng niệm của những thế hệ quây quần bên cây đào Tô Hiệu - người con ưu tú của Đảng trồng năm xưa. Cây đào là biểu tượng công lao của Đảng đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn người.

Không chỉ dành cho người lớn, những ca khúc viết về Đảng còn hướng đến đối tượng thiếu nhi. Trong bài hát “Đảng là mùa xuân của em”, nhạc sĩ Xuân Giao đã thay lời thiếu nhi Việt Nam khẳng định: Nếu em là mầm non, thì Đảng là ánh nắng, nắng bình minh chiếu sáng mầm non sẽ thành cây xanh. Nếu em là nụ xinh, Đảng là mùa xuân ấm. Mùa xuân cho nhựa sống nụ xinh sẽ nở thành hoa.

Còn trong ca khúc “Em là mầm non của Đảng”, nhạc sĩ Mộng Lân lại viết:“Em là búp măng non em lớn lên trong mùa Cách mạng. Sướng vui có Đảng tiền phong, có Đảng như ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương, cuộc đời ngàn năm bừng sáng...”. Bằng giọng điệu trẻ thơ, hồn nhiên, trong sáng, các bài hát thể hiện tình cảm của thế hệ măng non với Đảng, nguyện tiếp bước ông cha, tự hào vững tin đi theo lá cờ Đảng quang vinh.

Đảng đã trở thành linh hồn của dân tộc, biểu tượng đẹp vô ngần trong cảm quan, trong tim nhiều thế hệ nhạc sĩ. Cảm hứng sáng tác dạt dào đã truyền đi lửa ấm cho bao thế hệ ca sĩ, nên những khúc ca có tuổi đời lớn hơn ca sĩ vẫn được những người trẻ thể hiện rất thành công./.

Phương Ninh (tổng hợp)