Những dấu ấn của Đại tướng Đoàn Khuê với Khu 5
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 27/10/2023) Đại tướng Đoàn Khuê gắn bó với Khu 5 gần một phần ba thế kỷ từ thời làm Chính trị viên trường Lục quân Quảng Ngãi rồi làm Chính ủy nhiều trung đoàn và khi kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp là Phó Chính ủy Sư đoàn 305. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, ông được cử trở lại chiến trường với cương vị Phó Chính ủy Quân khu. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập các sư đoàn chủ lực Quân khu 5. Khu 5 trở thành địa phương "đi đầu diệt Mỹ" với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng.
* Trong chỉ đạo, chỉ huy Trung đoàn 108 tiến công tiêu diệt cứ điểm then chốt Măng Đen của thực dân Pháp
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng chí Đoàn Khuê được Đảng, Quân đội giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Liên khu 5. Đặc biệt, trong thời gian từ năm 1948 đến 1954, trên cương vị Chính ủy, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108 - đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Đoàn Khuê đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Đồng chí Đoàn Khuê đã cùng ban chỉ huy các trung đoàn đẩy mạnh kết hợp công tác chính trị và quân sự; kịp thời chỉ đạo các trung đoàn tổ chức các khóa huấn luyện cấp tốc, đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội dân quân, du kích... góp phần rèn luyện, xây dựng đội ngũ này ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên địa bàn. Đồng thời, đồng chí cùng với ban chỉ huy các trung đoàn chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.
Một trong những dấu ấn của đồng chí Đoàn Khuê ở chiến trường Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp là chỉ đạo, chỉ huy Trung đoàn 108 tiến công tiêu diệt Măng Đen - cứ điểm then chốt trong tuyến phòng thủ của thực dân Pháp ở Bắc Tây Nguyên (ngày 27 và 28/1/1954).
Đây là trận công kiên gặp nhiều khó khăn, song với tác phong sâu sát và tài năng chính trị, quân sự song toàn, đồng chí đã trực tiếp có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất để nắm tình hình, động viên bộ đội và cùng Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định chuyển hướng thứ yếu thành hướng chủ yếu. Đó là một quyết định táo bạo, nhưng chính xác, kịp thời, gây ra bất ngờ cho quân địch, làm cho chúng không kịp trở tay và phải chịu thất bại. Tên tuổi đồng chí Đoàn Khuê-Chính ủy Trung đoàn 108 đã gắn liền với chiến thắng Măng Đen trong thời kỳ chống Pháp.
* Tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đầu năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Khu 5 trở thành trọng điểm địch đánh phá ác liệt, có vùng “trắng đất, trắng dân”. Trước tình hình đó, đồng chí Đoàn Khuê được điều động từ Quân khu 4 vào chiến trường Khu 5 và gắn bó với chiến trường này cho đến ngày đất nước thống nhất. Trong thời gian ở chiến trường Khu 5 ác liệt, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Phó chính ủy Quân khu 5, Phó bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên.
Bằng tài năng và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí luôn coi trọng công tác giáo dục, động viên sức mạnh chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, đồng chí đã cùng với Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân nêu cao quyết tâm, quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Với ý chí quyết tâm cao độ và tài mưu lược, tinh thần dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, đồng chí đã vận dụng đúng phương châm “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, càng đánh, càng mạnh, góp phần cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy quân và dân Khu 5 giành nhiều thắng lợi to lớn. Các hoạt động quân sự trên địa bàn Khu 5, nhất là Phong trào “Phá ấp chiến lược” những năm 1963-1964, đã góp phần xoay chuyển được cục diện chiến trường, tạo được những điều kiện thuận lợi để đánh thắng địch lớn hơn.
Trong chỉ đạo, thực hiện chủ trương xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” và phát động Phong trào thi đua giành danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, đồng chí Đoàn Khuê đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhanh chóng hình thành các “Vành đai diệt Mỹ” ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, bao quanh, áp sát các căn cứ của địch, tạo thế đan xen, cài răng lược, vây hãm chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận chiến tranh du kích của ta ở Khu 5. Trên cơ sở đối tượng tác chiến mới, đồng chí Đoàn Khuê và Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 kịp thời giải quyết tốt vấn đề chiến thuật, tư tưởng cho LLVT; chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức những trận đánh nổi tiếng đi vào lịch sử, như: Vạn Tường (8/1965), Bàu Bàng-Dầu Tiếng, Plei Me (tháng 10 và 11/1965), Đồng Dương (cuối năm 1965), Xuân Sơn (1966)...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trước tình thế yếu tố bất ngờ không còn, địch tổ chức phản công quyết liệt, tháng 3/1968, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng với Bộ tư lệnh Quân khu 5 kịp thời chỉ đạo sử dụng một lực lượng nhỏ tiếp tục đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, giữ vững thế trận. Nhờ đó, Quân khu 5 đã hạn chế được những tổn thất, giữ vững được thế trận sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Sau Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973), đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đánh địch, giữ vững vùng giải phóng. Trong trận Nông Sơn-Trung Phước (tháng 7/1974), đồng chí Đoàn Khuê chỉ đạo thực hiện thắng lợi chiến thuật “bao vây đánh lấn, tiến công dứt điểm”, tạo thế và lực mới cho ta trên chiến trường Khu 5 trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng tập thể Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 xử trí kịp thời nhiều tình huống phức tạp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Giải quyết hiệu quả các tình huống khó khăn, phức tạp sau ngày đất nước được giải phóng
Đất nước hoàn toàn được giải phóng, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5 (từ tháng 12/1976 đến tháng 3/1983), đồng chí Đoàn Khuê đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giải quyết hiệu quả các tình huống khó khăn, phức tạp.
Đặc biệt, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu nguồn gốc, tính chất hoạt động của lực lượng Fulro, kịp thời chuyển từ chủ trương “truy quét Fulro” thành “giải quyết vấn đề Fulro” với nhiều giải pháp đồng bộ về chính trị, quân sự, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để quân và dân ta tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Quân khu 5. Đây là chỉ đạo mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định, góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu của kẻ địch, từng bước củng cố tình hình an ninh chính trị trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Mùa khô năm 1977, Pol Pot-Ieng Sary mở cuộc tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam. Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, trong hai năm (1977-1978), đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo lực lượng vũ trang Quân khu tổ chức phòng ngự vững chắc, kịp thời giáng trả mọi hành động gây hấn, xâm lấn của địch. Cuối năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng phản công, tiến công chiến lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Quân khu 5 được giao đảm nhiệm một hướng chiến lược. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đoàn Khuê và Bộ Tư lệnh, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng./.
Phương Anh (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Đại tướng Đoàn Khuê
- Khu 5