Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951-25/2/1952)

      Nhân vật liên quan

      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; Đại tướngNguyễn Chí Thanh
      • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa III, IV, V; Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng (1974-1981)Hoàng Văn Thái

Tháng 11/1951, thực dân Pháp tập trung một lực lượng lớn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hoà Bình nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược; mở rộng khu chiếm đóng, bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và các Liên khu 3, 4; tiêu diệt một bộ phận chủ lực và phá sự chuẩn bị tiến công Thu - Đông của ta. Cuộc tiến công do tướng Xalăng - Phó Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy.

Ngày 9/11/1951, thực dân Pháp sử dụng 3 binh đoàn cơ động (GM1, GM2, GM3), 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt kích mở cuộc hành quân Tuylip (Tuylipe) đánh chiếm khu vực Chợ Bến.

Ngày 14/11/1951, thực dân Pháp tăng cường thêm 2 binh đoàn cơ động (GM4, GM7), 3 tiểu đoàn dù, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 2 đại đội xe tăng mở tiếp cuộc hành quân Lôtuyt (Lotus) đánh chiếm thị xã Hoà Bình, đường 6, Ba Vì. Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, thực dân Pháp để lại 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội và 1 trung đội xe tăng tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: phân khu Sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và phân khu Hoà Bình - Đường 6 (khu Nam); ngoài ra, có phân khu Chợ Ben là tiền đồn phía Đông bảo vệ Hoà Bình. Toàn bộ hệ thống phòng ngự gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ; mỗi cứ điểm có 1-2 đại đội bộ binh, nơi quan trọng (Pheo, Đồng Ben, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông, Tu Vũ...) có tới 3-4 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo, 1 trung đội xe tăng. Địch tổ chức sục sạo quanh vị trí chiếm đóng và tiến công thăm dò lực lượng của ta ở vùng Hưng Hoá, Chợ Bờ, Thu Cúc - Lai Đồng, phía Nam Ao Trạch.

Đánh giá tình hình và âm mưu địch, ngày 18/11/1951, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Quân ủy nhận định: đánh ra Hoà Bình, địch đã phân tán lực lượng cơ động ra một địa hình rừng núi hiểm trở, binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ bị dàn mỏng và tương đối sơ hở. Đây là một cơ hội hiếm có để ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Từ nhận định trên, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công lớn trên hai mặt trận: tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hoà Bình; đồng thời đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu ở Đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Bộ Chính trị quyết định tổ chức Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hoà Bình, gồm: Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tham mưu trưởng Thiếu tướng Hoàng Văn Thái; Chủ nhiệm chính trị kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Nguyễn Chí Thanh. Lực lượng tham gia chiến dịch trên mặt trận chính, gồm: 3 Đại đoàn bộ binh (308, 312, 304) và Đại đoàn Công pháo 351. Trên mặt trận phối hợp, 2 Đại đoàn bộ binh 316, 320 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở Trung du và Đồng bằng sông Hồng cùng các lực lượng tại chỗ tiến công địch, diệt tề trừ gian, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích.

Tại mặt trận Hoà Bình, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị: 2 Đại đoàn 308, 312 tiến công trên hướng chủ yếu, phá vỡ tuyến phòng ngự sông Đà của địch; Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 102) ở tả ngạn sông Đà, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân viện trên sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hoà Bình; Đại đoàn 312 ở hữu ngạn, diệt cứ điểm Chẹ, đánh quân viện trên đường từ Sơn Tây đi Đá Chông và từ Đá Chông đến Chẹ; Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu của chiến dịch, kiềm chế địch ở thị xã Hoà Bình và đánh địch trên đường 6; Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) làm lực lượng dự bị dừng chân ở Cổ Tiết (phía Nam thị xã Phú Thọ) cùng Lực lượng vũ trang địa phương Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét ở khu vực Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hoá, đường 2. Cách đánh chiến dịch được xác định là đánh điểm diệt viện, kết hợp đánh địch trong công sự với đánh địch vận động càn quét hoặc tăng viện, ứng cứu bằng đường bộ, đường sông, đường không, sẵn sàng đánh địch rút chạy.

Chiến dịch diễn ra trên địa bàn từ Xuân Mai đến thị xã Hoà Bình và từ thị xã Hoà Bình đến Trung Hà là vùng rừng núi sát với đồng bằng, có 2 dãy núi cao (Ba Vì 1.296 m; Viên Nam 1.029 m); có 3 trục đường lớn, phương tiện cơ giới hoạt động được (6, 87, 89); sông Đà rộng 400-500m, sâu 5-8m, tàu nhỏ đi lại dễ dàng. Về bảo đảm hậu cần, các ban cung cấp tiền phương ở phía Bắc và Nam Hoà Bình huy động 27 xe quân sự, trên 1.000 thuyền lớn, nhỏ, 20.000 dân công bảo đảm tiếp tế cho bộ đội, gần 3.000 đạn dược, trên 6.000 tấn lương thực, thực phẩm trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Chiến dịch diễn ra 3 đợt.

 

Đợt 1 (từ ngày 10 đến 26/12/1951), tập trung đột phá tuyến sông Đà. Ngày 9/12/1951, phát hiện chủ lực ta vượt sông Đà sang hữu ngạn, địch điều Binh đoàn Cơ động 4 càn quét vùng Ba Vì, Yên Lê, Làng Chúc, đường 87. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 312 hoãn đánh cứ điểm Chẹ, chuyển sang đánh địch đi càn; Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Tu Vũ theo kế hoạch.

Sáng ngày 10/12/1951, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) vận động đến Ninh Mít chặn đánh địch càn vào Làng Chúc, diệt 2 đại đội. Ngày 11 và 12/12/1951, cùng Lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục đánh địch ở Gốc Bộp, điểm cao 306, đoạn Trung Thượng - Hạm Giá trên đường 87, diệt 4 đại đội bộ binh và 1 trung đội cơ giới, buộc địch phải kết thúc cuộc càn, rút chạy về Trung Hà (ngày 14/12/1951).

23 giờ đêm ngày 10/12/1951, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được tăng cường 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 36, 8 khẩu sơn pháo 75 mm, 1 Đại đội trọng liên 12,7 mm tiến công cứ điểm Tu Vũ, một vị trí quan trọng trên tuyến phòng ngự sông Đà. Đến 5 giờ sáng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Kết quả, ta diệt 158 tên địch, bắt 12 tên địch, phá hủy 3 xe tăng, 5 pháo, thu nhiều vũ khí, trang bị, song bộ đội ta cũng bị thương vong nhiều (hơn 600 người) chủ yếu do đạn pháo địch. Trận đánh làm rung chuyển tuyến phòng ngự sông Đà của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thắng lợi (xem thêm Trận Tu Vũ, ngày 10 và 11/12/1951).

Mất Tu Vũ, thực dân Pháp cố mở thông tuyến sông Đà. Sáng ngày 11/12/1951, thực dân Pháp cho một đoàn ca nô từ Trung Hà lên, bị Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) của ta phục kích bắn chìm 1 chiếc. Chiều ngày 11/12/1951, một đoàn ca nô khác của thực dân Pháp từ thị xã Hoà Bình xuống cũng bị Tiểu đoàn 16 (Trung đoàn 141, Đại đoàn 312) phục kích ở Lạc Song bắn chìm 1 chiếc, bắt 15 tên địch.

Trên hướng thứ yếu, đầu tháng 12/1951, Đại đoàn 304 đã tới phía Nam đường 6. Ngày 12/12/1951, Trung đoàn 66 phục kích trên đoạn đường từ cầu Dụ đến hang Đá; Tiểu đoàn 322 (Trung đoàn 9) cùng 1 Trung đội địa phương Hoà Bình phục kích ở Giang Mỗ, diệt 1 đại đội Âu - Phi, phá huỷ 5 xe quân sự. Trong trận này xuất hiện gương chiến đấu mưu trí diệt xe tăng địch của đồng chí Cù Chính Lan. Ngày 15/12/1951, địch cho 2 đại đội vào xóm Bãi Be (Cao Phong) càn quét, bị Tiểu đoàn Đinh Công Niết (bộ đội địa phương tỉnh Hoà Bình) chặn đánh tại Xóm Máu - điểm cao 585 - diệt và bắt trên 100 tên địch.

Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong trận Tu Vũ

Ở mặt trận địch hậu, phối hợp với chiến dịch tiến công Hoà Bình, các Đại đoàn 316, 320 đã cùng các Lực lượng vũ trang địa phương tiến công rộng khắp, giành thắng lợi lớn, nhất là ở Lương Tài, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình)... khiến địch phải rút quân cơ động từ Hoà Bình về đối phó. Khi bị ta uy hiếp mạnh ở Hoà Bình, địch phải bỏ dở cuộc càn ở địch hậu để điều quân về ứng cứu.

Ngày 26/12/1951, đợt 1 chiến dịch Hoà Bình kết thúc. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 10 đại đội địch, bắn chìm 7 ca nô, tàu, xuồng, cắt đứt tuyến sông Đà, uy hiếp đường 6, đồng thời đánh mạnh trong địch hậu, khiến địch đối phó bị động, lúng túng giữa hai mặt trận.

Xét thấy ở khu vực sông Đà - Ba Vì ta vẫn còn điều kiện đánh điểm diệt viện, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định vẫn lấy phân khu sông Đà - Ba Vì làm hướng chủ yếu; trên hướng đường 6 đấy mạnh hoạt động quấy rối, đánh điểm nhỏ, diệt viện nhỏ, phá giao thông, tiếp tế của địch. Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 88) được tăng cường 2 Tiểu đoàn cùa Đại đoàn 312 đảm nhiệm tiêu diệt cứ điểm Đá Chông, đánh viện trên sông Đà và đường 87. Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 209) được tăng cường Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304) tiêu diệt địch ở điểm cao 600 và cứ điểm Chẹ, đánh viện trên đường Mĩ Khê - Ba Vì; Đại đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 66) tiếp tục hoạt động trên đường 6.

Đợt 2 (từ ngày 27 đến ngày 31/12/1951), phát triển tiến công phá vỡ phòng tuyến sông Đà. Đêm ngày 29/12/1951, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) bí mật tập kích các điểm cao 400, 600 (Ba Vì) diệt và bắt gần 200 tên địch, nhưng bỏ lỡ cơ hội diệt quân địch mới chiếm lĩnh điểm cao 218. Ngày 30/12/1951, địch điều 2 binh đoàn cơ động 1, 3 lên chiếm lại điểm cao 600; đưa các binh đoàn cơ động 4, 7 càn quét vùng Ba Trại và phía Bắc Ba Vì. Tình hình địch có thay đổi, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định hoãn đánh các cứ điếm Đá Chông, Chẹ. Trên hướng đường 6, hai Trung đoàn 57 và 9 (Đại đoàn 304) tiến công các cứ điểm Đồi Mồi (ngày 28/12/1951), Hàn Voi (ngày 30/12/1951) nhưng đều không thành công, bị thương vong nhiều do đạn pháo địch. Trong thời gian này, ở mặt trận địch hậu ta tiếp tục hoạt động mạnh, tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt, chặn đánh nhiều cuộc càn lớn của địch, giữ vững và mở rộng các khu du kích.

Đợt 2 chiến dịch kết thúc sau 5 ngày chiến đấu. Ở khu vực Ba Vì, ta đánh các điểm cao 400, 600, đạt hiệu suất cao nhưng còn bỏ lỡ cơ hội diệt địch ngoài công sự; các trận đánh điểm trên đường 6 do chuẩn bị thiếu chu đáo nên không thành công. Về phía địch, tuy đã điều thêm 2 binh đoàn cơ động (3, 7) từ đồng bằng lên tăng viện nhưng không khai thông được tuyến sông Đà, đường 6 vẫn bị uy hiếp, thị xã Hoà Bình bị cô lập. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định: địch sẽ phải rút lực lượng từ sông Đà về đường 6 và cuối cùng sẽ phải rút chạy khỏi Hoà Bình. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu xuống đường 6, đồng thời tiếp tục khống chế vận chuyển của địch trên sông Đà, vây chặt địch trong thị xã Hoà Bình và sẵn sàng đánh địch rút chạy. Đại đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 66 đảm nhiệm đánh địch ở phía Bắc đường 6, tiêu diệt các cứ điểm Pheo, Đầm Huống; Đại đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 66) phụ trách khu vực phía Nam đường 6; Đại đoàn 312 phụ trách khu vực Chẹ, Đá Chông.

Đợt 3 (từ ngày 7 đến ngày 25/1/1952), cắt đường 6, đánh địch rút chạy. Đêm ngày 7/1/1952, Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm Pheo (phía Bắc thị xã Hoà Bình 6 km) - một vị trí quan trọng trên tuyến đường 6 do 1 tiểu đoàn lê dương, 1 đại đội pháo binh, 1 trung đội xe tăng đóng giữ. Sau khi nổ súng, do hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh không chặt nên các mũi đột phá của ta gặp khó khăn, bị pháo binh, xe tăng địch bắn chặn không phát triển được, thương vong lớn phải lui quân (xem Trận Pheo, ngày 7 và 8/1/1952), Trung đoàn 66 tiến công vị trí Đầm Huống cũng không thành công. Cùng ngày, Trung đoàn 36 sử dụng 2 Tiểu đoàn 80, 84 bí mật đột nhập thị xã Hoà Bình tiêu diệt 4 vị trí Đồi Cháy, Đồi Rè, Khuỷu, Rậm và 1 trận địa pháo địch ở khu kiểm lâm, phá hủy 4 khẩu 105 mm.

Bị đánh mạnh tại đường 6 và thị xã Hoà Bình, ngày 8/1/1952, địch rút toàn bộ lực lượng ở tuyến sông Đà về giải vây cho thị xã và mở thông đường 6. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ trương tiếp tục cắt đường 6, bao vây thị xã Hoà Binh, tổ chức nhiều trận đánh nhỏ tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, tác chiến kết hợp với phá hoại, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch rút lui. Từ ngày 9/1/1952, ta hoạt động mạnh và rộng khắp trên tuyến đường 6, tổ chức nhiều trận phục kích nhỏ và phá cầu, đường từ Phương Lâm đến Đồng Bến.

Máy bay Pháp bị bản cháy trong chiến dịch Hòa Bình

Ngày 21/1/1952, địch điều 11 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh rải ra đóng thêm nhiều vị trí từ Ao Trạch đến Hàm Voi. Ta tiếp tục bám địch, trong vòng 30 ngày đánh trên 10 trận vừa và nhỏ, diệt gần 10 đại đội Âu - Phi, phá huỷ 6 xe quân sự (có 1 xe tăng), bắn rơi 5 máy bay.

Ngày 27/1/1952, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định: địch sẽ rút khỏi Hoà Bình và chỉ đạo cơ quan tham mưu lập kế hoạch đánh địch rút chạy. Đại đoàn 308 được phối thuộc Trung đoàn 209 phụ trách khu vực từ thị xã Hoà Bình đến Ao Trạch; Đại đoàn 312 được phối thuộc Trung đoàn 102 phụ trách đoạn Pheo - Ao Trạch; Đại đoàn 304 phụ trách đoạn Ao Trạch - Xuân Mai và đưa 1 Trung đoàn vào hoạt động ở vùng Chợ Cháy, Xuân Mai, Mai Lĩnh.

Bị bao vây cô lập ở Hoà Bình lại bị đánh mạnh ở đồng bằng, từ ngày 23/2/1952, thực dân Pháp bắt đầu rút quân khỏi Hoà Bình theo cách cuốn chiếu. Trung đoàn 36 được lệnh đánh địch nhưng bị máy bay, pháo binh địch bắn chặn quyết liệt nên vận động đến chậm, chỉ diệt được một bộ phận. Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm Pheo khi địch vừa rút khỏi, chỉ dùng hoả lực bắn đuổi, diệt được một số. Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304) xuất kích kịp thời chặn đánh địch từ Ao Trạch rút về Đồng Bãi, diệt gần 2 đại đội. Nhìn chung, việc đánh địch rút lui không đạt kết quả mong muốn, phần lớn quân địch chạy thoát về Xuân Mai. Ngày 25/2/1952, Chiến dịch Hòa Bình kết thúc.

Sau hơn 2 tháng chiến đấu, ở mặt trận Hoà Bình, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; bắn rơi 9 máy bay; bắn chìm 17 tàu, xuồng; phá huỷ 12 pháo và hơn 200 xe quân sự, thu 24 pháo và gần 800 súng các loại; giải phóng khu vực Hoà Bình - sông Đà, giữ vững đường giao thông chiến lược giữa Việt Bắc và các Liên khu 3, 4; đập tan âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược, mở rộng vùng chiếm đóng và lập “Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp. Ở mặt trận địch hậu, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 15.000 tên địch, thu 6.000 súng các loại, mở rộng nhiều khu du kích và căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm, phối hợp và hỗ trợ cho mặt trận chính Hoà Bình giành thắng lợi. Sự chỉ đạo phối hợp có hiệu quả giữa hai mặt trận là yếu tố quyết định trực tiếp thắng lợi của chiến dịch.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã đánh giá đúng địch, chọn hướng tiến công chính xác và kịp thời chuyển hướng cho phù hợp với tình hình mới; nắm vững và kiên trì vận dụng phương châm đánh điểm diệt viện, tập trung đánh giao thông trên sông, trên bộ, khoét sâu khó khăn của địch về vận tải tiếp tế, dồn địch vào thế bị bao vây, cô lập; tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp, bảo đảm chiến đấu liên tục, dài ngày. Tuy nhiên, trong tổ chức, điều hành chiến dịch cũng bộc lộ những nhược điểm, thiếu sót, nổi lên là tác phong chỉ huy thiếu chu đáo, cụ thể, khiến một số trận đánh điểm không thành công, thương vong cao, bỏ lỡ nhiều thời cơ đánh địch vận động và không thực hiện được việc tiêu diệt nhiều quân địch rút chạy. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường chính Bắc Bộ, có lợi cho ta và đưa nghệ thuật chiến dịch Việt Nam phát triển lên một bước mới cao hơn.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)