Quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế

Hà Nội (TTXVN 18/4/2024) 4 ngày sau cuộc tập kích quy mô lớn bằng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV) của Iran nhằm vào Israel rạng sáng ngày 14/4/2024, đến nay, cả Israel và Iran vẫn đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cảnh báo nhằm vào nhau. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

 

* Israel và Iran tiếp tục cảnh báo lẫn nhau

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Đêm ngày 13/4/2024, Iran đã phóng hơn 300 thiết bị bay không người lái và tên lửa vào Israel để đáp trả cuộc không kích mà Tehran cho là Israel tấn công tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Syria (ngày 1/4) khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 tướng lĩnh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Khi đó, các lực lượng của Israel và đồng minh đã bắn hạ phần lớn vũ khí và cuộc tấn công chỉ gây ra thiệt hại nhỏ.

Sau những động thái trên, cục diện căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục bị đẩy cao khi cả Israel và Iran liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn mang nội dung đe dọa và cảnh báo nhằm vào nhau.

Song song với việc duy trì cảnh giác cao độ, Nội các chiến tranh của Israel đã họp để xem xét các kế hoạch quân sự đáp trả cũng như cân nhắc các phương án ngoại giao khác. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi ngày 15/4 tuyên bố nước này sẽ đáp trả vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran. Dù chưa có thêm bước đi nào song đến nay cả giới chính trị và tướng lĩnh quân đội Israel liên tiếp khẳng định, việc tấn công đáp trả vào Iran là không thể tránh khỏi.

Israel triệu tập Nội các chiến tranh ngày 14/4/2024. Ảnh: TTXVN phát

Người phát ngôn Quân đội Israel (IDF) Daniel Hagari ngày 16/4 tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran. Người phát ngôn này nêu rõ Israel sẽ chọn thời điểm, địa điểm và cách thức đáp trả.

Bộ Ngoại giao Israel còn kêu gọi 32 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như chương trình tên lửa của Iran. Chia sẻ trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz cho biết bên cạnh phản ứng quân sự, Israel cũng thực hiện các biện pháp ngoại giao đối với Iran, theo đó gửi thư tới 32 quốc gia và thảo luận với ngoại trưởng cũng như các nhân vật hàng đầu trên thế giới, kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dự án tên lửa của Iran và IRGC.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình hình, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa từ nửa đêm ngày 14/4. Các biện pháp gồm  lệnh cấm các trường học và cơ sở giáo dục hoạt động và cấm tụ tập ngoài trời, vốn được áp dụng trước cuộc tấn công của Iran đêm ngày 13/4.

Về phần mình, giới chức Iran tiếp tục khẳng định, nước này không muốn leo thang căng thẳng, nhưng sẵn sàng đáp trả không khoan nhượng mọi hành vi gây hấn mới từ Israel và đồng minh. Quan điểm này được Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu bật trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani nhấn mạnh tại cuộc họp báo ở Tehran. Trong đó, quan chức Ngoại giao Iran khẳng định rằng, đòn giáng trả tiếp theo của nước này với bất kỳ cuộc gây hấn mới nào của Israel sẽ là ngay tức thì trong giây lát.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran ngày 14/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 16/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng khẳng định Tehran không theo đuổi việc gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh rằng Iran sẽ luôn là một phần quan trọng cho sự ổn định và an ninh bền vững trong khu vực. Ông cũng khẳng định cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran nhằm vào Israel nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Về phần mình, Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi tiếp tục duy trì hợp tác giữa hai nước trong vấn đề Palestine, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Gaza và sự nghiệp của người Palestine.

* Cần kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa, hàng đầu) phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ về căng thẳng Iran-Israel, tại New York (Mỹ) ngày 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trước thái độ cứng rắn của cả hai phía, dư luận khu vực cũng như quốc tế lo ngại một cuộc tấn công trả đũa gây hậu quả nghiêm trọng của Israel vào Iran có thể làm bùng phát một cuộc xung đột toàn diện nhấn chìm cả khu vực Trung Đông. Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Ngày 16/4, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “hạ nhiệt ngay lập tức” các hành động thù địch tại Trung Đông. Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp ngày 14/4 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng cảnh báo Trung Đông đang bên bờ sụp đổ và giờ là lúc các bên phải lùi lại một bước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/4 đã kêu gọi Israel “cân nhắc thận trọng và có chiến lược” trước khi đưa ra phản ứng vì có thể khiến xung đột lan rộng. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby tuyên bố, Mỹ không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran.

Nga bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực Trung Đông sau vụ tấn công của Iran, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, căng thẳng tiếp tục leo thang không có lợi cho bên nào và mọi bất đồng nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ cố gắng thuyết phục Israel không trả đũa Iran, tránh leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 16/4 đã kêu gọi các bên bình tĩnh, đồng thời nhấn mạnh rằng sự leo thang đáng kể sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở Trung Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Amir-Abdollahian ngày 15/4 đã bày tỏ hy vọng Tehran có thể xử lý tốt tình hình và tránh cho khu vực thêm bất ổn.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 20/3/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 15/4 cho rằng khu vực Trung Đông đang đứng "trên bờ vực" và kêu gọi giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran. Theo ông Borell, Israel sẽ có phản ứng trước cuộc không kích chưa từng có của Iran nhằm vào Nhà nước Do Thái, song hy vọng phản ứng đó sẽ không khiến cẳng thẳng leo thang.

Các nước trong khu vực cũng bày tỏ quan ngại trước chiều hướng leo thang quân sự gần đây ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có của Iran vào lãnh thổ Israel; coi đó là “hậu quả nghiêm trọng và tiềm tàng”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa. Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những nỗ lực ngoại giao chung để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình…

Có thể thấy rõ, “lò lửa” Trung Đông đang hầm hập nóng. Chưa rõ, Israel sẽ có các biện pháp đáp trả Iran hay không, song các nhà quan sát cho rằng, giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza hiện đã bước sang tháng thứ 7, căng thẳng giữa Israel và Iran có nguy cơ biến thành một cuộc đối đầu trực tiếp, gây ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực Trung Đông. Do đó, điều cần thiết là cả hai bên phải tránh leo thang lớn hoặc ít nhất là kiềm chế các hành động thiếu tính toán. Nhưng ngay cả khi họ đã làm được điều đó trong giai đoạn này, thì việc cuộc xung đột giữa Hamas-Israel ở Gaza chưa kết thúc vẫn đang đẩy Trung Đông đến "bên bờ vực", một kịch bản thảm khốc trong đó tất cả đều là bên thua cuộc./.

Trọng Đức (tổng hợp)