SEA Games 32: Những dấu ấn đáng nhớ
Hà Nội (TTXVN 17/5/2023)
Sau hơn hai tuần tranh tài, SEA Games 32 đã chính thức khép lại với lễ bế mạc ấn tượng chiều ngày 17/5/2022 tại sân vận động quốc gia Morodok Techo, thủ đô Phnom Penh, Campuchia. SEA Games 32 đã ghi những dấu ấn đậm nét của nước chủ nhà Campuchia để tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng trong lần đầu tiên đảm nhận cương vị chủ nhà.
Tham gia SEA Games 32 với nỗ lực, khát khao của từng vận động viên tại mọi nội dung tranh tài, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành nhiều thành công và để lại nhiều ấn tượng đẹp tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực này.
* Những dấu ấn khó quên từ Campuchia
Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) là một sự kiện thể thao lớn của khu vực, được tổ chức 2 năm/1 lần với sự tham gia của các vận động viên thuộc 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.
SEA Games 32 là sự kiện thể thao quy mô khu vực do Campuchia lần đầu tiên đăng cai tổ chức, thu hút hơn 12.400 thành viên các đoàn thể thao đến từ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Timor Leste tham dự, tham gia tranh tài ở 37 môn thể thao với 581 nội dung.
Với khẩu hiệu "Thể thao - Sống trong hòa bình”, SEA Games 32 chính thức tranh tài từ ngày 5 đến 17/5 ở nhiều sân vận động, khu vực thi đấu tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep.
Tại SEA Games 32, các vận động viên thi đấu ở 37 bộ môn với 586 nội dung (trong đó có Teqball là môn trình diễn và không tranh huy chương). Ban tổ chức đã chuẩn bị 5.151 huy chương các loại để trao cho các vận động viên đạt thành tích cao ở các nội dung của từng môn thể thao tại SEA Games 32.
Lần đầu tiên tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực, Campuchia đã rất nỗ lực để tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng trong lần đầu tiên đảm nhận cương vị chủ nhà. Đây là sự kiện thể thao lịch sử sau 64 năm chờ đợi của người dân Campuchia. Nước chủ nhà đã có sự đầu tư kỹ càng về cơ sở hạ tầng thi đấu. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã quyết định miễn phí vé vào xem toàn bộ các môn thi đấu, miễn phí ăn, ở, đi lại với 11 đoàn thể thao cũng như miễn phí dịch vụ y tế và cấp cứu tại kỳ đại hội thể thao lần này.
Điều gây ấn tượng trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế có lẽ chính là lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32 mang đậm dấu ấn về hình ảnh đất nước và con người Campuchia, lan tỏa tinh thần của kỳ đại hội là “Sport - Live in Peace” (Thể thao - sống trong hòa bình). Trong đó, lễ khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, thu hút hơn 70.000 người tham dự, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với lãnh đạo các nước, khách mời và công chúng, cũng như truyền thông khu vực và quốc tế. Đây là một bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn, mang đậm dấu ấn văn hóa của nước chủ nhà.
Theo nhà sử học Sorn Samnang, công tác tổ chức SEA Games 32 của Campuchia đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả quốc tế khi đan xen trong đó những yếu tố lịch sử và văn hóa. Lễ khai mạc SEA Games 32 đã mang lại góc nhìn tích cực về lịch sử và xã hội Campuchia, khi bắt đầu với màn trình diễn lấy bối cảnh từ thời Nokor Kork Thlok, được xem là thời kỳ khởi thủy của lịch sử quốc gia Đông Nam Á.
Trong khi đó, lễ bế mạc vào chiều ngày 17/5 được tổ chức tương tự lễ khai mạc nhưng với quy mô nhỏ hơn. Mặc dù vậy, lễ bế mạc vẫn lồng ghép các chương trình biểu diễn nghệ thuật mới, độc đáo và khác biệt. Qua đó, giới thiệu về những nét văn hóa, văn minh, truyền thống của đất nước, con người Campuchia, mang đến sự mãn nhãn, niềm vui và ấn tượng đối với công chúng.
Điểm nhấn của đêm bế mạc là màn trình diễn đại cảnh “Linh hồn võ Labokator” với sự tham gia của hàng nghìn võ sinh, diễn viên, giới thiệu môn võ của nước chủ nhà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối năm 2022. Cùng với đó là màn công diễn ca khúc “Tự hào Campuchia” hay “Yêu những gì Campuchia có” (Cambodian Pride), ca khúc chính thức của đại hội lần này. Qua đó, giới thiệu những nét văn hóa, văn minh của đất nước, con người Campuchia từ truyền thống đến hiện đại, để lại nhiều tình cảm đẹp, cảm xúc lưu luyến đối với các VĐV, quan khách và công chúng về một kỳ SEA Games ấn tượng và thành công tại Campuchia đúng như tinh thần “Thể thao - Sống trong hòa bình”.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trong tuyên bố bế mạc đã khẳng định: SEA Games 32 đã thành công. Trong thể thao sẽ có những khoảnh khắc quyết liệt, thậm chí xô xát, tranh cãi, nhưng đó mới là thể thao, nơi mà sự quyết tâm của từng vận động viên phải được thể hiện, nơi mà bất kỳ ai cũng muốn có thành tựu tốt nhất. Campuchia tự hào khi lần đầu tiên tổ chức đại hội, xứ chùa tháp đã nỗ lực hết sức với mong muốn thể thao gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị khu vực ASEAN. Qua đây, tăng cường hơn nữa các lĩnh vực du lịch, kinh tế, đối ngoại, cùng nhau xây dựng ASEAN thành một khối thịnh vượng, đoàn kết, phát triển.
Kết thúc SEA Games 32, hai vận động viên tiêu biểu nhận được phần thưởng đặc biệt của đại hội là: Pal Chhor Raksmy (Campuchia)-bộ môn vovinam-với thành tích giành nhiều HCV nhất với 4 huy chương ở môn võ vovinam nội dung biểu diễn; và Quah Ting Wen (Singapore)-bộ môn bơi lội-với thành tích 6 huy chương, trong đó có 4 HCV đồng đội.
Cũng trong lễ bế mạc, đại diện Campuchia đã trao cho Thái Lan cờ đăng cai SEA Games 33. Với chủ đề “Sawad-dee SEA Games” (Xin chào SEA Games), SEA Games 33 dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 20/12/2025 ở 3 địa điểm chính là thủ đô Bangkok và hai tỉnh Chonburi và Songkhla, Vương quốc Thái Lan. Trong lịch sử, Thái Lan đã đăng cai 3 sự kiện thể thao lớn, gồm: SEA Games 18 tại Chiang Mai (năm 1995), Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 8 (Asian Games VIII) tại Bangkok (năm 1998) và SEA Games 24 tại Nakhon Ratchasima (2007).
Có thể thấy, khép lại SEA Games 32, Campuchia đã được các quốc gia Đông Nam Á, cũng như các nước khác trên thế giới, đánh giá cao với tư cách là chủ nhà của SEA Games 32. Điều này tái khẳng định cam kết của Vương quốc Campuchia trong việc tổ chức sự kiện thể thao khu vực, đảm bảo các nước tham gia đại hội cảm nhận được lòng hiếu khách nồng hậu, tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
* Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Thành công ngoài mong đợi
Tròn một năm sau SEA Games 31 thành công rực rỡ trên sân nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự SEA Games 32 với hơn 1.000 thành viên; tham gia thi đấu 30/36 môn, 487/583 nội dung và đặt mục tiêu đạt được từ 90-120 Huy chương vàng (HCV), đứng trong tốp 3 toàn đoàn.
Tại SEA Games 32, dù một số môn thế mạnh của Việt Nam đã bị loại bỏ khỏi chương trình thi đấu, nhưng Việt Nam đã bản lĩnh giữ vững ngôi vị đứng đầu toàn đoàn. Trong lịch sử các lần dự đại hội, Đoàn Thể thao Việt Nam đã từng 2 lần dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại SEA Games 22 (năm 2003) và SEA Games 31 (năm 2022) nhưng đều tổ chức trên sân nhà.
Đặc biệt, SEA Games 32 là lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn thể thao Việt Nam xếp số 1 chung cuộc mà không phải là chủ nhà và là lần thứ hai đứng trên Thái Lan khi SEA Games được tổ chức ở nước ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam bảo vệ thành công vị trí dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp.
Với tổng cộng 355 huy chương gồm 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV. Đây là thành công ngoài mong đợi bởi giới chuyên môn và người hâm mộ đều chung nhận định, SEA Games 32 là kỳ đại hội khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic; hạn chế số lượng nội dung tham dự của các đoàn ở nhiều môn, đặc biệt là môn võ. Thứ hai, điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Campuchia khi thì nắng gắt, lúc lại mưa to gây bất lợi cho nhiều đội tuyển. Thứ ba, quá trình chuẩn bị cho đại hội của nhiều đội tuyển thể thao quốc gia gặp thách thức lớn khi thời gian gấp gáp, không có điều kiện tập huấn nước ngoài và thiếu thiết bị tập luyện. Nhưng vượt lên trên tất cả, các đội tuyển quốc gia đã thi đấu quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn để giành chiến thắng xứng đáng.
Tiêu biểu trong đó cần phải kể tới là Đội tuyển Vật Việt Nam khi tiếp tục khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á, giành tổng cộng 13 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ; Đội tuyển Karate Việt Nam xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc với 6 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ; Đội tuyển thể dục Aerobic Việt Nam giành chiến thắng tuyệt đối khi đoạt 5/5 HCV; Đội tuyển Judo Việt Nam nhất toàn đoàn với 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ; Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch và lần thứ 4 liên tiếp giành HCV SEA Games; Đội tuyển Lặn Việt Nam tiếp tục không có đối thủ ở sân chơi khu vực khi giành tới 14 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ; Đội tuyển Cử tạ Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành 4 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ…
Trong số đó, các vận động viên Việt Nam đã xác lập 4 kỷ lục mới tại SEA Games 32. Ấn tượng nhất là Phạm Thanh Bảo với thành tích 1 phút 00 giây 97 ở môn bơi, nội dung 100m ếch, phá kỷ lục cũ (1 phút 01 giây 17) do chính anh lập tại SEA Games 31. Tại nội dung 200m ếch, Phạm Thanh Bảo tiếp tục phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11 giây 45. Bên cạnh đó, chúng ta còn có hai kỷ lục khác ở môn lặn, nội dung 4x200m nam vòi hơi chân vịt (thành tích 5 phút 50 giây 03) và nội dung 4x200m nữ vòi hơi chân vịt (thành tích 6 phút 19 giây 69).
Đáng nói, các vận động viên Việt Nam đã chơi xuất sắc ở các môn Kun Khmer và Kun Bokator, dù đây là các môn truyền thống của Campuchia và chúng ta không có nhiều thời gian tiếp cận, tập luyện. Trong lần đầu tiên dự SEA Games, đội tuyển võ cổ truyền Việt Nam xuất sắc giành 6 HCV, 3 HCĐ ở môn võ kun bokator và chỉ xếp sau chủ nhà Campuchia (8 HCV, 7 HCB và 3 HCĐ).
Nhìn lại hành trình ở SEA Games 32, các tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Từ niềm vui vỡ òa với tấm HCV đầu tiên trong lịch sử ở của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3, đến sự khâm phục của chính các đối thủ sau khi Nguyễn Thị Oanh kiến tạo thành tích lịch sử với 4 tấm HCV ở những nội dung đầy thử thách ở môn điền kinh. Hay như tấm HCV cá nhân môn golf của Lê Khánh Hưng - người vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đặc biệt không thể không nhắc đến kỳ tích giành 2 HCV chỉ trong khoảng… 30 phút của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh ở các nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ ở ngày thi đấu 9/5; đồng thời là VĐV duy nhất giành tới 4 HCV ở một kỳ SEA Games. Cũng ở môn điền kinh, “Cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền chinh phục chiếc HCV thứ 13, trở thành VĐV Việt Nam giàu thành tích nhất lịch sử tham dự SEA Games.
Ngoài ra, còn nhiều đội tuyển thể thao quốc gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, tất nhiên bên cạnh đó còn có những điều nuối tiếc mà Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu như: bóng chuyền nữ, điền kinh, bóng đá nam, môn bơi. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta đã có một kỳ đại hội thành công ngoài mong đợi. Điều này cho thấy bước tiến mạnh mẽ của thể thao Việt Nam khẳng định vị thế số 1 khu vực ở thời điểm hiện tại, trong đó có nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic.
Thành công tại SEA Games 32 giúp thể thao Việt Nam khẳng định tầm nhìn, sự đầu tư đúng và trúng; đồng thời tạo đà vững chắc để chúng ta hướng tới các sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic.
Theo ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, việc giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á là nhiệm vụ quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất với thể thao Việt Nam. Phía trước là Asiad, Olympic, đây là những đấu trường mà thể thao Việt Nam phải tập trung tối đa, cần những tính toán riêng về chuyên môn và điểm rơi phong độ để phù hợp với chiến lược phát triển ở từng đấu trường.
* Bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 32:
1. Việt Nam: tổng cộng 355 huy chương, trong đó: 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ
2. Thái Lan: tổng cộng 312 huy chương, trong đó: 108 HCV, 96 HCB, 108 HCĐ
3. Indonesia; tổng cộng 276 huy chương, trong đó: 86 HCV, 81 HCB, 109 HCĐ
4. Campuchia: tổng cộng 281 huy chương, trong đó: 81 HCV, 74 HCB, 126 HCĐ
5. Philippines: tổng cộng 260 huy chương, trong đó: 58 HCV, 86 HCB, 116 HCĐ
6. Singapore : tổng cộng 157 huy chương, trong đó: 51 HCV, 42 HCB, 64 HCĐ
7. Malaysia: tổng cộng 176 huy chương, trong đó: 34 HCV, 45 HCB, 97 HCĐ
8. Myanmar: tổng cộng 114 huy chương, trong đó: 21 HCV, 25 HCB, 68 HCĐ
9. Lào : tổng cộng 88 huy chương, trong đó: 6 HCV, 22 HCB, 60 HCĐ
10. Brunei: tổng cộng 9 huy chương, trong đó: 2 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ
11. Timor Leste: tổng cộng 8 huy chương, trong đó: 0 HCV, 0 HCB, 8 HCĐ./.