Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương - người có duyên nợ văn chương với Bác Hồ

    Nhân vật liên quan

    • Nhà văn, thiếu tướngHồ Phương

Hà Nội (TTXVN 3/1/2024) Thiếu tướng, nhà văn, Hồ Phương - tác giả truyện ngắn ‘Cỏ non’ quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt đã qua đời tối 2/1/2024. Với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời”. Ông là một trong những vị tướng - nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam.

* Nhà văn Hồ Phương là một trong những vị tướng-nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam

 Nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh ngày 15/4/1930, tại xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, thành phố Hà Nội. Nhà văn Hồ Phương là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

 Là học sinh thông minh, khi học đến phổ thông ông mơ ước trở thành một nhà văn hay một người thầy giáo dạy văn. 17 tuổi, ông bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội.

 Tháng 12/1946, ông gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu rồi gia nhập quân đội, trở thành “chiến sĩ Quyết tử” của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa.

 Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội, Đại đoàn 308 sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng, trưởng thành từ người chiến sĩ, làm phóng viên, cán bộ phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm Chính trị viên đại đội.

Suốt những năm tháng chống thực dân Pháp, những lần vào sinh ra tử trong chiến đấu đã trở thành những tư liệu cuộc sống vô cùng quý giá để ông viết những tác phẩm đi vào lòng công chúng với một ấn tượng rất riêng. Người ta thích đọc văn ông vì nó rất thật, rất gần gũi với cuộc đời.

Năm 1954, ông được điều về Tổng cục Chính trị viết văn và tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ông làm phóng viên mặt trận và đi B, rồi Thiếu tướng Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó một thời gian làm ông Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Ông đã tham gia Ban Chấp hành Hội nhà văn khóa III.

Nhà văn Nguyên Hồng từng nhận xét: Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước". Các sáng tác của ông chủ yếu viết về anh hùng, những điều tốt đẹp, tỏa sáng của bộ đội và nhân dân.

Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, Lê Mã Lương, chiến sĩ Cồn Cỏ, lãnh tụ Hồ Chí Minh... đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương.

 Nhà văn Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm “Cỏ non” đã được đưa vào sách giáo khoa. Song có một tác phẩm khác của ông cũng đi vào ký ức của nhiều thế hệ độc giả đó là Thư nhà viết năm 1948, khi ông là chàng lính Hồ Phương mới 18 tuổi.

Bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vị tướng nhà văn vẫn miệt mài sáng tác với hàng loạt những tác phẩm mới được ra đời như: Yêu tinh (Tiểu thuyết 2001), Ngàn dâu (Tiểu thuyết 2002), Những cánh rừng lá đỏ (Tiểu thuyết 2005).

* Duyên nợ đặc biệt với Bác Hồ

Sinh thời, ông cho biết ông có duyên nợ đặc biệt với Bác Hồ.

Năm 15 tuổi, cách mạng thành công, ông đã nghe cha mình - một bậc túc nho, và các anh trai ngồi nói chuyện về Bác Hồ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào tự vệ thành, rồi trở thành Vệ Út của trung đoàn Thủ đô cũng là vì hâm mộ Bác Hồ. Lên chiến khu, được gặp Bác trực tiếp, hình ảnh thần tượng trong ông càng sống động.

Ông lấy bút danh cho mình là Hồ Phương theo họ của Bác Hồ - người mà ông thần tượng suốt đời.

 Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn cho ra mắt cuốn tiểu thuyết về tình cha con của Bác Hồ mang tên “Cha và con”.

Viết về một thời kỳ lịch sử còn đậm đặc chất phong kiến, nhưng nhà văn Hồ Phương chọn cách thể hiện nhanh, khá hiện đại, mang màu sắc điện ảnh.

Với hơn 200 trang sách, Cha và con khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước.

Không gian mở rộng từ làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An), kinh đô Huế, Bình Khê, Phan Thiết - nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn - nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng "muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp" và lên đường xuất dương.

 Trả lời báo Tuổi trẻ, ngày 30/8/2007, nhà văn Hồ Phương nói rằng: nhân vật mà tôi muốn gửi gắm nhiều nhất - ngoài cậu Côn - chính là người cha. Người cha, theo cảm nhận của riêng tôi, đã ảnh hưởng rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của cậu Côn - sau này là Nguyễn Tất Thành. Là nhà giáo, kiến thức cũng như cách nhìn nhận cuộc sống mà ông truyền cho con đã tác động mạnh mẽ đến việc tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành sau này. “… Tôi luôn luôn nghĩ rằng trong gia đình đặc biệt ấy, tình phụ tử cũng thể hiên rất đặc biệt. Chính vì thế mà tôi đã rất xúc động khi viết đến cảnh chàng thanh niên lên Bình Khê để từ giã cha mình, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về. Thật ra, không chỉ là cuộc chia tay của cụ Phó bảng với cậu Côn, mà cả những cuộc chia tay với cô Thanh, cậu Khiêm, tôi cũng luôn luôn viết với một tâm thế: “Giá như họ biết được đây là cuộc chia tay cuối cùng”.

Cuốn tiểu thuyết Cha và con không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn trở thành một cách nhìn mới, cái nhìn về gốc rễ đã tạo nên một Hồ Chí Minh vĩ đại cho đến tận ngày nay và mai sau”.

              * Các tác phẩm và giải thưởng của nhà văn Hồ Phương

               - Truyện, truyện ngắn:

               Thư nhà (Truyện ngắn, 1948)

               Vệ Út (Truyện, 1955)

               Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ (Truyện, 1956)

               Lá cờ chuẩn đỏ thắm (Truyện, 1957)

               Cỏ non (Truyện ngắn, 1960)

               Trên biển lớn (Truyện ngắn, 1964)

               Nhằm thẳng quân thù mà bắn (Truyện, 1965)

               Xóm mới (tập truyện ngắn, 1965)

               Khi có một mặt trời (Truyện, 1972)

               Phía tây mặt trận (Truyện ngắn, ký 1978)

               Cầm Sa (Truyện ngắn, 1980)

               Núi rừng yên tĩnh (Truyện, ký in chung, 1981)

               Huế trở lại mùa xuân (Truyện ngắn)

               Cỏ non (Tuyển truyện ngắn, 1989)

               Ông trùm (Truyện ngắn, 1992).  

 

               - Tiểu thuyết:

               Những tiếng súng đầu tiên (1955)

               Kan Lịch (1967)

               Những tầm cao (2 tập, 1974)

               Những tầm cao (2 tập, 1974)

               Biển gọi (1978)

               Bình minh (1981)

               Chân trời xa (1985)

               Mặt trời ấm sáng (1985)

               Anh là ai (1992)

               Cánh đồng phía Tây (1994)

               Yêu tinh (2001)

               Ngàn dâu (2002)

               Những cánh rừng lá đỏ (2005)

               Cha và con (2007).

 

               - Ký sự:

               Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Ký sự, 1966)

               Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Ký sự dài, 1968)

               Số phận lữ dù 3 Sài Gòn (Ký, 1971)

               Đại đoàn đồng bằng (Ký sự in chung 1989)

               Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng (Ghi chép, 1964).

 

               - Giải thưởng

               Với khối lượng tác phẩm văn học hết sức đồ sộ của mình, nhà văn Hồ Phương đã nhận được rất nhiều giải thưởng về văn học, đặc biệt ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

               Giải thưởng báo Văn nghệ với truyện ngắn Cỏ non (1958)

               Giải thưởng văn học Thủ đô 1983 cho tác phẩm Những tầm cao.

               Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994) với Cánh đồng phía Tây.

               Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam  – Bộ Công an với Yêu tinh (2001).

               Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2003) với tiểu thuyết Ngàn dâu.

               Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001: Cỏ non (truyện ngắn), Những tầm cao (tiểu thuyết, 2 tập), Kan Lịch (tiểu thuyết); Cánh đồng phía Tây (tiểu thuyết).

               Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Ngàn dâu, Những cánh rừng lá đỏ./.

       Phương Phương