Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam (18-20/10/2020): Thúc đẩy mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á”

    Nhân vật liên quan

    • Nguyễn Xuân Phúc

Hà Nội (TTXVN 17/10/2020) Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20/10/2020. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 16/9/2020 và là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà đã trở thành những người bạn chân thành, chia ngọt sẻ bùi và thấu hiểu lẫn nhau.

* Quan hệ chính trị không ngừng được củng cố và phát triển

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng châu Á cách nhau một vùng biển lớn, có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng như cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần thờ phụng tổ tiên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi... Người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên và sức sáng tạo, đã làm nên nhiều thành tựu lớn.

Quan hệ giữa hai dân tộc khởi nguồn từ các mối liên hệ lịch sử, văn hóa, thương mại vào thế kỷ thứ VIII với âm nhạc Lâm Ấp của nhà sư Phật Triết mang tới cố đô Na-ra, hay quan hệ giao thương vào thế kỷ thứ XVI khi các châu Ấn thuyền Nhật Bản đến Hội An, góp phần tạo dựng nên những trung tâm buôn bán sầm uất đầu tiên ở Việt Nam. Các công trình kiến trúc cổ kính do các thương nhân Nhật Bản xây dựng ở Hội An, những di tích ở Phố Hiến, phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX do nhà yêu nước Phan Bội Châu phát động học tập công cuộc Duy Tân của Nhà Vua Minh Trị… là những biểu tượng đẹp về sự gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam, Nhật Bản. Sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, đến nay, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014).

Trong suốt nhiều năm qua, sự tin cậy về chính trị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên. Về phía Việt Nam, gần đây nhất có các chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9/2015), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5/2016, 6/2017, 6/2019 và tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito tháng 9/2020) …; Về phía Nhật Bản, có Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1 và 11/2017), Chủ tịch Hạ viện (5/2017), Nhà Vua và Hoàng hậu (tháng 3/2017) và Chủ tịch Thượng viện (tháng 12/2015)... Các chuyến thăm cũng như các cuộc gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực đã góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hai bên cũng duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt-Nhật về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ năm 2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ năm 2013.

Cùng với đó, hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

* Hợp tác kinh tế - trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018, 2019 đều trên dưới đạt 40 tỷ USD trong năm 2018. Và trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dep, thực phẩm chế biến… mà Việt Nam có thế mạnh; ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam.

Về đầu tư trực tiếp, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 9/2020, đạt gần 59.870 tỷ USD cho 4.595 dự án, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo… Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và 70% trong số đó tiếp tục có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Kể từ năm 1992 tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như: Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các nhà máy điện…

* Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực

Bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, không thể không nhắc tới sự giao lưu ngày một gần gũi hơn giữa các địa phương. Hàng năm có hơn 1,4 triệu lượt người Việt Nam và Nhật Bản đi lại giữa các nước. Nhiều địa phương Nhật Bản đã chọn Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác trong chiến lược chấn hưng kinh tế địa phương của họ. Nhiều địa phương của hai nước đã ký văn bản hợp tác, như: TP Hồ Chí Minh-Osaka, Đà Nẵng-Sakai, Hà Nội-Fukuoka, Đà Nẵng-Yokohama, TP Hồ Chí Minh-Yokohama, Đồng Nai-Hyogo, Bà Rịa-Vũng Tàu-Kawasaki, Phú Thọ-Nara, Huế-Kyoto, Hưng Yên-Kanagawa, Hải Phòng-Niigata và Nam Định-Miyazaki…

Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã vượt 420.000 người, là cộng đồng người nước ngoài đứng thứ ba tại Nhật Bản. Người Việt Nam đã có mặt sinh sống, lao động và học tập tại tất cả các tỉnh, thành của Nhật Bản. Đây thực sự là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước; cũng là nguồn tài sản quí giá, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 75.000 và số thực tập sinh kỹ năng là trên 140.000. Nhật Bản đã hợp tác để nâng cấp và xây dựng một số trường đại học của Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; đồng thời Nhật Bản cũng hỗ trợ dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Về giao lưu văn hóa, các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận. Nhật Bản còn là đối tác du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2019 Việt Nam đón xấp xỉ 522.000 lượt khách Nhật Bản, tăng trên 15% so với 2018. Nhật Bản nằm trong top 5 thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, với tổng lượng du khách sang Nhật Bản năm 2019 đạt gần 495.000, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản đứng đầu so với các nước.

Ngoài ra, hợp tác trên các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường… cũng phát triển mạnh mẽ, là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, nhìn tổng quát, mối quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, tiềm năng phát triển hơn nữa mối quan hệ đó vẫn là rất lớn. Đây là cơ hội không thể để bỏ lỡ.

Có thể thấy, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản luôn phát triển tốt đẹp, hợp tác sâu rộng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đó là kết quả của những nỗ lực của hai nước trong suốt nhiều năm qua trên cơ sở sự tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Và chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide góp phần tạo động lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hai nước theo hướng ngày một thực chất và hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực./.

Minh Duyên (tổng hợp)