Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược

Hà Nội (TTXVN 11/4/2024) Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang thực hiện chuyến thăm Mỹ trong vòng 5 ngày (từ ngày 8 đến 12/4/2024). Đây là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản trong vòng 9 năm qua.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, cả Mỹ và Nhật Bản đều đang đối phó những thách thức ở khu vực và trên thế giới, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự-an ninh với Mỹ, đồng thời tăng cường liên kết trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm lĩnh vực kinh tế, vũ trụ… 

* Chuyến thăm với nhiều nội dung quan trọng

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa, trái) cùng phu nhân Yuko Kishida tới căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland, Mỹ ngày 8/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ðây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách là khách mời cấp nhà nước kể từ chuyến thăm của ông Abe Shinzo năm 2015. Mục tiêu trọng tâm của chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington của Thủ tướng Kishida Fumio lần này là tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và an ninh-quốc phòng với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản.

Về hợp tác an ninh, quốc phòng-một lĩnh vực mà hai nước có sự hợp tác chặt chẽ-các nhà phân tích cho biết Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng cấp mạnh mẽ nhất quan hệ hợp tác về an ninh giữa hai nước kể từ khi hai bên ký hiệp ước về phòng thủ chung hồi năm 1960. Nhật Bản và Mỹ đang nỗ lực tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh trước các thách thức an ninh ngày càng tăng. Hai bên cũng đang tìm cách để hợp tác trong việc đi đầu tạo ra các quy định nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ.

Trước đó hồi tháng 1/2023, Nhật Bản và Mỹ nhất trí mở rộng phạm vi nghĩa vụ của Washington đối với phòng thủ của Tokyo được quy định trong Hiệp ước an ninh giữa hai nước, theo đó bao gồm cả lĩnh vực không gian. Hai nước cũng dự kiến trình một nghị quyết chung lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi không triển khai vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt trên vũ trụ.

Trong khi đó, tái cơ cấu và mở rộng chức năng của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản cũng là một trong những chủ đề hàng đầu trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Ðây được đánh giá là nỗ lực nâng cấp lớn nhất liên minh an ninh Mỹ-Nhật trong nhiều thập niên qua, mở ra cho hai bên hướng đi cần thiết để thúc đẩy những điều chỉnh kịp thời hướng tới thành lập một bộ chỉ huy tác chiến chung mới. Việc này sẽ cho phép hai bên chia sẻ thông tin liền mạch hơn và ra quyết định hợp tác, qua đó tăng hiệu quả các chuỗi chỉ huy hiện có.

Song song với hợp tác quốc phòng, thương mại cũng là một trọng tâm trong hợp tác Mỹ-Nhật. Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Kishida thăm một nhà máy của Toyota Motor Corp. đang được xây dựng ở Bắc Carolina, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và giao lưu với các sinh viên học tiếng Nhật tại đây, đồng thời có buổi làm việc với Thống đốc Roy Cooper.

Trong lịch trình chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10/4 với mục đích củng cố thêm mối quan hệ đồng minh thân thiết, hợp tác trong lĩnh vực AI, kinh tế… Trong cuộc hội đàm kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, hai bên đã tập trung thảo luận về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương , Ukraine và cuộc xung đột ở Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự chung và một hệ thống phòng thủ tên lửa mới, nhằm củng cố kết nối liên minh song phương chặt chẽ này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Nhà Trắng, ngày 10/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng sau hội đàm, Tổng thống Biden nhận định: “Đây là bước nâng cấp quan trọng nhất trong liên minh của chúng tôi kể từ khi được thiết lập”. Theo ông Biden, quân đội hai nước sẽ hợp tác theo cơ cấu chỉ huy chung và hai nước sẽ cùng với Australia phát triển mạng lưới phòng thủ tên lửa phòng không mới. Hai nhà lãnh đạo cũng thông báo rằng các phi hành gia Nhật Bản sẽ tham gia các sứ mệnh lên mặt trăng của NASA.

Về phần mình, Thủ tướng Kishida cho biết hai bên cũng thảo luận về mối quan hệ căng thẳng trên trường quốc tế, đồng thời cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Ông Kishida tuyên bố: “Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc là hoàn toàn không thể chấp nhận được, dù ở bất kỳ đâu”.

Cũng trong chuyến thăm này, ông Kishida Fumio có bài phát biểu tại phiên họp chung của cả hai viện Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh về vai trò của Nhật Bản và Mỹ trong bảo vệ trật tự quốc tế dự trên chủ nghĩa tự do và dân chủ.

Tiếp đó vào ngày 11/4,  Thủ tướng Kishida cùng Tổng thống Joe Biden và Tổng thống  Ferdinand Marcos Jr tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines. Đây là sự kiện quan trọng để lãnh đạo 3 nước tăng cường hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và các công nghệ mới nổi, thúc đẩy chuỗi cung ứng năng lượng sạch và hợp tác về khí hậu, cũng như tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

* Khẳng định mối quan hệ đồng minh ngày càng bền chặt

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm ở Washington DC., ngày 10/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật Bản vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ tại khu vực châu Á. Nhật Bản có vị trí địa chính trị quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chuc nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ. Với những mục tiêu an ninh chung, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức năm 2021, Thủ tướng Kishida đã định vị Nhật Bản là đối tác của Mỹ không chỉ ở châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu, trong khi đối với Mỹ, quan hệ đối tác với Nhật Bản từ lâu đã là trọng tâm trong chiến lược ở Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan hệ Mỹ-Nhật đã được mở rộng hơn nữa dưới thời Thủ tướng Kishida.

Trước thềm chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp và đa dạng, cũng như môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông Kishida cho biết, Nhật Bản và Mỹ là những đối tác toàn cầu, vì thế hai nước cần nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt trong giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinan Marcos Jr tại cuộc gặp ở Washington DC., Mỹ, ngày 11/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Về hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines, Thủ tướng Kishida tái khẳng định, hợp tác giữa ba nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như duy trì một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền.

Trong khi đó, tuyên bố của Nhà Trắng trước thềm chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật Bản cho biết, chuyến thăm nêu bật sức mạnh bền bỉ của mối quan hệ đối tác liên minh, cam kết không lay chuyển của Mỹ với Nhật Bản và vai trò tiên phong ngày càng tăng của Nhật Bản trên trường quốc tế, cũng như những nỗ lực nhằm củng cố mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, cả Mỹ và Nhật Bản đều đang đối phó những thách thức ở khu vực và trên thế giới, chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nhật Bản Kishida diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả hai nhà lãnh đạo. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản đang phải đối diện với thách thức khi tỷ lệ tín nhiệm có phần ảm đạm và giá cả trong nước tăng mạnh, thì Tổng thống Joe Biden cũng đang phải dồn lực cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.

Vì thế, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida được xem như cơ hội để khẳng định chiều sâu của quan hệ Nhật Bản-Mỹ, đồng thời duy trì động lực của liên minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì hợp tác sâu rộng trở thành động lực của liên minh Mỹ-Nhật Bản tiếp tục là thách thức đối với cả hai phía./.

Trọng Đức (tổng hợp)