Thủ tướng Phạm Minh Chính dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20: Cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Hà Nội (TTXVN 15/9/2023) Nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 16 và 17/9/2023. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 lần này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới trong dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 * CAEXPO - một trong những hội chợ thương mại quốc tế lớn nhất thế giới
 CAEXPO là một trong những hội chợ thương mại quốc tế lớn nhất hiện nay được tổ chức hằng năm tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trước đó, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 ASEAN-Trung Quốc (ngày 8/10/2003) tại Bali (Indonesia), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thông báo sáng kiến hàng năm tổ chức Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu từ năm 2004.
Sáng kiến này đã nhận được sự hoan nghênh và đồng thuận từ các nhà Lãnh đạo ASEAN. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội chợ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại công văn số 3393/VPCP-QHQT ngày 22/7/2004 thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN hàng năm, giao Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) làm Trưởng ban chỉ đạo và đảm nhiệm Đồng Trưởng ban Tổ chức Hội chợ, đồng thời giao Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương.
Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2004 đến nay, Hội chợ CAEXPO luôn là cơ hội hợp tác kinh doanh, là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh thương mại cũng như hàng loạt cuộc tham vấn.
Trong gần 20 năm qua, CAEXPO đã trở thành một nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại đa phương lớn của ASEAN và Trung Quốc, quy tụ đông đảo các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc và các nước ASEAN, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tìm hiểu xu thế thị trường, giao lưu, trao đổi, xúc tiến kinh doanh và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp Trung Quốc và các nước ASEAN.
Qua các kỳ hội chợ được tổ chức thành công, CAEXPO thực sự đã trở thành một sự kiện quốc tế có tầm ảnh hưởng sâu rộng và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế hữu nghị giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm nay, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) chính thức quay trở lại sau 3 năm không tổ chức được theo hình thức tập trung trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN.
Theo Ban Tổ chức, CAEXPO 2023 có quy mô 122.000m2 (bao gồm 2.800 gian hàng trong nhà và 10.000m2 ngoài trời) gồm 6 khu vực chính: Khu vực triển lãm sản phẩm của các nước ASEAN và Trung Quốc; Khu vực triển lãm thành phố tiêu biểu của các nước ASEAN và Trung Quốc; Khu vực triển lãm Hợp tác Đầu tư; Khu vực triển lãm Hợp tác Nông nghiệp; Khu vực triển lãm Công nghệ Mới; Khu vực triển lãm Dịch vụ Thương mại.
Ngoài việc trưng bày hàng hóa, tại kỳ hội chợ năm nay còn diễn ra hơn 100 sự kiện xúc tiến đầu tư thương mại, hội nghị hội thảo của 10 nước thành viên ASEAN và các nước khác.
Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp, trong khi ASEAN đã vượt Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.

* Cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc
Với vị trí láng giềng gần gũi, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có mối quan hệ lâu đời. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950 và trong 73 năm qua, trải qua những thăng trầm cùng thời gian, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác.
Hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008. Đây là khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định, góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển thương mại song phương. Hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.
Trong những năm qua, hợp tác thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc). 
Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 133,09 tỷ USD, năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 175 tỷ USD, 7 tháng năm 2023 đạt 89,1 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các nhóm xuất khẩu chính là hàng chế biến, chế tạo và nông, thủy sản. Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
 Trong số đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 8/2023, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 25,8 tỷ USD với 3.949 dự án còn hiệu lực.
Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Qua đó, hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới.
  Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
  Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc…
Với những tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 (ngày 16 và 17/9/2023) tổ chức tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới trong dòng chảy thương mại giữa hai nước.
Nhìn vào thực tế những số liệu thống kê của cả phía Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy, từ chỗ trị giá các hợp đồng, thỏa thuận giao dịch trong những năm đầu tiên tham gia CAEXPO còn khiêm tốn, những năm gần đây, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ đã lên tới trên dưới 50 triệu USD và kỳ tổ chức Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ CAEXPO nào cũng thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia.
Tham gia sự kiện Hội chợ năm nay, dự kiến đoàn doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có quy mô lớn nhất ASEAN vơi 250 gian hàng trên diện tích 5.000 m2./.

An Ngọc (tổng hợp)